Các giải pháp bảo vệ tài nguyên, môi trường biển

Diễn đàn khoa học 26/12/2016 06:37

Vấn đề khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường biển ở nhiều khu vực, quốc gia đang đứng trước những thách thức, nhiều nguồn tài nguyên bị khai thác cạn kiệt, môi trường biển nhiều nơi bị ô nhiễm đến mức báo động đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia.

MT
Các giải pháp bảo vệ tài nguyên, môi trường biển

Trong những năm qua, để giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến biển tại mỗi nước nhằm hướng tới việc khai thác hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường để phát triển bền vững biển, xu hướng chung cho thấy các quốc gia trên thế giới có nhiều nỗ lực, không ngừng xây dựng, triển khai nhiều chính sách, biện pháp, chương trình và kế hoạch nhằm khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, phát triển bền vững đất nước và đến nay, nhiều quốc gia đã đạt được những tiến bộ và thành công đáng ghi nhận. Điểm qua các biện pháp và sáng kiến nhằm khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển của một số quốc gia có biển, chúng ta có thể thấy rằng xu hướng chung của các nước tập trung vào một số nội dung chính sau:

Tăng cường xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp lý để khai thác hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững biển

Tại Trung Quốc, cùng với việc ban hành Luật Bảo vệ môi trường biển, đến nay Trung Quốc đã ban hành nhiều văn bản pháp qui khác nhau nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển đi đôi với việc bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển, ví dụ như Luật về thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Trung Quốc. Tương tự Trung Quốc, nhiều quốc gia khác đã xây dựng, hoàn thiện hệ thống, công cụ pháp lý về khai thác hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững biển, ví dụ như Mỹ thông qua Luật Biển vào năm 2000, Canada đã xây dựng và ban hành Luật Biển từ năm 1997, Úc với Luật Bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường, trong đó áp dụng toàn diện đối với biển.

Hoàn thiện khung thể chế quản lý biển

Cùng với việc hoàn thiện pháp luật về biển, hệ thống quản lý môi trường biển mới cũng được xây dựng và phát triển tại nhiều quốc gia nhằm đảm bảo tính thống nhất xuyên suốt, cắt giảm chi phí hành chính, thúc đẩy công tác trao đổi thông tin và dữ liệu, đạt được hiệu quả cao trong công tác qui họach phát triển bền vững biển... Tại Nhật Bản, sau khi ban hành Luật Cơ bản về Biển năm 2007, Nhật đã thành lập một cơ quan đầu mối về chính sách biển tổng hợp do Thủ tướng đứng đầu nhằm thúc đẩy biện pháp về biển một cách tập trung và tổng hợp. Tại Úc, sau khi ban hành chính sách biển quốc gia, nước này đã đưa ra một loạt những điều chỉnh cơ cấu tổ chức bao gồm việc thành lập một Ủy ban Bộ trưởng biển quốc gia cùng với nhóm cố vấn biển quốc gia, văn phòng biển quốc gia và một ban chỉ đạo qui hoạch biển, trong đó chức năng của Ủy ban Bộ trưởng biển quốc gia tập trung vào việc điều phối chính sách biển, giám sát quá trình kế hoạch phân vùng biển, xây dựng các chương trình, kế hoạch thực thi chính sách biển quốc gia, đề xuất ưu tiên nghiên cứu biển liên quan đến phát triển và thực thi chính sách biển Úc.

Khắc phục tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường nghiêm trọng và tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa các nguồn ô nhiễm biển

Để giải quyết vấn đề ô nhiễm biển có nguồn gốc từ biển và từ đất liền, nhiều chương trình hành động nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường nghiêm trọng với các điểm, khu vực, vùng bị ô nhiễm và suy thoái nặng đã được triển khai. Việc ứng phó, khắc phục sự cố môi trường, thiên tai trên biển và vùng ven biển, bảo vệ và cải thiện môi trường các khu vực trọng điểm tại các vùng biển cũng tích cực được tiến hành; công tác phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm đối với các hoạt động du lịch, hàng hải; khoan, thăm dò, khai thác, vận chuyển dầu khí; khai thác khoáng sản; đánh bắt, nuôi trồng thủy sản; thải đổ bùn nạo vét luồng giao thông thủy, công trình biển… cũng được ưu tiên chú trọng ở nhiều nước.

Thúc đẩy tăng cường quản lý tổng hợp đới bờ (ICM)

Kể từ khi ra đời đến nay, quản lý tổng hợp đới bờ đã được thừa nhận như là khung quản lý hiệu quả để đạt được phát triển bền vững vùng biển đới bờ và được triển khai, áp dụng cho nhiều vùng bờ khác nhau trên thế giới. Tại Mỹ, Luật Quản lý đới bờ được thông qua năm 1972 đưa Mỹ trở thành quốc gia tiên phong trong việc áp dụng quản lý tổng hợp biển và đới bờ. Luật Quản lý đới bờ ra đời đã giúp thúc đẩy, tăng cường sự tham gia và phối hợp của các bên trong việc đưa ra các chương trình liên quan đến vùng ven biển và cân bằng giữa các nhóm cạnh tranh về lợi ích ở vùng ven biển.

