Bức tranh huy động vốn xã hội vào hạ tầng giao thông

Tác giả: Cao Hà

saosaosaosaosao
Thị trường 23/11/2015 13:37

Thời gian vừa qua, Bộ GTVT đã có nhiều giải pháp mạnh mẽ thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Tính hết tháng 9/2015, kết quả huy động nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân tham gia vào các dự án kết cấu hạ tầng giao thông là rất đáng khích lệ.

images762200_quoc_lo_5_1

Triển khai chặt chẽ, minh bạch

Tính đến hết tháng 9 năm 2015, Bộ GTVT đã và đang triển khai 78 dự án (đã đưa vào khai thác 24 dự án) với chiều dài khoảng 2.200km theo hình thức hợp đồng BOT và BT với tổng mức đầu tư khoảng 218.990 tỷ đồng (vốn BOT 202.685 tỷ đồng, vốn BT 16.305 tỷ đồng); trong đó, có 66 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, 12 dự án mới lựa chọn xong nhà đầu tư, đang chờ thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thủ tục đầu tư các dự án BOT, BT đã và đang thực hiện đầu tư do Bộ GTVT quản lý đều được triển khai thực hiện chặt chẽ, công khai, minh bạch trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng và nhà đầu tư; tuân thủ các quy định của Nghị định số 108 và các quy định hiện hành khác về quản lý đầu tư xây dựng.

Trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch phát triển giao thông từng giai đoạn, Bộ GTVT tiến hành lựa chọn các dự án thực sự cần thiết phải đầu tư đáp ứng nhu cầu đi lại người dân, phát triển kinh tế - xã hội, có lưu lượng xe cao, khả thi về đầu tư theo hình thức BOT để công bố danh mục dự án theo quy định. Quá trình lập, thẩm định và phê duyệt đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư theo hình thức BOT được thực hiện đầy đủ các bước theo các quy định hiện hành và đã có văn bản số 6475/BGTVT-ĐTCT ngày 25/5/2015 về việc nâng cao chất lượng khi lựa chọn các dự án đưa vào danh mục dự án đầu tư theo hình thức PPP.

Về lựa chọn nhà đầu tư, Bộ GTVT đã đăng tải công khai, minh bạch danh mục các dự án kêu gọi đầu tư, lựa chọn các tổ chức, doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm trong xây dựng kết cấu hạ tầng để tham gia đầu tư các dự án BOT.

Đối với 24 dự án BOT do Bộ GTVT quản lý bàn giao đưa vào thu phí với tổng mức đầu tư 29.441 tỷ đồng đã phát huy ngay hiệu quả kinh tế, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, lưu thông hàng hóa thuận tiện, giảm thiểu ùn tắc và TNGT, giảm ô nhiễm môi trường, đồng thời tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Theo tính toán của tư vấn, khi các dự án BOT hoàn thành, đưa vào khai thác sẽ tiết kiệm được chi phí vận hành khai thác (như giảm chi phí tiêu hao nhiên liệu, khấu hao phương tiện, tiết kiệm thời gian vận chuyển hàng hóa, thời gian đi lại của hành khách...) so với khi công trình chưa được đầu tư nâng cấp, mở rộng.

Còn tồn tại nhiều khó khăn

Mặc dù có nhiều đột phá trong 9 tháng đầu năm 2015, tuy nhiên quá trình huy động nguồn vốn xã hội cho hạ tầng giao thông còn gặp nhiều vấn đề khó khăn cần tháo gỡ.

Trong đó, đầu tiên phải kể đến là ngân sách nhà nước còn hạn hẹp để chuẩn bị và tham gia các dự án PPP. Theo thông lệ, chi phí chuẩn bị dự án PPP là khá cao với phần lớn được sử dụng thuê các chuyên gia, tư vấn (tài chính, pháp lý, kỹ thuật) thực hiện các hoạt động như lập đề xuất dự án, lập báo cáo nghiên cứu khả thi và hỗ trợ quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Tuy nhiên, hiện tại không chỉ Bộ GTVT mà một số bộ, ngành và địa phương chưa thể cân đối bố trí kinh phí cho việc chuẩn bị dự án PPP một cách bài bản, theo đó, rất khó khăn để các bộ, ngành, địa phương khi chủ động lập đề xuất dự án mà hầu hết đều chỉ dừng ở mức có ý tưởng với vài thông tin sơ bộ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã hình thành Quỹ chuẩn bị các dự án PPP, tuy nhiên quy mô cũng chỉ ở 30 triệu USD và quy trình tiếp cận cũng còn chưa thuận tiện.

