Bùng phát dạy thêm, học thêm dịp hè

14/07/2017 14:10

Các trường chỉ được tổ chức các lớp ôn tập văn hóa cho học sinh sau ngày 1-8 trên cơ sở tự nguyện, không được dạy trước chương trình.

a3588994c25f2f78094fe4ff43cc80af
Một lớp luyện chữ trước khi vào lớp 1. Ảnh: MINH NGỌC

Trước khi nghỉ hè, Sở GD - ĐT Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các trường tuyệt đối không tổ chức dạy học, ôn tập văn hóa trong tháng 6, tháng 7 cho học sinh (HS), kể cả dạy chữ cho HS trước khi vào lớp 1. Thế nhưng, việc dạy và học thêm vẫn diễn ra. Rất nhiều học sinh đã được cha mẹ cho học thêm từ đầu tháng 7, thậm chí có những HS lớp mẫu giáo lớn đã đi học thêm cách đây cả hơn nửa năm. Mặc dù, việc dạy thêm không tổ chức ở trường, nhưng phụ huynh vẫn có thể đăng ký ở các trung tâm văn hóa, những điểm dạy thêm của giáo viên.

Chị Nguyễn Thị Nhung ở phố Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân) năm nay có con vào lớp 1 cho biết, đã cho con học chữ từ trước khi nghỉ Tết Nguyên đán. Gia đình nào có con vào lớp 1 cũng tìm các thầy cô có uy tín cho con đi học, cho nên tôi cũng tìm lớp học cho con từ trong Tết” - chị Nhung tâm sự. Bé Nguyễn Gia Hiếu ở khu tập thể Kim Liên chuẩn bị vào lớp 1, nhưng đã được mẹ cho đi học thêm chữ từ lâu. Đến nay Hiếu đã đọc thông viết thạo, biết làm cả toán. Ngoài ra còn rất nhiều HS từ cấp 1 đến cấp 3 đều đã đi học thêm từ đầu tháng 7, thậm chí có em còn học ngay từ ngày 10-6.

Nhiều năm trở lại đây, Sở GD-ĐT Hà Nội ban hành nhiều văn bản, quy định nhằm chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan. Thông tư số 17/2012/TT-BGD ĐT do Bộ GD - ĐT ban hành năm 2012 cũng cấm dạy thêm đối với HS tiểu học và HS đã được nhà trường tổ chức dạy học hai buổi/ngày. Thế nhưng, dường như "lệnh cấm" không có hiệu lực. Việc dạy thêm, học thêm vẫn diễn ra, thậm chí diễn ra ngay trong thời gian HS đang học chính khóa.

Lãnh đạo phòng GD - ĐT một số quận cho biết, thời điểm này không có đơn vị nào tổ chức dạy thêm. Lãnh đạo phòng GD-ĐT quận Thanh Xuân cho biết, sau ngày 1-8 các trường trên địa bàn mới tổ chức ôn tập văn hóa, còn hiện nay, 11 trường THCS đều nghiêm túc thực hiện đúng quy định của Sở GD - ĐT Hà Nội. Tuy nhiên, trên thực tế việc dạy thêm học thêm ở ngoài nhà trường vẫn rất khó kiểm soát. Không được tổ chức dạy, bồi dưỡng HS trong nhà trường, giáo viên lại thuê địa điểm ngoài nhà trường để tổ chức dạy thêm, hoặc núp bóng các trung tâm. Qua khảo sát ở một số địa bàn, không khó để nhận ra những lớp dạy thêm như ở ngõ 1A Tôn Thất Tùng (quận Đống Đa), ngõ Hạ Hồi (quận Hoàn Kiếm) và hàng loạt lớp học thêm được thuê ở chung quanh các trường: Tiểu học Kim Liên, THCS Đống Đa (quận Đống Đa), THCS Trưng Vương (Hoàn Kiếm)…

Theo quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội, giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập chỉ được tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường, tại những cơ sở đã được cấp phép hợp lệ. Với quy định này, các giáo viên dễ dàng "lách luật". Bên cạnh đó, quy định giáo viên không được dạy thêm với HS mà mình dạy chính khóa được coi là biện pháp ngăn chặn hành vi tiêu cực, nhưng thực tế, cả HS, phụ huynh và giáo viên đều muốn được học và dạy chính HS của mình, bởi thầy - trò là người hiểu nhau hơn ai hết. Khi thầy và trò “thu xếp” ổn thỏa, người ngoài rất khó biết được. Do vậy, các hiệu trưởng cũng khó có thể kiểm soát hết các giáo viên của trường mình có dạy thêm hay không.

Trước tình trạng bùng phát dạy thêm, học thêm, nhiều ý kiến cho rằng, không cha mẹ nào muốn con mình phải “chạy sô” học hết môn này, môn khác trong kỳ nghỉ hè. Có lẽ, đến khi nào việc học chính khóa ở lớp được thầy cô bảo đảm dạy đủ chương trình, chương trình giáo dục phổ thông bớt đi những kiến thức hàn lâm không cần thiết, và mức lương giáo viên không thấp so với mặt bằng xã hội... mới mong không còn cảnh thầy cô giáo ra sức dạy, còn HS phải gò lưng đến lớp học thêm như hiện nay.

Ý kiến của bạn

Bình luận