Quản lý dựa vào hệ sinh thái

Quản lý dựa vào hệ sinh thái là một cách tiếp cận quản lý thống nhất chú trọng xem xét toàn bộ hệ sinh thái, các mối liên hệ xuyên suốt trong toàn hệ thống và các ảnh hưởng, tác động tích tụ do các họat động của con người tạo ra. Trong bối cảnh nhu cầu quản lý và phát triển bền vững môi trường biển ngày càng trở nên cấp thiết, cách tiếp cận quản lý sinh thái được xem là nguyên tắc cơ bản của chính sách biển quốc gia các nước như Úc, Mỹ, Canada… và được áp dụng triển khai thành công trong thực tiễn quản lý biển tại Khu bảo tồn Great Barrier Reef Marine Park của Úc, vùng biển Bering của Mỹ…

Quy hoạch và phân vùng không gian biển và đới bờ

Quản lý biển trên cơ sở quy hoạch, phân vùng không gian biển và đới bờ hiện là xu thế quản lý biển hiện đại được triển khai ở nhiều quốc gia. Tại Mỹ, việc xây dựng qui hoạch, phân vùng không gian biển và đới bờ chính là một trong những ưu tiên cần triển khai trong chính sách biển dưới thời Tổng thống Obama. Nhóm đặc nhiệm về Chính sách biển của Tồng thống đã đề xuất một khung qui hoạch, phân vùng không gian biển và đới bờ quốc gia.

Xây dựng các khu bảo tồn biển

Khu bảo tồn biển được xây dựng nhằm bảo vệ và giữ gìn tính đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên và các giá trị văn hóa.

Quản lý dựa vào cộng đồng/Mô hình đồng quản lý

Phương thức quản lý nguồn lợi biển dựa trên cơ sở cộng đồng đã được áp dụng tại nhiều quốc gia, đặc biệt là những nước đang phát triển và được thừa nhận là phương thức hiệu quả, ít tốn kém để duy trì và quản lý nguồn lợi thủy sản, bảo vệ đa dạng sinh học và đáp ứng các mục tiêu bảo tồn khác cũng như nhu cầu sinh kế của con người. Trong khu vực, Phillipine, Indonesia… là những quốc gia đầu tiên sớm mạnh dạn triển khai áp dụng mô hình quản lý dựa vào cộng đồng và đã đạt được những thành công nhất định.

Chú trọng các giải pháp bảo đảm sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư ven biển

Tại nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia với số lượng ngư dân đông đảo như Trung Quốc, Indonesia… đã có nhiều hoạt động, chương trình đa dạng sinh kế bền vững cho cư dân ven biển được triển khai như đào tạo nghề thủ công mỹ nghệ; hỗ trợ nuôi trồng thủy sản bền vững, xây dựng chương trình du lịch sinh thái gắn với các khu bảo tồn biển, đào tạo nghề hướng dẫn viên du lịch cho cộng đồng dân cư… và đã thu được những kết quả đáng khích lệ.

Lồng ghép vấn đề thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH) vào trong chính sách, qui hoạch và công tác quản lý tài nguyên và môi trường biển

Kể từ Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH ra đời đến nay, nhiều quốc gia đã chú trọng, chủ động lồng ghép vấn đề BĐKH vào trong chính sách, qui hoạch và công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển của mình. Tại Bangladesh, Chương trình hành động thích ứng với Chương trình hành động Quốc gia về thích ứng với BĐKH đã được xây dựng để lồng ghép biện pháp thích ứng BĐKH cụ thể vào trong nhiều lĩnh vực, ví dụ như quản lý đới bờ, quản lý tài nguyên nước, chương trình phòng tránh thảm họa thiên tai.

Ngoài ra, còn một số biện pháp khác như:Xây dựng cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai, thảm họa, chống xói lở bờ biển, bảo vệ dân cư, ứng phó với BĐKH; xây dựng cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai, thảm họa, chống xói lở bờ biển, bảo vệ dân cư, ứng phó với BĐKH, đẩy mạnh điều tra, khảo sát, quan trắc, nghiên cứu về tài nguyên, môi trường biển để sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển; tăng cường xây dựng, quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu về tài nguyên môi trường biển; tăng cường giáo dục, đào tạo phát triển nguồn nhân lực biển phục công tác điều tra, nghiên cứu và quản lý tài nguyên, môi trường biển; nâng cao nhận thức cộng đồng dân cư về biển để khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về biển o

 

Ý kiến của bạn

Bình luận