Các dự án đầu tư vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông thường đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài. Trên thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp kiến nghị cơ chế đặc thù nhằm hỗ trợ và tăng thêm tính khả thi cho dự án. Tuy nhiên, phần lớn các đề xuất chưa được chấp thuận do chưa đưa ra phương án tài chính và giải pháp thích hợp để vừa đảm bảo lợi ích của Nhà nước, cộng đồng dân cư và nhà đầu tư như việc tăng giá phí.

Hầu hết nguồn cung cấp tín dụng dài hạn hiện nay đến từ các tổ chức tín dụng trong nước. Tuy nhiên, khả năng cung cấp tín dụng dài hạn của các tổ chức tín dụng trong nước đang ở mức giới hạn. Việc huy động vốn từ các ngân hàng tín dụng ngoài nước khó khăn do hầu hết các tổ chức tín dụng đều yêu cầu bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh rủi ro tỷ giá và thậm chí là bảo lãnh của Chính phủ đối với khoản vay… Thị trường trái phiếu kém phát triển với rủi ro cao, việc phát hành trái phiếu dài hạn khó khả thi.

Ngoài ra, vấn đề nguồn nhân lực còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt là các lĩnh vực về tài chính dự án, pháp lý, phân bổ rủi ro... và chính sách phí chưa linh hoạt, một bộ phận xã hội kể cả các cơ quan nhà nước và người dân chưa đồng thuận với chủ trương xã hội hóa đầu tư thông qua việc thu phí hoàn vốn cũng là những thách thức không nhỏ trong công tác thực hiện.

Khơi thông chính sách, kêu gọi đầu tư

Trong thời gian tới, Bộ GTVT rất cần khơi thông để kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia các dự án hạ tầng giao thông. Khi đó, cần thiết phải có cơ chế cho phép tính toán trong dự án việc bảo lãnh tỷ giá hối đoái, bảo lãnh doanh thu tối thiểu, cơ chế thanh toán niên kim để chia sẻ rủi ro của nhà đầu tư.

Với đặc thù các dự án xây dựng hạ tầng giao thông yêu cầu vốn đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn dài, các dự án cơ bản đều cần có nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước mới đảm bảo khả thi về tài chính. Do vậy, Chính phủ cần hình thành nguồn vốn để tham gia hỗ trợ cho các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

Hiệu quả việc hoàn thành sớm tiến độ các dự án BOT

Bộ GTVT đang quản lý 78 dự án với tổng mức đầu tư (TMĐT) khoảng 218.990 tỷ đồng. Trong đó, đã hoàn thành đưa vào thu phí 24 dự án với TMĐT khoảng 29.441 tỷ đồng; đang triển khai 54 dự án với TMĐT 189.549 tỷ đồng.

35 dự án có TMĐT được duyệt là 124.892 tỷ đồng; dự toán dự án đã được Viện Kinh tế - Bộ Xây dựng thẩm tra, chủ đầu tư phê duyệt hoặc dự kiến phê duyệt là 112.713 tỷ đồng (giá trị quyết toán để tính toán lại thời gian thu phí chính thức dự kiến sẽ còn thấp hơn với giá trị dự toán phê duyệt). Số vốn chưa sử dụng theo tổng mức đầu tư được duyệt so với giá trị dự toán khoảng 12.178 tỷ đồng (22 dự án QL1 có giá trị là 8.267 tỷ đồng và 4 dự án đường Hồ Chí Minh có giá trị là 559 tỷ đồng; 9 dự án ngoài QL1 có giá trị là 3.352 tỷ đồng).

Việc giá trị dự toán giảm so với tổng mức đầu tư như trên nhờ: Rút ngắn thời gian xây dựng (vượt từ 2 tháng đến 15 tháng) nên giảm chi phí lãi trong thời gian thi công, giảm chi phí dự phòng do yếu tố trượt giá. Kinh tế vĩ mô ổn định nên lãi vay và trượt giá giảm so với tính toán ban đầu

Ý kiến của bạn

Bình luận