Bộ trưởng GTVT: "Chỉ có đổi mới Ngành mới có thể phát triển"

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Ý kiến phản biện 28/05/2016 05:47

Trên cương vị mới, với nhiệm vụ và trọng trách mới, đồng chí Trương Quang Nghĩa - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT đã có cuộc trao đổi với Tạp chí GTVT về định hướng phát triển của Ngành, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học công nghệ thời gian tới.

IMG_5014 (1)_1

Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa kiểm tra tiến độ tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình (Ảnh Hữu Tuấn)

PV: Phát huy truyền thống "Đi trước mở đường", Bộ trưởng có những dự định gì để ngành GTVT tiếp tục có những đóng góp to lớn hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng, phát triển Ngành và đất nước?

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa: Trong những năm qua, hệ thống hạ tầng GTVT nước ta đã được Đảng, Nhà nước và xã hội quan tâm đầu tư. Có thể nói, sau 5 năm, hạ tầng giao thông đã có bước phát triển vượt bậc, góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, cải thiện đời sống nhân dân, giữ vững quốc phòng - an ninh. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII vừa qua, Đảng đã đề ra mục tiêu đến năm 2020, hệ thống GTVT phải cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải của xã hội, bảo đảm chất lượng ngày càng được nâng cao, giá thành hợp lý; tiếp tục kéo giảm TNGT và hạn chế ô nhiễm môi trường. Hệ thống giao thông cần được phát triển đồng bộ, trên cơ sở phân công hợp lý các phương thức vận tải, ưu tiên phát triển các phương thức vận tải thân thiện với môi trường. Một mạng lưới GTVT hiện đại sẽ góp phần đưa nước ta sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Mặc dù bộ mặt giao thông đã thay đổi đáng kể, nhiều công trình lớn đã được hoàn thành, kinh nghiệm thi công các công trình lớn, hiện đại đã được nâng lên, tuy nhiên, hạ tầng giao thông nhiều nơi còn hạn chế và có thể nói là yếu kém, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực kinh doanh vận tải đã được nâng lên nhưng vẫn cần tiếp tục phải cải thiện với quyết tâm cao, trong khi ý thức chấp hành pháp luật giao thông của nhiều người dân chưa cao; chế tài xử phạt chưa được thực hiện nghiêm, vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông còn hạn chế, chưa đáp ứng được đòi hỏi của sự phát triển. Sức ép cạnh tranh trong lĩnh vực GTVT ngày càng gay gắt, nhu cầu của người dân và đất nước trong việc nâng cấp hạ tầng giao thông ngày càng bức thiết...

Được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, tôi có trách nhiệm kế thừa truyền thống của ngành Giao thông “Đi trước mở đường”. Trách nhiệm của tôi là tiếp tục phát huy những thành quả tốt đẹp đó, nhân rộng những điển hình tiên tiến, những việc làm tốt đẹp đã và đang giúp Ngành phát triển.

Tôi sẽ nỗ lực cùng với tập thể lãnh đạo và toàn thể cán bộ, nhân viên của ngành GTVT hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao trong bối cảnh khó khăn, thách thức còn rất lớn, TNGT vẫn là nỗi lo thường trực ám ảnh mỗi người dân, các nguồn lực tài chính đầu tư cho giao thông ngày càng hạn chế, trong khi người dân, đất nước đòi hỏi phải tiếp tục phát triển, hiện đại hóa hạ tầng giao thông và hệ thống vận tải, nhằm đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Toàn bộ kế hoạch phát triển GTVT của đất nước trong 5 năm tới đã có, đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII thông qua, tôi sẽ cố gắng thực hiện tốt nhất chức trách và nhiệm vụ được giao, nỗ lực hết sức mình vì sự phát triển của ngành GTVT.

