Bước chân không mỏi

26/08/2015 09:10

Không biết ngẫu nhiên hay nhân duyên mà tôi được vinh dự làm lái xe riêng của bác Đồng Sĩ Nguyên; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch HĐBT (nay là Phó Thủ tướng), nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT. Ông là một trong hai người cho đến nay của quân đội ta được Nhà nước đặc cách phong quân hàm từ Đại tá lên Trung tướng do những thành tích to lớn có ý nghĩa chiến lược trên cương vị Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, góp phần vào chiến thắng mùa Xuân năm 1975.

mot-cuoc-nam-tien-moi-2
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên thăm đường Trường Sơn

Trước đây tôi cũng như nhiều bạn trẻ khác biết về bác Nguyên qua những câu chuyện, giai thoại của người lớn tuổi kể lại, đặc biệt gần đây được đọc cuốn hồi ký “Trọn một con đường” mà ông dành tặng tôi năm 2012, do NXB. Quân đội nhân dân ấn hành... Điều đó đã cho tôi cảm xúc mạnh mẽ mỗi khi nhớ về vị “Thủ trưởng” cũ.

Về công tác tại Văn phòng Chính phủ năm 1993, tôi đã có một ao ước là được lái xe cho bác Nguyên… Năm 1995, may mắn ước mơ của tôi đã trở thành hiện thực. Hôm đầu tiên tôi đến nhận nhiệm vụ, là người trầm tĩnh ít nói nên bác Nguyên chỉ nhắc nhở: Công việc đi nhiều, vất vả, chú giữ gìn sức khỏe, bảo quản xe cộ tốt và nhớ công tác bảo mật… Tôi đã phục vụ Bác đến 2006, đây là quãng thời gian ấn tượng nhất trong cuộc đời lái xe của tôi!

Với những ai đã từng đến thăm bác Đồng Sĩ Nguyên tại nhà riêng ở phố Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội hẳn sẽ nhận ra tất cả đồ đạc trong nhà được bài trí đơn giản, khiêm nhường so với danh tiếng và chức vụ mà bác Nguyên đã trải qua. Trong phòng khách kê hai bàn thờ, một dành thờ gia tiên, một thờ con trai của ông, liệt sĩ Nguyễn Tiến Quân - sỹ quan pháo binh, hy sinh năm 1979; trên tường treo trang trọng hai bức tranh “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” và bức chụp cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại chiến dịch Đường 9 Nam Lào, cùng bộ bàn ghế xa-lông từ những thập niên 80 của thế kỷ trước.

Bên trong những con người mạnh mẽ, thường là một tâm hồn đa cảm. “Thủ trưởng” của tôi là một người như thế. Ông không bao giờ nặng lời với con cháu, đồng nghiệp cấp dưới và những người phục vụ. Ngày Tết ông thường đến từng nhà thăm hỏi động viên. Mỗi lần đi công tác về đến Hà Nội, ông thường hỏi anh Du bác sĩ đi về nhà bằng phương tiện gì và không quên nhắc tôi đưa chú Trần Kỳ Vân - Thư ký của bác thời kỳ đó về nhà vì chú Vân cũng đã có tuổi mà nhà lại ở xa. Ông luôn dành tình cảm đặc biệt đối với những đồng đội đã hy sinh, mỗi lần đi công tác ngang qua nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, ông luôn rẽ vào thắp hương và đứng lặng trước các ngôi mộ… Thời khắc đó, chắc ký ức về một thời đang hiện về trong ông… Bác Nguyên kể cho chúng tôi: “Trước khi kết thúc chiến tranh, tôi đã cất công đi tìm một mảnh đất thật đẹp, có hồ nước, có đồi cây bát ngát để làm nơi yên nghỉ cho những đồng đội của mình. Nó phải như một công viên sao cho người già, trẻ em, các đôi nam nữ có thể vào đây dạo chơi… và nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn ngày nay được hình thành như thế đó.

Tôi thường được bác Nguyên giao đi lĩnh lương, nộp đảng phí, lĩnh văn phòng phẩm, mang một số văn bản giấy tờ của ông lên cơ quan cho văn thư đánh máy vì thời gian đó ông thường làm việc ở nhà. Nhớ có lần bác Nguyên bảo tôi: “Chú mang bài viết này lên cơ quan đánh máy, chờ lấy luôn để mai tôi dùng”. Do chữ của bác Nguyên khó xem nên chị Hương văn thư đánh máy có nhờ tôi đọc hộ cho nhanh. Đây là bài viết về cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (01/3/1906 - 01/3/2006)…, trong đó có một câu: “…Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là một trong số ít những nhà lãnh đạo sống cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư…”. Đọc đi đọc lại câu này tôi bảo với chị Hương: Chị cứ bỏ cho em chữ “ít” đi, về nhà em sẽ báo cáo lại với bác Nguyên. Đánh máy xong tôi cầm về đưa cho bác Nguyên và nói: “Cháu có mạo muội bỏ đi một từ, bác kiểm tra xem có được không?”. Tôi đã chỉ cho bác Nguyên xem câu mà tôi đã bỏ đi một từ. Trong lòng tôi cũng hơi lo lắng sợ bị mắng. Sau khi chăm chú đọc bác Nguyên quay sang tôi: “Từ giờ có điều gì chú cứ suy nghĩ thật kỹ rồi mạnh dạn nói với tôi”. Tôi thở phào, một cảm xúc dâng trào trong tôi. Do công việc phải đi nhiều, đi xa và dài ngày, sau khi lên lịch trình ông thường hỏi mọi người có ý kiến gì không? Thời gian, lộ trình như thế chú Sơn thấy thế nào?… Ông luôn tôn trọng ý kiến của mọi người.

