Bộ KH&CN họp báo giải đáp vấn đề lãng phí ngân sách,cá chết Hồ Tây

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Ứng dụng 06/10/2016 15:32

Ngày 06/10, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức họp báo thường kỳ Quý III/2016 để trả lời trực tiếp những vấn đề báo chí và dư luận quan tâm trong thời gian gần đây. Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc chủ trì buổi họp báo.

1 Thu truong Tac chu tri Hop baoIMG_6752(1)
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc chủ trì buổi họp báo. 

Về công tác xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật KH&CN, trong Quý III/2016, Bộ KH&CN đã hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành các văn bản quy định về: Điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy; Điều kiện hoạt động của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; Điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp; Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và tổ chức KH&CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm...

Bộ KH&CN đã ký ban hành các Quyết định: Ban hành Chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ; Thông tư Quy định quản lý thực hiện Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; hoàn thiện và trình Chính phủ: Quyết định của TTgCP phê duyệt Đề án về Cơ chế hợp tác công - tư, đồng tài trợ thực hiện các nhiệm vụ KH&CN; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước của Bộ KH&CN...

Bên cạnh công tác xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật về KH&CN, Bộ KH&CN đã tổ chức nhiều sự kiện, hội nghị, hội thảo quan trọng, trong đó đáng chú ý là sự kiện ngày 21/9/2016, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã có buổi kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020 trong lĩnh vực Tiêu chuẩn và Sở hữu trí tuệ tại Bộ KH&CN. Một sự kiện nổi bật khác trong quý III là chợ công nghệ và thiết bị Hà Nội - Techmart Hanoi 2016 với chủ đề “Liên kết cùng hội nhập và phát triển bền vững”. Sau 4 ngày diễn ra, các đơn vị tham gia và đối tác đã ký kết 28 hợp đồng, biên bản ghi nhớ, chuyển giao công nghệ, mua bán thiết bị, giải pháp, phần mềm, sản phẩm KH&CN với tổng giá trị trên 150 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hàng trăm giao dịch cũng đã được tiến hành trực tiếp tại các gian hàng.

Bộ cũng đã nghiên cứu, rà soát sửa đổi Luật Chuyển giao Công nghệ (CGCN) năm 2006, trong đó tập trung vào các vấn đề phát triển thị trường KH&CN; khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng và đổi mới công nghệ; thương mại hóa công nghệ, kết quả nghiên cứu; quản lý nhà nước và một số nội dung liên quan khác. 

Theo kế hoạch, trong Quý IV, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về KH&CN. Đồng thời, tổ chức các hoạt động, sự kiện theo kế hoạch: Hội nghị toàn quốc về sở hữu trí tuệ; Hội nghị giao ban KH&CN các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long năm 2016 tại An Giang từ ngày 20 – 21/10; Hội nghị giao ban KH&CN các tỉnh Đông Nam Bộ và giao ban KH&CN các tỉnh Trung du Miền núi phía Bắc năm 2016 ngày 4-5/11 tại TP. Hòa Bình; Hội nghị về hoạt động các Trung tâm Ứng dụng và tiến bộ KH&CN, trình diễn và kết nối cung cầu công nghệ tại Thái Nguyên ngày 9 – 11/11; Chợ Công nghệ và Thiết bị chuyên ngành; Ngày hội Khởi nghiệp và Công nghệ - Techfest Việt Nam 2016 tại Hà Nội ngày 9 - 10/11; Hội thảo xác định đóng góp của KH&CN vào tăng trưởng kinh tế; Hoạt động tổng kết và phương hướng, nhiệm vụ trong giai đoạn tiếp theo của Bộ KH&CN;…

2-Toan canh IMG_6721(1)

Bộ KH&CN giải đáp nhiều vấn đề "nóng"

Phần trao đổi với báo chí mở đầu bằng một câu hỏi liên quan đến vấn đề ngân sách chi cho khoa học và công nghệ. PV dẫn thông tin Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết tại phiên họp ngày 04/10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: “Chỉ có 2 ngành được chi 2% ngân sách, trong đó có ngành KHCN nhưng chưa bao giờ ngành này sử dụng hết và còn chi chưa hiệu quả”.