Tôi luôn tâm niệm có một điều phải làm bằng được, đó là tiếp tục đổi mới. Chỉ có đổi mới, Ngành mới có thể phát triển. Cụ thể, cần đổi mới phong cách quản lý, lãnh đạo; đổi mới tư duy; đổi mới phương pháp làm việc; tiếp tục cải cách hành chính, gắn trách nhiệm cá nhân vào các quyết định cụ thể, vào từng công việc cụ thể, bám sát cơ sở và thực tiễn cuộc sống. Thời gian vừa qua, nhất là trong nhiệm kỳ của Bộ trưởng Đinh La Thăng, khâu cải cách hành chính của Bộ được tiến hành rất tốt, rất thành công và tôi sẽ tiếp tục phát huy những thành công đó.

PV: Trong những dự định của mình, Bộ trưởng quan tâm nhất vấn đề nào?

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa: Như chúng ta đã biết, nguồn vốn dành cho đầu tư phát triển hiện nay chủ yếu là đi vay, không thể chỉ trông chờ vào vốn ngân sách nhà nước đang rất hạn chế. Chúng ta đã hội nhập với khu vực và thế giới, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được ký năm 2015, các hiệp định FTA khác đã ký và đang đến dần có hiệu lực, điều đó đặt ngành Giao thông đứng trước cả cơ hội và thách thức. Chúng tôi sẽ tranh thủ nắm bắt, chắt chiu từng cơ hội để phát triển hạ tầng giao thông, phát huy lợi thế của từng phương thức vận tải để tạo cơ sở vững chắc cho các ngành kinh tế, các địa phương phát triển. Sau khi rà soát lại, chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ, dự án nào sẽ tiếp tục triển khai, dự án nào sẽ phải điều chỉnh và dự án nào phải dừng. Tất cả quá trình này sẽ được tiến hành dân chủ, công khai, minh bạch để mọi người cùng biết và đồng thuận với Bộ.

Chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức cuộc gặp với các nhà tài trợ và với cộng đồng doanh nghiệp để lắng nghe các ý kiến, đề xuất, kiến nghị để xem xét và điều chỉnh phù hợp trên tinh thần hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư - doanh nghiệp và người dân. Bộ GTVT sẽ luôn cầu thị, lắng nghe và trân trọng các ý kiến đóng góp; trân trọng các nguồn vốn của các nhà đầu tư muốn hợp tác với chúng tôi.

DSC_9360_1
Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa

Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến trình đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tôi nghĩ không còn cách nào khác là phải tiếp tục, khẩn trương hoàn thiện thể chế, tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng và hiệu quả hơn để kêu gọi thêm nhiều nguồn lực, thành phần tham gia đầu tư. Bên cạnh đó, kết hợp sử dụng có hiệu quả, hợp lý các nguồn vốn khác từ ngân sách, ODA và các nguồn vốn khác. Lấy ví dụ như ngành Đường sắt, mặc dù gần đây có nhiều thay đổi theo hướng tích cực hơn, phục vụ hành khách tốt hơn, tuy nhiên về cơ bản, hạ tầng đường sắt của Việt Nam còn lạc hậu với đường sắt khổ 1m. Về lâu dài, nhất thiết phải đầu tư đường sắt tốc độ cao. Tuy nhiên, khi nguồn lực có hạn, chúng ta cần nghiên cứu kỹ lưỡng, phân kỳ đầu tư, những đoạn nào cấp thiết làm trước, ít cấp thiết hơn làm sau để tạo hiệu quả đầu tư.

Bên cạnh đó, tiếp tục cơ cấu lại các loại hình vận tải, hướng tới phát triển hài hòa, hợp lý các phương thức vận tải, tăng cường kết nối các phương thức nhằm giảm áp lực cho vận tải đường bộ; phát triển vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics; đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách công cộng, giao thông tiếp cận, công tác xã hội hóa bến xe...

 PV: Trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, khoa học - công nghệ là yếu tố then chốt mang lại hiệu quả kinh tế, tới đây Bộ trưởng có định hướng gì?

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa: Ngành GTVT đã và đang nỗ lực thực hiện kế hoạch xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ, chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, bền vững, an toàn, thân thiện môi trường, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, kết nối với các quốc gia trong khu vực và quốc tế. Để hoàn thành mục tiêu trên, cần huy động nguồn lực to lớn của đất nước, của toàn ngành GTVT, trong đó hoạt động khoa học và công nghệ được xác định là yếu tố then chốt và đóng vai trò quan trọng.

