Bộ trưởng Y tế thị sát công tác phòng, chống vi rút Zika

Xã hội 05/02/2016 09:35

Trước tình hình dịch bệnh vi rút Zika có chiều hướng lây lan, diễn biến phức tạp. Ngày 4.2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã tiến hành thị sát công tác phòng, chống dịch bệnh vi rút Zika tại cửa khẩu quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất và làm việc với các đơn vị liên quan để bàn kế hoạch phòng, chống căn bệnh

Phát thuốc ngừa muỗi cho hành khách nghi ngờ

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế TP.HCM (Sở Y tế TP.HCM), hiện nay lượng khách đến từ các quốc gia Nam Mỹ- nơi đang bùng phát dịch bệnh vi rút Zika mỗi tháng qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất là khá lớn, lên đến khoảng 700 hành khách. Đó là chưa kể lượng hành khách đến từ các quốc gia châu Âu, châu Á và cả Úc đang xuất hiện dịch bệnh này cũng khá lớn.

Ông Nguyễn Văn Sáu – Giám đốc Trung tâm kiểm dịch Y tế Quốc tế TP.HCM cho biết, hiện tại các máy đo thân nhiệt tại cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất vẫn hoạt động 24/ 24 để đo thân nhiệt của các hành khách.

vi rut zika
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nghe lãnh đạo Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế báo cáo công tác giám sát dịch bệnh vi rút Zika tại cửa khẩu Quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất.

"Toàn bộ các hành khách, có biểu hiện sốt đều được giữ lại để thực hiện sàn lọc thông qua điều tra dịch tễ cũng như các yếu tố liên quan khác đến vi rút Zika. Nếu hành khách nào nằm trong diện có nguy cơ cao chúng tôi sẽ tiến hành cách ly và chuyển về các đơn vị điều trị để tiến hành xét nghiệm”, ông Sáu  nói.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá công tác giám sát tại cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất đối với dịch bệnh vị rút Zika là khá tốt như đã từng làm với dịch Mers-Cov và dịch Ebola trước đây. Tuy nhiên, trong công tác phòng chống dịch bệnh vi rút Zika ( gây teo não ở trẻ mới sinh và chứng thần kinh Guillain-Barré) bà Tiến lưu ý, Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế TP cần phải thực hiện tờ rơi để phát cho những hành khách đến từ vùng dịch tễ vi rút Zika và phát thuốc phòng ngừa muỗi chích, trong đó có muỗi truyền bệnh Aedes cho những hành khách đến từ vùng dịch tễ.

“Trong một vài ngày nữa, Viện Pasteur TP.HCM phải phối hợp với các đơn vị liên quan thiết kế tờ rơi hướng dẫn hành khách cách phòng, chống vi rút Zika để trình Cục Y tế Dự phòng thống nhất phát hành tờ rơi này cho hành khách đến từ các quốc gia Nam Mỹ”, bà Tiến đề nghị.

Bà Tiến cho rằng, với dịch bệnh vi rút Zika, vắc tơ truyền bệnh là muỗi Aedes, vì thế phải làm sao để những người có nguy cơ nhiễm vi rút Zika không bị muỗi chích lây truyền cho người khác. Do đó, biện pháp trước mắt là phát thuốc phòng ngừa muỗi chích cho những người nghi ngờ nhiễm vi rút Zika.

Bên cạnh đó, vấn đề quan trọng nhất chính là diệt lăng quăng (bọ gậy) để không phát sinh muỗi phải được thực hiện một cách triệt để, hiệu quả.

vi rut zika
Bộ Trưởng Tiến quan sát các bảng khuyến cáo của Bộ Y tế về dịch bệnh vi rút Zika được đặt tại cửa khẩu quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất.

“Lâu nay chúng ta vẫn thực hiện phun xịt hóa chất để xử lý muỗi, nhưng chỉ vài ngày sau là muỗi phát sinh trở lại. Điều này chúng ta phải xem lại, thời điểm phun có hợp lý chưa, nồng độ pha có phù hợp, nhiệt độ có phù hợp hay muỗi đã kháng thuốc để có cách phun phù hợp. Đối với khu vực phía Nam đang lưu hành lượng muỗi Aedes khá lớn, nếu không xử lý triệt để muỗi thì nguy cơ dịch bệnh vi rút Zika sẽ có cơ hội bùng phát”, bà Tiến cảnh báo.

Giám sát cả trường hợp trong cộng đồng

Theo Viện Pasteur TP.HCM, mật độ muỗi ở khu vực phía Nam trong thời gian qua tăng lên. Nếu so với cùng kỳ tháng tháng 1 năm ngoái thì tháng 1.2016, mật độ muỗi ở khu vực phía Nam tăng lên 1, 6 lần.

Mật độ muỗi tăng như thế, cho thấy vấn đề kiểm soát muỗi hiện nay ở các tỉnh phía Nam chưa tốt. Chính PGS.TS Phan Trọng Lân – Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM thừa nhận, trong thời gian qua dù các tỉnh phía Nam đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để diệt lăng quăng, diệt muỗi nhưng trên thực tế vẫn chưa hiệu quả. Điều này một phần là do người dân chưa chịu hợp tác với ngành y tế trong việc diệt lăng quăng, diệt muỗi cũng như thời điểm phun xịt hóa chất diệt muỗi chưa được hợp lý.

vi rut zika
Nhiều bảng khuyến cáo về dịch bệnh vi rút Zika của Bộ Y tế  được trương tại cửa khẩu quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất để hành khách chủ động phòng ngừa.

Theo ông Lân để phòng ngừa vi rút Zika có hiệu quả, trong thời gian tới cần tổ chức thực hiện 3 hình thức giám sát gồm: giám sát cửa khẩu (giám sát dự tương tác của người nguy cơ với muỗi); giám sát qua sự kiện ( giám sát qua cộng đồng, qua truyền thông…) và giám sát các điểm đại diện.

Một vấn đề khác liên quan đến giám sát vi rút Zika, theo TS Lê Thành Đồng- Viện trưởng Viện trưởng Viện Sốt rét- Ký sinh trùng và Côn trùng TP.HCM cần phải giám sát, xét nghiệm những trường hợp nghi ngờ trong cộng đồng, chứ không chỉ có những trường hợp đi từ vùng dịch tễ về có biểu hiện nghi ngờ.

“Chúng ta không chắc chắn rằng, hiện nay Việt Nam không có trường hợp nhiễm vi rút Zika. Vì thực tế, tại nhiều một số quốc gia xuất hiện dịch bệnh này từ trong cộng đồng. Trong khi đó Việt Nam, nhất là khu vực phía Nam đang lưu hành muỗi truyền bệnh vi rút Zika. Do đó những trường hợp trong cộng đồng, không đi đến vùng dịch tễ nếu có biểu hiện, triệu chứng của vi rút Zika cũng phải giám sát chặt chẽ.”, ông Đồng kiến nghị.

Ý kiến của bạn

Bình luận