Bộ Giao thông vận tải đề xuất giao ACV đầu tư sân bay Long Thành

Thị trường 08/08/2019 15:57

Bộ Giao thông vận tải muốn giao cho doanh nghiệp trong nước chủ trì.

 

Untitled

Trong báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất 3 phương án huy động vốn: một là sử dụng vốn vay ODA; hai là giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư bằng vốn doanh nghiệp và vốn vay; ba là đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư quốc tế theo hình thức đối tác công - tư (PPP), hợp đồng BOT.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết sân bay Long Thành được quy hoạch thành sân bay lớn nhất Việt Nam, không chỉ phục vụ kinh doanh mà còn phải đảm bảo an ninh quốc gia. Do đó, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất giao cho ACV - doanh nghiệp cổ phần 94% vốn nhà nước, giữ vai trò chủ đạo đầu tư, khai thác để đảm bảo phối hợp tốt các hoạt động dân dụng và quân sự.

Ông Thọ cho rằng ACV đã tích lũy được hơn một tỷ USD và sẽ cân đối được 1,5 tỷ USD cho dự án Long Thành; nguồn thu từ 21 cảng hàng không mà đơn vị này đang quản lý cũng sẽ bù đắp được chi phí cần thiết trong quá trình xây dựng. "Điểm cộng" khác cho ACV là đơn vị này đã có kinh nghiệm đầu tư nhiều công trình hàng không như nhà ga T2 Nội Bài, T2 Tân Sơn Nhất, đường cất hạ cánh tại Phú Quốc, Cần Thơ...

Ông Phạm Văn Tới, Tổng thư ký Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không Việt Nam, cũng đánh giá phương án giao ACV đầu tư sân bay Long Thành là tối ưu. "Trong giai đoạn một, việc quản lý, khai thác sân bay Long Thành cần kết nối với các cảng hàng không khác nên thống nhất một đơn vị đầu mối sẽ thuận lợi", ông Tới nói.

Theo ông, ưu điểm khác là doanh nghiệp trong nước đầu tư thì sẽ không bị phụ thuộc nước ngoài về công nghệ, tiến độ.

Từ thực tế Tân Sơn Nhất đang quá tải, ông Tới phân tích nếu chọn phương án một hoặc ba thì thời gian chuẩn bị đầu tư, đấu thầu có thể kéo dài thêm nhiều năm, không kịp đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không đang bùng nổ.

"Chúng ta đã chứng kiến nhiều dự án ODA hay BOT phụ thuộc nhà đầu tư, nhà thầu khiến tiến độ bị chậm", ông Tới nói và cho rằng, cuối năm nay dự án sân bay Long Thành sẽ được trình Quốc hội nên chỉ còn một năm để thực hiện thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công và thẩm tra.

"Dự án phải khởi công vào năm 2021 thì mới kịp hoàn thành năm 2025. Thời gian quá gấp rồi, chúng ta không nên bàn nhiều về lựa chọn phương án nào mà hãy bàn cách giúp ACV thực hiện dự án hiệu quả", ông Tới nhấn mạnh.

Theo báo cáo nghiên cứu khả thi sân bay Long Thành, giai đoạn một sẽ đầu tư xây dựng một đường cất hạ cánh và một nhà ga hành khách cùng hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách mỗi năm, nhà ga hành khách 1,2 triệu tấn hàng hóa. Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn một là 111.922 tỷ đồng (4,7 tỷ USD), dự kiến năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác.

Giữa năm 2018, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã ký hợp đồng với tư vấn JFV (liên danh nhà thầu Nhật - Pháp - Việt) để thực hiện gói thầu tư vấn khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn một.

Ý kiến của bạn

Bình luận