Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời trước Quốc hội nhiều vấn đề “nóng”

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Chính trị 22/06/2019 10:44

Ngày 5/6, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã trả lời chất vấn trước Quốc hội về lĩnh vực mình phụ trách đang được cử tri cả nước quan tâm như phát triển hạ tầng giao thông, quản lý vận tải và đảm bảo TTATGT. Tạp chí GTVT xin được tóm lược những nội dung chất vấn trong phiên họp này.

 

nguyenvanthe-cv
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội

Huy động vốn nhàn rỗi trong dân

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng: “Các công trình giao thông hiện nay đang xuống cấp nghiêm trọng nhưng ngân sách rất hạn chế. Đại biểu đề xuất huy động sức dân, chúng tôi rất đồng tình, bản thân tôi cũng biết trong dân hiện nay có nguồn lực rất lớn, kể cả tiền vàng, ngoại tệ, do đó chúng ta cần phải khơi dậy tinh thần này. Tôi nghĩ rằng Bộ cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành nếu chúng ta phát hành gói tín dụng về phát triển hạ tầng trên cơ sở huy động vốn nhàn rỗi của người dân. Làm được việc này thì chúng ta không phải đi vay nước ngoài và đảm bảo tình hình tài chính tốt hơn bởi vì tất cả lợi nhuận để lại cho người dân.

Một vấn đề nữa liên quan đến 25 dự án đang tạm đình hoãn, hiện Bộ GTVT chỉ có 25 dự án này, còn dự án ở các tỉnh, địa phương thì chúng tôi không nắm rõ. Trong nhiệm kỳ qua, Quốc hội đã bố trí 5 dự án, hiện còn 20 dự án, tổng kinh phí cần thiết khoảng 12.000 tỷ đồng. Đây là những dự án chúng ta khởi công trước năm 2015, một số công trình đã thực hiện khối lượng 30 - 40%, do khối lượng còn lại rất nhiều nên thực hiện Nghị quyết 11 chúng ta mới dừng, tạm hoãn các dự án này. Nếu Chính phủ, Quốc hội bố trí được 12.000 tỷ đồng thì chúng ta sẽ xử lý dứt điểm 25 công trình, dự án đang tồn tại. Chúng tôi nghĩ rằng càng kéo dài càng lãng phí, càng bức xúc. Chúng tôi đã báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, rất mong các đại biểu Quốc hội hết sức quan tâm đến những dự án dang dở này”.

Trả lời đại biểu tỉnh Lạng Sơn về đầu tư tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện tiến độ từ Bắc Giang đến Lạng Sơn cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Riêng đoạn bổ sung từ Lạng Sơn đến cửa khẩu Hữu Nghị khoảng 40km là đoạn tuyến mới hoàn toàn. Vừa qua, nhà đầu tư đề xuất phương án Nhà nước hỗ trợ một khoản kinh phí để thực hiện đến cửa khẩu Hữu Nghị. Ngoài ra, tuyến QL1 từ thị xã Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang) đến tỉnh Sóc Trăng, Thủ tướng Chính phủ đã có 3 kết luận bố trí vốn nhưng đến thời điểm này cũng chưa bố trí được. Như vậy có thể thấy, nhu cầu vốn của toàn Ngành là rất lớn.

Dự án Cát Linh - Hà Đông hoàn thành 99%

Trả lời về Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Dự án tăng vốn do trải qua giai đoạn 2009 - 2012 là những năm biến động lớn về kinh tế vĩ mô, thống kê tỷ lệ trượt giá lên tới 49%. Ngoài ra, còn có các yếu tố khác như công nghệ mới, linh kiện, phát sinh trong giải phóng mặt bằng. Sắp tới, các cơ quan Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước, thậm chí là cơ quan điều tra sẽ vào cuộc làm rõ con số này, sáng tỏ vấn đề phát sinh đúng hay sai. Đơn vị nào làm sai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Bộ GTVT đang chỉ đạo Ban Quản lý Dự án đường sắt sớm đưa vào vận hành thương mại dự án này, sau đó sẽ tiến hành các thủ tục quyết toán kiểm toán xử lý các số liệu liên quan.

Trả lời ý kiến chất vấn vì sao các dự án đường sắt đô thị bị đội vốn, chậm tiến độ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, tư vấn trong nước, ban QLDA và tổng thầu Dự án Đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh còn hạn chế về năng lực. Những dự án đường sắt khi lập chưa có chủ trương xin vốn, thường huy động doanh nghiệp trong nước lập dự án. Cũng giống như hiện nay, việc xác định danh mục trình Quốc hội thông qua hoàn toàn không có kinh phí.

