Các dự án PPP là động lực thúc đẩy tăng trưởng

Việc huy động các nguồn vốn XH đầu tư vào hạ tầng giao thông thu được kết quả đáng khả quan, khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước.

DSC_0630

Việc huy động các nguồn vốn xã hội đầu tư vào hạ tầng giao thông thời gian qua thu được kết quả đáng khả quan, khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc huy động mọi nguồn lực vào phát triển kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn tồn tại khó khăn, vướng mắc. Để làm rõ hơn vấn đề này, Tạp chí GTVT đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Viết Huy - Phó trưởng ban Ban Quản lý Đầu tư các dự án đối tác công - tư (PPP) của Bộ GTVT.

PV: Xin ông cho biết hiệu quả bước đầu trong việc sử dụng các nguồn vốn PPP vào hạ tầng giao thông thời gian qua? 

Nguyen Viet Huy
 

Ông Nguyễn Viết Huy:Đối với hiệu quả của dự án, khi lập dự án đầu tư, ngoài việc tính toán hiệu quả tài chính, Bộ GTVT đều đánh giá cả về hiệu quả kinh tế - xã hội, có thể khẳng định bước đầu các dự án thực hiện bằng hình thức hợp tác công tư (PPP) đã mang lại nhiều lợi ích: Rút ngắn được thời gian vận chuyển hàng hóa và hành khách, tiết kiệm nhiên liệu, giảm chi phí sửa chữa, khấu hao phương tiện... Theo tính toán, lợi ích mang lại cho người sử dụng lớn hơn so với mức phí người sử dụng phải đóng (ví dụ, đối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, ước tính giảm 50% thời gian đi lại, giảm khoảng 30% chi phí; QL1 đoạn Hà Nội - Vinh giảm khoảng 30% thời gian đi lại, giảm khoảng 20% chi phí; đối với đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên đi qua Pleiku - cầu 110 tỉnh Gia Lai giảm khoảng 37% thời gian đi lại, giảm khoảng 16% chi phí; đoạn qua Đắk Nông giảm khoảng 30% thời gian đi lại, giảm khoảng 6% chi phí). Trong đó, chưa kể đến các lợi ích khó định lượng mang lại được như tiết kiệm thời gian, giảm thiểu TNGT, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân...

Tháng 9 vừa qua, theo báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2015 - 2016 được Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố, chỉ số cạnh tranh về năng lực kết cấu hạ tầng giao thông của Việt Nam tăng 9 bậc từ 76 (năm 2014) đến 67 (năm 2015). Báo cáo về xúc tiến thương mại toàn cầu, mức hữu dụng và chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam năm 2014 tăng 29 bậc so với năm 2010. Tổng hợp các kết quả đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới, chỉ số năng lực kết cấu hạ tầng giao thông của Việt Nam trong 5 năm qua tăng tới 38 bậc. Việc tăng trưởng đó có đóng góp không nhỏ trong việc huy động các nguồn vốn PPP.

PV: Việc huy động nguồn vốn đã góp phần giải quyết nút thắt về vốn trong bối cảnh ngân sách nhà nước và vốn ODA rất hạn chế cho đầu tư hạ tầng giao thông, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Ông Nguyễn Viết Huy: Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách khó khăn, nguồn vốn huy động từ hình thức xã hội hóa đã tăng dần trong giai đoạn 2011 - 2015, các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng theo hình thức xã hội hóa đưa vào khai thác đã phát huy tốt hiệu quả, chất lượng và năng lực phục vụ của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cải thiện đáng kể.

Việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư phát triển KCHTGT vừa đảm bảo mục tiêu phát triển phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, vừa góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, giám áp lực nợ công. Chính yếu tố này đã tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm ùn tắc, TNGT và trực tiếp làm tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Thực tiễn đã chứng minh đây là một hướng đi đúng, hiện thực hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần phát huy nội lực, tăng cường sử dụng sản phẩm, hàng hóa, công nghệ và dịch vụ trong nước để giảm chi phí sản xuất, giảm nhập siêu...

PV: Cơ chế để thu hút vốn PPP còn nhiều vấn đề cần hoàn thiện để tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư, Bộ GTVT đã có những giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, thưa ông?

Ông Nguyễn Viết Huy: Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cần sớm ban hành các Thông tư hướng dẫn các Nghị định số 15/2015/NĐ-CP và 30/2015/NĐ-CP của Chính phủ để thuận tiện cho việc triển khai, đảm bảo tính thống nhất. Về phía Bộ GTVT cũng đã triển khai ngay việc nghiên cứu để ban hành các thông tư theo yêu cầu của các nghị định nói trên.

Về Thông tư số 166/2011/TT-BTC, kiến nghị Bộ Tài chính sớm nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp với các nghị định mới ban hành và thực tiễn triển khai, trong đó lưu ý một số nội dung đã được Bộ GTVT kiến nghị các vấn đề liên quan đến vốn chủ sở hữu, mức lãi vay và lợi nhuận nhà đầu tư.

PV: Để thu hút hơn nữa các nhà đầu tư, đầu tư vào hạ tầng giao thông thời gian tới, xin ông cho biết các giải pháp?

Ông Nguyễn Viết Huy: Doanh nghiệp BOT được hưởng các ưu đãi theo quy định của pháp luật như: Thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp, được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, được miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích đất được Nhà nước giao hoặc được miễn tiền thuê đất trong toàn bộ thời gian thực hiện dự án. 

Ngoài ra, riêng QL1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 979/TTg-KTN ngày 05/7/2013 chấp thuận một số cơ chế quản lý và thực hiện các dự án đầu tư trên QL1 đoạn Hà Nội - Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên, theo đó đồng ý để Bộ GTVT áp dụng hình thức chỉ định thầu lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức rút gọn, mức phí được áp dụng bằng 3,5 lần mức của Nhà nước thu và một số cơ chế đặc thù khác….

PV: Xin cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn

Bình luận