Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh thăm và làm việc tại tỉnh Cà Mau

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Ứng dụng 19/09/2019 10:42

Ngày 17/9/2019, đồng chí Chu Ngọc Anh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cùng Lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ đã thăm và làm việc tại tỉnh Cà Mau.

Bô truong Chu Ngoc Anh
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Cà Mau.

Khoa học và công nghệ thúc đẩy kinh tế tỉnh

Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Nguyễn Tiến Hải – Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau; đồng chí Phạm Bạch Đằng – Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy Cà Mau; đồng chí Thân Đức Hưởng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau và đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh. 

Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Thân Đức Hưởng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: giai đoạn 2016-2018, GRDP của Cà Mau tăng bình quân 6,36%. Tỉnh tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, hiện đại, thích ứng kinh tế thị trường, biến đổi khí hậu; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ KH&CN trong các ngành, lĩnh vực, xây dựng một số chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm, đăng kí bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm hàng hoá đặc sản, đặc thù của tỉnh.

Lĩnh vực nông nghiệp phát triển ổn định, sản lượng lúa hằng năm đạt trên 530.000 tấn; tổng sản lượng thuỷ sản đạt trên 1,57 triệu tấn. Công tác quản lý, bảo vệ rừng đạt kết quả tích cực, diện tích rừng tập trung đạt 95.100 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 25,3%. Đến nay có 29/82 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 35,4%. Giai đoạn 2016-2018, Cà Mau đón 3,7 triệu lượt khách du lịch, doanh thu đạt trên 3.000 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, năm 2018 còn 4,04%, giảm 1,92% so với năm 2017...

Trong lĩnh vực KH&CN, Cà Mau tập trung thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện, thành phố. Trong đó, đối với cấp Trung ương tập, trung nghiên cứu cứng hoá đất bùn nạo vét để sử dụng trong san lấp mặt bằng thay thế cát; hoàn thiện công nghệ và hệ thống thiết bị sản xuất Chitosan từ phụ phẩm tôm quy mô công nghiệp - nhiệm vụ KH&CN thuộc Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đối với Công ty CP Việt Nam Food; triển khai 2 nhiệm vụ KH&CN thuộc chương trình nông thôn miền núi gồm: Chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và xây dựng mô hình trồng chuối già Philiphine đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ở vùng U Minh Hạ và Xây dựng mô hình trồng xen canh chanh không hạt và đu đủ ruột vàng trên vùng đất phèn nặng xã Khánh An, huyện U Minh...

Đối với việc thực hiện nhiệm vụ KH&CN, tỉnh đã tổ chức nghiệm thu 46 nhiệm vụ. Theo đánh giá, có trên 70% đề tài, dự án đã nghiệm thu được chuyển giao ứng dụng vào thực tiễn và đời sống có hiệu quả. 

Hiện nay, tỉnh đã xây dựng bảo hộ được 13 nhãn hiệu (10 nhãn hiệu tập thể và 3 nhãn hiệu chứng nhận). Đồng thời, đang tiếp tục xây dựng 5 hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận. Sở KH&CN đã hướng dẫn cho hơn 1.000 tổ chức, cá nhân nộp đơn bảo hộ và được Cục sở hữu trí tuệ cấp 801 giấy chứng nhận bảo hộ cho các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp.

Tăng cường liên kết khoa học công nghệ giữa Bộ và địa phương

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện nhiệm vụ KH&CN còn tồn tại nhiều khó khăn hạn chế. Năm 2019, số lượng đăng ký nhiệm vụ giảm còn khoảng 70% so với trước; số nhiệm vụ được phê duyệt giảm còn 3 nhiệm vụ/năm (so với trước trung bình khoảng 10 nhiệm vụ/năm). Hiện nay, người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ vào nguồn vốn hỗ trợ đầu tư của nhà nước nên đa số đề tài, dự án sau khi kết thúc hỗ trợ thì việc duy trì và phát triển của địa phương còn nhiều khó khăn. Công tác quản lý, phát triển các nhãn hiệu bảo hộ hiệu quả chưa cao. Việc liên kết sản xuất, hợp tác đầu tư, hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất gắn liên kết chuỗi giá trị trong khai thác, sử dụng và phát triển nhãn hiệu còn nhiều bất cập; công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhãn mác, bao bì, mẫu mã, dán tem truy xuất nguồn gốc chưa được quan tâm đúng mức.

