Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Đẩy nhanh thi công Tân Sơn Nhất nhưng phải an toàn tuyệt đối

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Bạn đọc 30/08/2020 10:02

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, ngày 29/8, kiểm tra đột xuất tiến độ thi công dự án cải tạo đường băng Tân Sơn Nhất - công trình trọng điểm quốc gia thực hiện theo cơ chế cấp bách.

824F057F-3631-44BB-AC87-93C287E408E2.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể kiểm tra hiện trường dự án 


Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu chủ đầu tư, các đơn vị có liên quan báo cáo tiến độ thi công, những khó khăn, vướng mắc gây ảnh hưởng tiến độ toàn dự án. Với tính cấp thiết của dự án này, Bộ trưởng khẳng định dự án phải hoàn thành đúng tiến độ, giai đoạn 1 vào cuối tháng 12/2020, sẵn sàng đi vào hoạt động từ đầu năm 2021. 

Ông Trần Văn Thi, Tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long cho biết: Dự án được thực hiện chia làm 02 bước: Bước 1 gồm đường CHC25R và các đường lăn thoát nhanh. Thời gian thực hiện 06 tháng (cuối tháng 6/2020-31/12/2020). Bước 2: Xây dựng đường lăn song song W11, các đường lăn nối. Thời gian thực hiện 14 tháng (từ 01/10/2020 đến 31/12/2021).

C4D6A466-64DB-46B4-B591-569616F504BE.
Trong tháng 10 sẽ hoàn thiện phần bê tông xi măng của dự án

 Theo đó, tiến độ bước 1 sẽ xong phần bê tông xi măng trước ngày 20/10/2020. Phần bê tông nhựa và dải lề trước 30/10/2020. Hiện nay vướng mắc lớn nhất của dự án chính là gói vật tư thiết bị cho dự án. Về một số vấn đề chuyên môn kỹ thuật như công nghệ đèn đường băng, do đó dù hồ sơ thiết kế được đưa ra từ 21/7 nhưng đến nay sau hơn 1 tháng, vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ thiết kế cho dự án. 

Phía Tổng công ty cũng cho biết: Hiện nay các đơn vị đang đưa ra đề xuất tận dụng đèn cũ để bay (Chờ đèn mới đến tháng 4/2021 mới về lắp). Tổng công ty cũng  đã báo cáo Bộ GTVT chấp thuận phương án thực hiện và kiến nghị lập hội đồng đánh giá gồm Cục HK; Cục QLXD; ACV, Cảng TSN, CIPM, Tư vấn. 

Giải trình cho việc chậm hoàn thiện hồ sơ thiết kế: Đại diện Liên danh Công ty TNHH MTV thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không ADCC và Tổng công ty thiết kế giao thông vận tải (TEDI) cho biết: Việc lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng cho sân bay cần có các yêu cầu hiệu chuẩn quốc tế. Việc nhập thiết bị đèn do ảnh hưởng của dịch Covid nên công tác nhập thiết bị phải mất từ 4-6 tháng. Trong khi đó thiết bị cho hệ thống đèn của đường băng hiện hữu được lắp đặt từ năm 1993, do đó phát sinh nhiều bất cập về công nghệ. Phía quản lý bay cũng chỉ ra những khó khăn nếu 2 hệ thống đèn chiếu sáng khác nhau sẽ khó kiểm soát, và kết nối các phần mềm với nhau. 

Ông Nguyễn Duy Lâm, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông cũng cho biết: Việc chậm hoàn thiện hồ sơ thiết kế do hạng mục gói thiết bị chưa có. Nếu thiết bị lắp đặt không khớp thì sẽ mất thời gian hơn. Hồ sơ thiết kế được trình lên có nhiều bất cập nên khi đưa ra hội đồng các cơ quan để nhận xét đánh giá thì phát sinh nhiều điểm chưa hợp lý. Do đó, bên tư vấn phải hoàn thiện hồ sơ lại từ đầu sau khi lấy ý kiến của hội đồng đánh giá. Hiện Cục cũng đã phối hợp với các cơ quan chuyên ngành, có các văn bản hướng dẫn, thực hiện việc hoàn thiện hồ sơ một cách nhanh chóng, đảm bảo an toàn. 