“Thủ trưởng” của tôi có thói quen việc của ngày hôm nay không để ngày hôm sau, khi đã quyết việc gì là làm ngay, làm bằng được. Có những việc rất nhỏ như đi mua gói tăm, cái khăn hay những vật dụng cá nhân Bác thường tự đi mua theo ý của mình chứ không phiền tới người khác.

Ngày 24/9/1997, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt ký Quyết định số 789/QĐ-TTg về việc quy hoạch tổng thể Xa lộ Bắc Nam và có giao cho bác Nguyên giúp Thủ tướng chỉ đạo công việc với tư cách là Đặc phái viên của Chính phủ. “Thủ trưởng” của tôi lại hào hứng trở lại Trường Sơn, tìm hướng tuyến cho con đường. Đó là ước mơ của ông cũng như của nhiều người và sau này Bộ Chính trị đã quyết định đổi tên thành Đường Hồ Chí Minh theo đề nghị của ông. Những chuyến đi khảo sát đó thường kéo dài nửa tháng, từ Thanh Hóa , Nghệ An vào đến tận Bình Phước, theo đường 15, 20…, qua những địa danh lịch sử Km0, cua chữ A, ngầm Tà Lê, đèo Phu La Nhíc, Ngã ba Đông Dương…

Ngày 3/02/2000, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải ký Quyết định số 18/QĐ-TTg khởi công xây dựng Đường Hồ Chí Minh - đó cũng là thời gian vất vả nhất của “thầy trò” chúng tôi, nhất là với bác Nguyên - một người đã qua cái tuổi “xưa nay hiếm”.

Là người rất “tâm huyết” với con đường, tháng nào ông cũng vào tuyến kiểm tra, đôn đốc đúng như tác phong của một vị Tư lệnh. Những chuyến đi kéo dài nhiều ngày, mỗi ngày ngồi mấy trăm cây số từ sáng sớm đến tối mịt, cơm nước thì thất thường, tiện chỗ nào dừng xe dọc đường ăn xôi hoặc bánh mỳ mang theo, hoặc vào lán trại của anh em bộ đội nghỉ qua đêm. Đường khi đó cực kỳ xấu, không phải ổ voi, ổ gà mà là ổ “khủng long”. Có những đoạn đường chỉ vài cây số phải đi hết nửa buổi; đường đào lên mưa rừng ập xuống, xe thi công chạy đi chạy lại, biến con đường trở thành một “dòng sông bùn” đỏ quạch, tương phản với màu xanh của núi rừng. Xe chỉ chạy được số 1, số 2, nhích từng tý một, xe quăng bên trái lại quăng bên phải, đi qua hố, rãnh biết là sóc mà vẫn phải phi nhanh để lấy đà vượt qua… nhưng tuyệt nhiên không thấy “Tư lệnh” có phản ứng gì về sự mệt mỏi.

Phải chăng sự khốc liệt của chiến tranh đã tôi luyện “Thủ trưởng” của tôi trở thành một con người “phi thường”, một người mà như ông đã nói: “Càng khó khăn, tôi càng muốn vượt qua”. Tôi cảm nhận được những khó khắn đó đối với ông bây giờ quá nhỏ so với những gì mà ông đã trải qua và trong mọi hoàn cảnh dù có nguy hiểm thế nào, xe của “thầy trò” tôi vẫn luôn dẫn đầu.

Tôi có thể tự hào và kiêu hãnh rằng: Mình đã được bước theo những bước chân không mỏi mệt của một vị tướng lừng danh đi khắp mọi miền của Tổ quốc! Bản thân tôi và nhiều người đã không thể hiểu nổi, điều gì đã cho bác Nguyên sức mạnh và nguồn năng lượng lớn đến vậy để lại vượt núi trèo đèo, băng rừng lội suối tìm hướng tuyến…, biến ước mơ của ông và của nhiều người là mở một con đường mang tên Hồ Chí Minh từ Pắc Pó đến Cà Mau.

Trước khi viết bài này, tôi có đến gặp bác Nguyên xin ý kiến: Thưa bác, cháu muốn viết một bài về bác nhân Kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống ngành GTVT (28/8/1945 - 28/8/2015), bác có gợi ý gì cho cháu? Bác Nguyên ân cần bảo tôi: Chú có tâm, chú sẽ làm được!”.

Tiếc rằng tôi không phải là một nhà văn để miêu tả hay hơn về một con người, một tấm gương đã, đang và sẽ cống hiến trọn đời vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Người ta vẫn thường nói: “Nhân bất thập toàn”. Đơn giản tôi nghĩ người có tài là người làm được những điều đặc biệt hơn người, người có đức là người cống hiến được nhiều cho cộng đồng, cao hơn nữa là biết sống, chiến đấu và hy sinh vì lý tưởng của Bác Hồ vĩ đại, vì sự phồn vinh của Tổ quốc. Tôi nghĩ “Thủ trưởng” của tôi là người “có tài, có đức”, một tấm gương sáng để thế hệ hậu sinh như chúng tôi học tập và noi theo.

Xin được mượn lời nhận xét của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về “Thủ trưởng” của tôi thay cho lời kết: “Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên là một vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước có đức độ và tài năng, một người học trò ưu tú của Bác Hồ. Toàn bộ cuộc đời của đồng chí Đồng Sĩ Nguyên gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và của Quân đội…, một trong những vị tướng tiêu biểu của Quân đội ta. Đối với tôi, tướng Đồng Sĩ Nguyên là một trong những người đồng chí, người bạn chiến đấu thân thiết, gần gũi suốt cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc mà tôi rất tin và quý mến!” .

Ý kiến của bạn

Bình luận