Trong thời gian tới, tỉnh Cà Mau tiếp tục tuyên truyền và thực hiện nghiêm túc, đồng bộ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chương trình hành động số 21-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các chương trình, nhiệm vụ KH&CN trọng điểm; ưu tiên bố trí nguồn nhân lực KH&CN có trọng tâm, trọng điểm bảo đảm hiệu quả, thực chất nhằm phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; Đẩy mạnh các nghiên cứu về bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, giảm nhẹ tổn thương, tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu gây ra; nghiên cứu tạo nguồn vật liệu mới thay thế, phục vụ san lấp, xây dựng để hạn chế việc lấy cát từ lòng sông để đắp nền.

Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Tiến Hải – Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau bày tỏ mong muốn trong thời gian tới việc liên kết, hỗ trợ của Bộ KHCN đối với Cà Mau sẽ chặt chẽ và cụ thể hơn. Theo đó, tỉnh Cà Mau đề xuất với Bộ KH&CN phối hợp với các bộ, ngành liên quan ban hành quy định về chính sách triển khai và cơ chế tài chính để ứng dụng, nhân rộng các kết quả KH&CN sau khi được đánh giá nghiệm thu và chuyển giao ứng dụng vào thực tế.

Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Tiến Hải bày tỏ mong muốn Bộ KH&CN hỗ trợ địa phương trong các hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo như hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho việc xây dựng trung tâm khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo của tỉnh, đào tạo cho đội ngũ cán bộ làm công tác khởi nghiệp, tổ chức các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Hỗ trợ tỉnh tạo lập và phát triển thương hiệu của các sản phẩm trọng điểm, chủ lực của địa phương như: chỉ dẫn địa lý tôm sú, cua Cà Mau; nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận chuối xiêm Cà Mau, gỗ… thông qua các dự án cụ thể. Bộ KH&CN nghiên cứu, có chủ trương đầu tư cho tỉnh Cà Mau thực hiện chương trình nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, ứng dụng và nhân rộng các mô hình, dự án sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, thuỷ sản; Hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, cấp Bộ để giải quyết những vấn đề bức thiết trong phát triển kinh tế - xã hội hiện nay của Cà Mau, nhất là tình trạng biến đổi khí hậu, sạt lở bờ biển. 

Đồng thời, tỉnh cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, chủ trương thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về thuỷ sản tại tỉnh Cà Mau; Khu nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao...

ong Nguyen Tien hai
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đề xuất với đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về những vấn đề cấp bách của địa phương.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đánh giá cao sự quan tâm của các cấp uỷ đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương, Cà Mau đã đạt được một số kết quả tích cực. Bộ trưởng Chu Ngọc Anh chia sẻ thêm trong bối cảnh mới hiện nay, khi cả nước đang ưu tiên, tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, trong đó có nguồn nhân lực chất lượng cao, đổi mới sáng tạo. Bộ KH&CN đã và đang đưa tinh thần Nghị quyết số 20/NQ-TW về phát triển KH&CN, và Nghị quyết số 05-NQ/TW của BCH Trung ương về chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; Nghị quyết số 06-NQ/TW về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Toan canh 2
Toàn cảnh buổi làm việc

Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, tỉnh Cà Mau có nhiều lợi thế về tự nhiên là 1 trong 4 tỉnh, thành phố vùng kinh tế động lực của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích tự nhiên lớn thứ 2 trong vùng. Với vị trí 3 mặt giáp biển, tỉnh có nhiều tiềm năng lợi thế về cảng biển, du lịch và nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản – ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác của tỉnh phát triển. Tuy nhiên, trong thời gian qua, hoạt động KH&CN phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đề nghị trong thời gian tới, Cà Mau cần tập trung vào một số sản phẩm là thế mạnh của tỉnh có quy mô lớn, sức cạnh tranh cao để định hướng đầu tư, phát triển. Bộ KH&CN sẽ hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ để đạt hiệu quả cao. 

Đối với các đề xuất và kiến nghị của Tỉnh, Bộ KH&CN ghi nhận và sẽ chung tay cùng các Bộ, ngành và Tỉnh giải quyết.

Trong khuôn khổ của chuyến công tác, sáng ngày 18/9 đoàn đã đến thăm và làm việc với Công ty cổ phần chế biến và dịch vụ thủy sản Cases Cà Mau.

BT di tham CASES 1
Đoàn công tác của Bộ thăm và làm việc với Công ty cổ phần chế biến và dịch vụ thủy sản Cases Cà Mau của đoàn công tác.
Ý kiến của bạn

Bình luận