Do đó, các địa phương, chủ đầu tư căn cứ vào suất đầu tư và công trình tương tự để lập và trình Quốc hội, do đó số liệu không chuẩn. Khi có chủ trương của Quốc hội, cơ quan chức năng tiến hành lập dự án, tư vấn mới nghiên cứu kỹ. Mặt khác, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông khi ký hiệp định vay vốn thì Trung Quốc được chỉ định tổng thầu, không phải chúng ta thi tuyển chọn.

“Vấn đề quan trọng lúc này là phải chứng minh được an toàn của hệ thống. Chúng tôi đã thuê tư vấn nước ngoài là một công ty của Pháp đứng đầu sẽ đánh giá an toàn hệ thống. Nếu thông tin của tổng thầu không chuẩn, tư vấn sẽ không thông qua. Chúng tôi đang cố gắng hoàn thành 01% khối lượng công việc còn lại. Khi 01% khối lượng công việc này xong có nghĩa là chứng nhận được thiết bị đảm bảo an toàn hệ thống thì mới vận hành thương mại được.

Áp dụng công nghệ giám sát giao thông

“TNGT hiện nay đang là vấn đề nghiêm trọng. Bộ Công an và Bộ GTVT không đủ lực lượng để có mặt trên tất cả các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đến đường nông thôn, vì vậy chúng tôi tha thiết muốn bổ sung luật, nghị định để xử phạt nguội”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề xuất.

Bộ GTVT hiện đã đầu tư hệ thống giao thông thông minh giám sát trên một số đoạn tuyến cao tốc, lực lượng Công an cũng có một hệ thống camera để xử phạt nguội. Hiện tại, hai Bộ Công an và GTVT đang có chương trình kết nối số liệu để xử phạt vi phạm. Có thể thấy công nghệ mới có thể giám sát chặt chẽ hoạt động vận tải và đảm bảo TTATGT.

Taxi công nghệ sẽ phải lắp mào

Sau hai năm thí điểm đối với taxi công nghệ (Grab), chúng tôi đã xây dựng dự thảo Nghị định 86 sửa đổi. Tuy nhiên, thời gian qua nghị định này nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận, cơ quan chuyên môn và cả chuyên gia nên dù đã qua 7 lần trình Chính phủ nhưng vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Một tín hiệu mừng là theo thông tin mới nhất, hiện chỉ còn một ý kiến giữa Bộ GTVT với Bộ Thông tin và Truyền thông, còn lại tất cả đã được giải quyết và nhận được đồng thuận cao. Hi vọng, nghị định này sẽ sớm được ban hành, lúc đó taxi truyền thống và taxi công nghệ sẽ có cơ hội cạnh tranh như nhau.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) về hoạt động của taxi, Bộ trưởng cho biết sắp tới thực hiện Luật Quy hoạch và Nghị định 86 sửa đổi khi được ban hành thì sẽ không còn quy định hạn ngạch của taxi. Hiện nay, taxi truyền thống được phép gắn các thiết bị thu tiền tự động giống như taxi công nghệ. Tuy nhiên, điều này cũng có thể dẫn tới hệ lụy là có nhiều phương tiện tham gia trên đường gây áp lực UTGT. Do đó, người dân khi mua xe cần tính toán để đảm bảo hiệu quả khai thác.

Trả lời đại biểu Đào Thanh Hải (Hà Nội) về cách nào quản lý Grab không phát triển quá “nóng”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: Trong Nghị định 86 sửa đổi, chúng tôi đề xuất xe taxi công nghệ cũng gắn mào để cơ quan chức năng nhìn vào là có thể biết được xe taxi truyền thống hay xe taxi công nghệ. Về số lượng xe, chúng ta thực hiện Luật Quy hoạch, không còn hạn chế số lượng, do đó Hà Nội muốn hạn chế cũng không được. Doanh nghiệp phải tính hiệu quả kinh tế để đầu tư và chịu rủi ro. Địa phương nào hạn chế là phạm luật. Bộ GTVT đang đề xuất xe công nghệ hay xe truyền thống thì hồ sơ thủ tục đều như nhau. Do đó, xe công nghệ như Grab hoạt động ở Việt Nam thì phải được đăng ký, đăng kiểm, lái xe chịu trách nhiệm với hành khách.

Những hãng taxi truyền thống lớn như Vinasun, Mai Linh hiện nay đều sử dụng công nghệ như Grab và hiện đã có 13 phần mềm kết nối hãng taxi với người dân. “Tôi thấy rằng taxi công nghệ hay taxi truyền thống khi cạnh tranh công bằng sẽ mang lại dịch vụ tốt hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh

Ý kiến của bạn

Bình luận