Với đường lăn W4A: Cục QLXD đã họp và yêu cầu Tư vấn trình điều chỉnh vị trí kết nối là 1750m. Cục HKVN góp ý đồng thuận vị trí đường lăn W4A tại vị trí 1750m nhưng yêu cầu Tư vấn ADCC tính toán khoa học tham khảo kết quả của Tư vấn Navblue, điều chỉnh cục bộ quy hoạch và điều chỉnh hồ sơ thiết kế theo quy định của pháp luật về xây dựng. 

Sau khi nghe báo cáo từ các đơn vị, Bộ trưởng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay số lượng chuyến bay giảm, các đơn vị nên tranh thủ triển khai sớm đường lăn ở hai đầu đường băng để sớm đưa vào khai thác đồng bộ. Bởi khi đưa 2 đường băng vào khai thác, lưu lượng chuyến bay tăng lên, nếu lúc đó chưa hoàn thành đường lăn sẽ ảnh hưởng đến việc cất hạ cánh.

Bộ trưởng khẳng định Bộ GTVT cam kết bố trí đủ nguồn vốn giai đoạn 1 của dự án trong năm nay, Bộ GTVT sẽ dồn vốn tập trung cho dự án. 

Về một số vấn đề chuyên môn kỹ thuật như công nghệ đèn đường băng, Bộ trưởng giao Thứ trưởng Lê Anh Tuấn chủ trì với các đơn vị liên quan như Cục Hàng không, Cục QLXD chất lượng và CTGT để tổ chức họp và giải quyết sớm. 

“Tôi nghiêm cấm làm phức tạp tình hình, bởi hệ thống kỹ thuật khi vận hành phải đồng bộ, nhất quán. Đảm bảo, an ninh an toàn tuyệt đối trong quá trình khai thác. Phải làm sao trình được hồ sơ thiết kế trong tuần đầu của Tháng 9, sau đó phê duyệt hồ sơ thiết kế  và dự toán trước khi mời thầu” Bộ trưởng nói. 

Nhấn mạnh một lần nữa về tính tuyệt đối an ninh, an toàn trong quá trình thi công, Bộ trưởng yêu cầu Cục Hàng không, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam chỉ đạo các đơn vị giám sát chặt chẽ vấn đề an ninh, an toàn. Nếu thấy trường hợp nhà thầu thi công có khả năng làm ảnh hưởng đến quá trình khai thác, có thể đề nghị ngừng thi công, yêu cầu khắc phục, đến khi an toàn mới cho phép thi công trở lại.

Yêu cầu Tổng công ty Cửu Long bám sát tiến độ dự án, chậm nhất 15/11 phải hoàn thành toàn bộ bước 1, sau đó dành 1,5 tháng để hiệu chỉnh, đảm bảo tuyệt đối an toàn trước khi đưa vào khai thác thương mại.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, tính đến nay việc thi công dự án đã đạt 41,10% vượt 18,36% so với kế hoạch là một tín hiệu tốt. Nhà thầu đã tăng nhiều mũi thi công, cụ thể như Tổng công ty Xây dựng hàng không (ACC) và Tập đoàn Cienco 4 vượt tiến độ đề ra là đáng tuyên dương. 

Riêng Công ty CP Xây dựng công trình hàng không 647, Bộ trưởng phê bình vì tiến độ đến nay chỉ mới đạt 28%, khá chậm so với hai nhà thầu trong liên danh. Bộ trưởng yêu cầu Công ty 647 phải có giải pháp để chạy kịp tiến độ. Yêu cầu chủ đầu tư cần giám sát chặt chẽ, tư vấn giám sát phải cùng chủ đầu tư đề xuất giải pháp cần thiết đối với nhà thầu này. Bộ trưởng luôn khẳng định đây là dự án cấp thiết có tầm quan trọng và nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, người dân cả trong nước và ngoài nước. Do đó, các đơn vị phải tập trung hết nhân lực, nguồn vốn để đảm bảo tiến độ, yêu cầu kỹ thuật đề ra.

Ý kiến của bạn

Bình luận