Trong thời gian qua, chúng ta đã đạt được thành tích rất đáng ghi nhận trong việc triển khai nghiên cứu, ứng dụng và tiếp nhận thành công nhiều công nghệ tiên tiến, hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện Việt Nam để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT, đã tăng được năng suất lao động, đảm bảo chất lượng, hạ giá thành, tăng hiệu quả đầu tư..., góp phần quyết định để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông với tốc độ nhanh và bền vững. Việc hoàn thành nhiều dự án xây dựng công trình giao thông có qui mô lớn, công nghệ hiện đại, kỹ thuật phức tạp, với chất lượng kỹ thuật và mỹ thuật cao, thời gian thi công nhanh, giá thành hạ, hoàn toàn do các kỹ sư, công nhân Việt Nam đảm nhiệm trong thời gian gần đây như: Cầu bê tông cốt thép dự ứng lực nhịp lớn, cầu treo, cầu dây văng, hầm đường bộ, sân bay, cảng biển, đường ô tô cao tốc, đường sắt, luồng vận tải thủy... đã khẳng định những bước tiến bộ vượt bậc cả về “chất” và “lượng” của đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và công nhân trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng của ngành GTVT, thể hiện trình độ công nghệ trong lĩnh vực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của Việt Nam đạt tầm khu vực và đang từng bước tiếp cận trình độ thế giới.

 Tuy nhiên, nhiệm vụ xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng trong thời gian sắp tới và trong tương lai ở nước ta còn rất lớn, trong khi các yêu cầu về đảm bảo chất lượng, tiến độ thi công, hạ giá thành, tăng hiệu quả đầu tư ngày càng cao hơn. Bên cạnh đó, yêu cầu khai thác, vận hành, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đã hoàn thành, đảm bảo an toàn, hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi trường luôn là vấn đề hết sức bức thiết.

 Vì vậy, việc tăng cường hiệu quả của hoạt động khoa học - công nghệ phục vụ các lĩnh vực sản xuất trong thời gian tới đây cần mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa. Cần tập trung vào một số định hướng chính như sau: Đẩy mạnh triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong công tác quy hoạch và bổ sung hoàn thiện quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT; đặc biệt chú trọng quy hoạch, cân đối các loại hình vận tải, phối hợp liên thông các phương thức vận tải mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong khảo sát, thiết kế, thi công, quản lý chất lượng xây dựng, khai thác, bảo trì, sửa chữa các công trình giao thông, trong đó chú trọng việc ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới, giải pháp kỹ thuật phù hợp, có hiệu quả, thân thiện môi trường nhằm đảm bảo chất lượng, tiến độ, giảm chi phí đầu tư.

 Các yếu tố kiến trúc, thẩm mỹ của các hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là các công trình trong các thành phố, khu đô thị lớn cần phải được chú trọng đúng mức hơn nữa; ứng dụng khoa học - công nghệ trong quản lý, tổ chức, điều hành, kiểm soát giao thông, đảm bảo an toàn, giảm thiểu tai nạn, hạn chế UTGT, tăng độ bền vững và tuổi thọ công trình, tăng hiệu quả đầu tư; tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành trong lĩnh vực xây dựng, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng hiện đại, hòa nhập trình độ quốc tế, phù hợp với đặc điểm địa hình, khí hậu, thủy văn, địa chất của từng vùng miền, đảm bảo tiết kiệm chi phí, bền vững và tăng hiệu quả đầu tư; đổi mới đồng bộ cơ chế để nâng cao năng lực quản lý hoạt động khoa học - công nghệ ngành GTVT, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ khoa học - công nghệ, gắn với yêu cầu của thực tế sản xuất, đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu phát triển, nghiên cứu ứng dụng giữa các đơn vị trong và ngoài Ngành, trong nước và quốc tế.

Trên cương vị mới, với nhiệm vụ và trọng trách mới, đồng chí Trương Quang Nghĩa - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT đã có cuộc trao đổi với Tạp chí GTVT về định hướng phát triển của Ngành, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học công nghệ thời gian tới.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.

Ý kiến của bạn

Bình luận