Bức xúc những cây cầu trên sông Tô Lịch

Ý kiến 23/11/2017 12:10

Chỉ chưa đầy 200m trên sông Tô Lịch đoạn nằm giữa địa phận ba quận của Thủ đô là Đống Đa, Thanh Xuân và Cầu Giấy, tồn tại những cây cầu gây nhiều bức xúc cho người dân sở tại. Có nơi lâu nay là “điểm nóng” giao thông thì thi công mãi chưa hoàn thành, có nơi lại trở thành điểm... họp chợ, đổ rác, phóng uế, gây mất mỹ quan, an ninh trật tự đô thị, mất an toàn giao thông.

Bức xúc những cây cầu trên sông Tô Lịch
Mới sáng sớm, nhưng Cầu Mới (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã trở nên vô cùng lộn xộn do "chợ cóc" ngang nhiên chiếm dụng toàn bộ lòng cầu.

Gần khu vực Ngã Tư Sở, có một cây cầu được dựng lên nhằm giảm tải tình trạng ùn tắc, phục vụ giao thông cho nhân dân. Mặc dù có hai làn đường khang trang, sạch đẹp, nhưng công trình giao thông này cũng chịu chung số phận bị “bỏ rơi” như cây cầu Cống Mọc. Bởi hằng ngày, tại đây đều xuất hiện những phiên chợ cóc ngang nhiên họp trên mặt cầu.

Không những tùy tiện lấn chiếm mặt cầu để buôn bán, những tiểu thương với hàng loạt xe thồ, xe hoán cải, tự chế... tại đây còn thường xuyên cãi vã, to tiếng khiến mặt cầu dài chỉ xấp xỉ 30m này trở nên lộn xộn, mất trật tự, an ninh công cộng. Sau mỗi “phiên” họp chợ vào buổi sáng, lòng cầu lại ngổn ngang vỏ rau củ, hoa quả, nước thịt, cá ôi tanh... vô cùng mất mỹ quan, vệ sinh công cộng, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng tới an toàn giao thông.

“Tận dụng” những đống rác nhỏ có sẵn từ sáng sớm, nhiều người vô ý thức khác đã mang thêm rác và thậm chí cả phế liệu xây dựng ra đổ thêm, tạo thành vô số bãi rác tự phát ngay trên lòng cầu. Cây cầu sạch sẽ, khang trang vì thế bỗng chốc trở nên nhem nhuốc, ngày đêm đón ruồi, muỗi đến làm tổ. Anh Tiến, nhân viên vệ sinh môi trường tại khu vực, than thở: “Công việc của tôi ở đây nặng gấp mấy lần các đồng nghiệp khác, bởi hằng ngày phải thu gom thêm biết bao rác thải và cả những đống phế liệu xây dựng vừa nặng, vừa bụi bặm”.

Đáng nói ở chỗ, mỗi buổi sáng khi “chợ cóc” họp, lực lượng chức năng vẫn có mặt, tuy nhiên lại mang một thái độ thờ ơ lạ lùng. Các nhân viên trật tự đi ngang qua những “sạp hàng” mà thực chất là xe gắn máy hoán cải chở rau, dưa, thịt, cá... dựng bừa bãi trên lòng cầu nhưng không hề nhắc nhở, xử lý(!?)

Bức xúc những cây cầu trên sông Tô Lịch
Cảnh tượng có thể nói là hỗn loạn này diễn ra mỗi ngày trên cây cầu này. Vòng tròn đỏ là chiếc xe của lực lượng chức năng đang đi qua khu vực.

 

3 Bức xúc những cây cầu trên sông Tô Lịch.
Lạ lùng thay, chẳng ai tỏ ra quan tâm ngay cả khi lực lượng chức năng tuần tra quanh khu vực chung quanh cầu. Phải chăng những chuyến đi này chỉ mang tính "cưỡi ngựa xem hoa" và đã trở thành thông lệ?

Cách đó chưa đầy 200m, người dân các khu phố Quan Nhân - Giáp Nhất (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) cũng đã quá quen với cảnh ách tắc trên cầu Cống Mọc. Trước đây, cây cầu này nằm thẳng trục đường Quân Nhân, tạo thành ngã tư giao cắt Quan Nhân - Giáp Nhất. Từ khi có dự án sửa đường, cây cầu Cống Mọc đã được đặt lệch đi so với trục đường Quan Nhân. Vô tình, khiến nút giao thông giữa các con phố nhỏ hẹp vốn là “điểm nóng” này càng trở nên bức xúc hơn.

Hằng ngày, bất kể sáng, trưa, chiều, tối, giữa làn bụi mù mịt và mặt đường lồi lõm do công trình đang thi công, người dân địa phương cũng như xe cộ qua lại đây đều phải “gồng mình” len lỏi, nhích từng chút một hòng “tự giải thoát”. Không có đèn tín hiệu, cứ đến giờ cao điểm, lực lượng cảnh sát trật tự Công an phường Nhân Chính lại “căng sức” điều tiết giao thông. Chị Nhàn, người dân khu vực, cho biết: “Ngày nào tôi đi qua đây cũng phải mất ít nhất năm phút. Có hôm tan tầm, chỉ đi ra chợ mua mớ rau rồi về nhà mà cũng mất 30 phút vì lòng vòng, len lỏi tránh tắc đường”.

Vẫn biết đây chỉ là giải pháp tạm thời, nhưng chỉ cần vắng bóng lực lượng chức năng, nút giao thông này sẽ lập tức trở thành “ma trận”. Vậy nhưng không hiểu vì lý do gì, công trình sát cạnh cầu Cống Mọc trên sông Tô Lịch hằng ngày vẫn thi công với tiến độ vô cùng “nhàn nhã”. Có vẻ như, việc thi công tại đây đã bị lãng quên, mặc cho bụi bặm, đất đá từ công trình cứ thế tràn ra đường, gây mất vệ sinh, mất an toàn giao thông cho người đi đường.

Chỉ một đoạn đường ngắn ngay trong nội thành Thủ đô mà có tới hai câu cầy bị “bỏ quên”. Phải chăng do đây là khu vực giáp ranh giữa địa bàn hai quận, nên từ lâu nghiễm nhiên được coi như một vấn đề “cha chung không ai khóc”? Liệu có tồn tại các thỏa thuận “ngầm” để phớt lờ sai phạm? Chính quyền địa phương cần có những biện pháp rốt ráo, triệt để, thay vì lãng phí nhân lực ngày ngày “gồng mình” phân luồng, điều tiết giao thông tại cầu Cống Mọc hay “cưỡi ngựa xem hoa” tại “chợ cóc” trên mặt Cầu Mới (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân).

Ý kiến của bạn

Bình luận