Trả lời câu hỏi này, Chánh văn phòng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, do đặc thù hoạt động KH&CN, kinh phí cấp cho đề tài nghiên cứu khoa học được áp dụng theo cơ chế có thể kéo dài 2-3 năm chứ không tiêu theo năm tài chính, sau 2-3 năm mới nghiệm thu. Do đó, kinh phí chi chưa hết trong năm này sẽ tiếp tục gối đầu sang năm sau. Nghe qua thì tưởng là không tiêu hết nhưng thực ra là cuốn chiếu theo đề tài. 

Về thông tin tiêu chưa hiệu quả, lãng phí chi phí đầu tư phát triển KH&CN, ông Bùi Thế Duy cho biết, một số địa phương thường chuyển phần kinh phí đó sang ưu tiên những nhiệm vụ cấp thiết hơn, chẳng hạn như phát triển hạ tầng, nên bị xác định là tiêu sai mục đích. Riêng về vấn đề lãng phí, Chánh văn phòng thừa nhận không chỉ riêng lĩnh vực KH&CN mà cả các lĩnh vực khác đều chưa thể đạt được hiệu quả cao nhất trong việc sử dụng kinh phí mà nguyên nhân xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó có trình độ hấp thụ công nghệ của các đơn vị ứng dụng công nghệ còn hạn chế.

Tiếp tục trả lời câu hỏi của PV về khẳng định của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khi nói rằng, công nghệ của Việt Nam còn lạc hậu từ 2-3 thế hệ so với các nước trong khu vực và trên thế giới, ông Đỗ Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ cho biết: "Nhận xét công nghệ Việt Nam lạc hậu 2-3 thế hệ của Phó Chủ tịch Quốc hội có thể là được rút ra từ những báo cáo, tài liệu cũ, ví dụ như trước kia chúng ta còn lạc hậu ở ngành dệt may, mía đường, xi măng lò đứng… Tuy nhiên, đối với những dự án hiện nay mà chúng tôi được tiếp cận, rất nhiều công nghệ tiên tiến trên thế giới đã được đưa về, chẳng hạn trong các lĩnh vực: Công nghệ thông tin, bưu chính viễn thông, cơ khí, vắc-xin… Mặc dù vậy, vẫn còn có một số dự án sử dụng máy móc, thiết bị, dây chuyền thế hệ cũ, chứ không phải là ứng dụng công nghệ cũ, do nhiều lý do khác nhau mà điển hình là lý do kinh tế của doanh nghiệp. Sắp tới, Bộ KH&CN sẽ phối hợp với các bên liên quan để siết chặt thẩm định các dự án đầu tư, nhằm hạn chế việc nhập khẩu các thiết bị, máy móc quá cũ vào Việt Nam.” 

Nguyên nhân cá chết ở Hồ Tây

Một thông tin được nhiều PV quan tâm là trách nhiệm của Bộ KH&CN trong việc tìm nguyên nhân cá chết Hồ Tây. Chánh văn phòng Bùi Thế Duy cho biết: Theo chức năng nhiệm vụ Bộ KH&CN đã có chỉ đạo ngành dọc là Sở KH&CN Hà Nội phối hợp các cơ quan liên quan của Hà Nội phối hợp các đơn vị tìm hiểu thông tin. Bộ cũng đã cử cán bộ làm việc với Bộ TN&MT, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam liên quan các công việc lấy mẫu, khảo sát, đánh giá mẫu, nghiên cứu. 

Tại cuộc họp báo nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, an toàn bức xạ, hạt nhân, gắn chíp quản lý các nguồn phóng xạ di động đã được lãnh đạo Bộ KH&CN cũng như đại diện các đơn vị chức năng giải đáp thỏa đáng.

Ý kiến của bạn

Bình luận