Các bí mật đằng sau những chiếc xe điện

Tác giả: bizlive

saosaosaosaosao
Diễn đàn khoa học 27/07/2019 06:50

Theo các tổ chức về nhân quyền, đằng sau những chiếc xe điện là những bí mật bẩn thỉu, lạm dụng quyền con người, quyền trẻ em.

tre-em-bi-la-m-du-ng-e-khai-tha8c-cobalt-156405558

Trẻ em bị lạm dụng để khai thác cobalt có thể phải hứng chịu nhiều rủi ro nguy hiểm về sức khỏe

Nhắc đến phương tiện di chuyển thân thiện với môi trường, xu hướng của tương lai là nói đến xe điện (EV). Loại xe này được quảng bá thân thiện môi trường, hạn chế ô nhiễm, khí thải... nhưng theo các tổ chức về nhân quyền, đằng sau những chiếc xe thân thiện đó là những bí mật bẩn thỉu, lạm dụng quyền con người, quyền trẻ em.

Pin xe điện và những đứa trẻ nghèo khổ

Xu hướng sở hữu ô tô điện đang ngày càng phổ biến. Theo số liệu thống kê mới nhất, thế giới có hơn 3 triệu xe EV đang được sử dụng và doanh số xe điện đang tăng trưởng ở mức gần 75%/năm.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự đoán, đến năm 2030, sẽ có khoảng 125 triệu chiếc được sử dụng trên quy mô toàn cầu và khả năng sẽ gấp đôi số lượng nếu chính phủ tiếp tục thay đổi luật pháp, mở cửa cho loại xe này. Trung Quốc hiện đang là nhà sản xuất ô tô điện lớn nhất thế giới, chiếm 1,2 triệu chiếc (tương đương 56% trong tổng số xe điện được bán ra vào năm 2018).

Mỹ đứng ở vị trí thứ 2 nhưng với khoảng cách rất xa, chỉ khoảng 361.000 chiếc EV mới được bán ra vào năm 2018, hơn một nửa trong số đó là mẫu Tesla 3 mới. Về thị phần, Na Uy đứng đầu khi 49% xe mới được bán ra trên thị trường nước này là xe EV hoặc lai điện.

Vì áp lực phải bảo vệ môi trường nên nhiều quốc gia tại châu Âu tăng cường cấm bán xe mới sử dụng năng lượng hoá thạch. Trong đó, Đức sẽ cấm bán loại xe chạy bằng xăng và dầu diesel từ năm 2030, Scotland cấm từ năm 2032 và Pháp, Anh sẽ cấm từ năm 2040, khi đó, người dân sẽ chuyển sang xe sử dụng nhiên liệu có thể thay thế như lai điện, pin nhiên liệu, đặc biệt là xe EV.

Tuy nhiên, phía sau những chiếc xe được quảng bá thân thiện với môi trường là đầy rẫy những vấn đề gây ô nhiễm. Cụ thể, dự kiến đến năm 2030, sẽ có khoảng 11 triệu tấn pin lithium-ion đã qua sử dụng bị thải bỏ trong khi số hệ thống để tái sử dụng và tái chế pin trên thế giới lại vô cùng ít ỏi.

Mặt khác, quá trình khai thác khoáng sản để sản xuất pin phục vụ xe điện lại gây ra những nhức nhối về quyền con người. Tổ chức Ân xá quốc tế cho biết, đã có rất nhiều khiếu nại về đạo đức liên quan đến xe EV như: Lạm dụng nhân quyền, sử dụng lao động trẻ em để làm công việc nặng nhọc, tổn hại sức khoẻ như chiết xuất khoáng sản cobalt - nguyên liệu sản xuất pin xe EV.

Ông Kumi Naidoo, Tổng thư ký Tổ chức Ân xá quốc tế cho biết, Hội nghị EV Nordic vừa được tổ chức gần đây tại Olso, Na Uy chỉ ra, con người không nên giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu bằng việc lạm dụng nhân quyền. “Nếu không có thay đổi tích cực, những loại pin cung cấp năng lượng cho xe điện sẽ còn bị “vấy bẩn” vì lạm dụng nhân quyền”, ông nói.

Trong một báo cáo, tổ chức này chỉ ra nhiều rủi ro nghiêm trọng về sức khỏe mà những công nhân là thiếu niên, thậm chí là trẻ em tại các mỏ khai thác cobalt ở Cộng hoà Dân chủ Công-gô phải chịu đựng. Hơn một nửa số cobalt trên thế giới xuất phát từ phía Nam Công-gô, phần lớn là từ các mỏ khai thác thủ công.

Nhóm nhà nghiên cứu thực hiện dự án trên đã tới thăm 9 khu mỏ, trong đó có không ít mỏ sâu, nhiều công nhân khai thác mỏ thủ công mới chỉ 7 tuổi phải đào mỏ bằng tay, sử dụng các công cụ thô sơ. Làm việc quần quật nhưng các thợ mỏ chỉ được nhận khoảng 1 USD/ngày và nhiều người mắc bệnh phổi mãn tính vì phơi nhiễm bụi cobalt.

Cobalt từ các khu mỏ đó sẽ được bán cho các nhà sản xuất lớn. Hiện tại chưa có nước nào có luật bắt buộc các nhà sản xuất phải báo cáo nguồn gốc chuỗi cung cấp. Tổ chức Ân xá cho rằng, điều đó đồng nghĩa pin xe điện đã bị “vấy bẩn” vì những chiêu trò lạm dụng lao động trẻ em ở mức không thể chấp nhận được.

Hoạt động sản xuất pin sử dụng 60% trong tổng số 125.000 tấn cobalt được khai thác trên toàn cầu mỗi năm.

Liệu có thể ngăn chặn?

Năm ngoái, sàn giao dịch kim loại London đã thực hiện động thái cấm buôn bán cobalt được sản xuất từ những dây chuyền lạm dụng nhân quyền. Nhưng hoạt động này bị một nhóm gồm 14 tổ chức phi chính phủ bao gồm cả cơ quan nhân quyền phản đối với lý do, nó chỉ càng khiến hoạt động kinh doanh kim loại cobalt bị đẩy vào giấu diếm, bí ẩn hơn. Nhóm các tổ chức này đòi hỏi phải theo dõi sát sao hơn nguồn cung cấp khoáng sản.

Diễn đàn về các chuỗi cung cấp khoáng sản thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã tổ chức một cuộc họp vào tháng 4 vừa rồi, trong đó, thành viên của tổ chức này yêu cầu những công ty sản xuất phải định danh nguồn cung cấp cobalt. Các công ty Apple, BMW, Daimler, Renault và nhà sản xuất pin Samsung SDI vốn đã đồng ý cung cấp dữ liệu chuỗi cung cấp của mình.

Tổ chức nhân quyền khẳng định, hầu hết hoạt động sản xuất pin lithium-ion đều diễn ra tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, ở đó việc phát điện vẫn phụ thuộc vào than đá và các nhiên liệu hoá thạch khác.

Ý kiến của bạn

Bình luận