Boeing từng sa thải hàng loạt kỹ sư,thuê ngoài lao động bán thời gian

Tác giả: bizlive

saosaosaosaosao
Doanh nhân 01/07/2019 15:55

Boeing và các nhà thầu đã sử dụng lao động bán thời gian với mức lương khá "bèo" để phát triển và thử nghiệm phần mềm cho máy bay.

0-15618263739401144543396-crop-1561826379959433464
Ảnh minh họa

    Việc một công ty nổi tiếng về thiết kế tỉ mỉ như Boeing mắc phải những lỗi phần mềm cơ bản dẫn đến sự cố chết người giờ đây vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Một số kỹ sư lâu năm cho biết vấn đề này rất phức tạp bởi còn liên quan đến việc Boeing thuê lao động bên ngoài để giảm thiểu chi phí.

    Tuần qua, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã phát hiện hệ thống tăng cường tính năng điều khiển bay (MCAS) của Boeing gặp lỗi trong các chuyến bay giả lập. Theo các nhà điều tra, hai vụ tai nạn của 737 Max đều do MCAS đọc sai cảm biến khiến phần đuôi bị đẩy lên cao và phi công không thể khắc phục được. Một nguồn tin cho biết phần mềm được phát triển ở thời điểm Boeing sa thải nhiều kỹ sư giàu kinh nghiệm và ép các nhà cung cấp cắt giảm chi phí.

    Bloomberg tiết lộ Boeing và các nhà thầu đã sử dụng lao động bán thời gian với mức lương chỉ 9 USD/giờ để phát triển và thử nghiệm phần mềm. Phần lớn trong số đó đến từ những quốc gia thiếu nền tảng sâu về hàng không vũ trụ như Ấn Độ.

    Mark Rabin, cựu kỹ sư phần mềm Boeing từng làm việc trong nhóm thử nghiệm bay cho biết công ty đã thuê nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học, những người do nhà phát triển phần mềm Ấn Độ HCL Technologies Ltd. tuyển dụng.

    Rabin kể lại trong một cuộc họp toàn thể, quản lý của ông đã nói rằng Boeing không cần các kỹ sư cao cấp vì sản phẩm của họ đã đạt tới trạng thái chín muồi. Rabin giãi bày: "Tôi đã bị sốc khi hàng trăm kỹ sư cao cấp trong căn phòng ngày hôm đó được thông báo rằng công ty không cần chúng tôi nữa". Sau đó, Rabin và nhiều cộng sự đã thôi việc tại Boeing năm 2015.

    Lập trình viên từ HCL được đào tạo để đáp ứng yêu cầu cụ thể của Boeing, tuy nhiên theo Rabin, điều đó vẫn gây tranh cãi vì những người này làm việc kém hiệu quả hơn hẳn so với kỹ sư chuyên nghiệp của Boeing. Ông nói rằng nhiều sản phẩm đã bị trả lại thường xuyên vì không chính xác.

    Vài năm gần đây, Boeing đã nhận một số đơn đặt hàng máy bay thương mại và quân sự từ Ấn Độ. Đáng chú ý là đơn hàng trị giá 22 tỷ USD ký hồi tháng 1/2017 với hãng hàng không SpiceJet Ltd. Đây là hợp đồng lớn nhất của hãng tại Ấn Độ với 100 máy bay 737 Max 8. Dù vậy, Airbus vẫn đang là nhà sản xuất chiếm lĩnh thị trường nước này.

    Theo thông tin đăng tải trên mạng xã hội, các kỹ sư HCL có nhiệm vụ phát triển và thử nghiệm phần mềm hiển thị chuyến bay trên dòng Max trong khi nhân viên của một công ty Ấn Độ khác là Cyient Ltd. xử lý phần mềm cho thiết bị kiểm tra chuyến bay.

    Trong bài đăng khác, một nhân viên của HCL đã tiết lộ về quá trình chuẩn bị cho lần thử nghiệm đầu tiên của 737 Max vào tháng 1/2016: "Đã cung cấp cách khắc phục nhanh chóng để giải quyết vấn đề sản xuất, tránh việc trì hoãn quá trình thử nghiệm 737 Max”. (Bất cứ chậm trễ nào cũng sẽ tốn của Boeing một khoản tiền khổng lồ).

    Về phần mình, Boeing khẳng định công ty không phụ thuộc vào nhóm kỹ sư giá rẻ của HCL hay Cyient trong quá trình hoàn thiện MCAS.

    Phát ngôn viên của Boeing cho biết: "Boeing là một nhà sản xuất có nhiều năm kinh nghiệm làm việc với các nhà cung cấp/đối tác trên toàn thế giới. Trọng tâm chính của chúng tôi là luôn đảm bảo sản phẩm và dịch vụ của mình an toàn, có chất lượng cao nhất và tuân thủ tất cả các quy định hiện hành".

    Trong một tuyên bố, HCL nói rằng "có quan hệ kinh doanh lâu dài với Boeing và chúng tôi tự hào về việc đã làm cho khách hàng của mình. Tuy nhiên, HCL không liên quan đến bất cứ vấn đề nào đang diễn ra với 737 Max".

    Theo kết quả điều tra ban đầu, phần mềm chính là nguyên nhân gây ra hai vụ tai nạn chết người của hãng hàng không Lion Air hồi tháng 10 năm ngoái và Ethiopian Airlines vào tháng 3 năm nay.

    Ý kiến của bạn

    Bình luận