“Bộ đội Cụ Hồ”: Cội nguồn sức mạnh Việt Nam

Tác giả: Minh Khánh

saosaosaosaosao
Chính trị 22/12/2016 06:13

“Bộ đội Cụ Hồ” là cách gọi rất Việt Nam, thật gần gũi. “Bộ đội Cụ Hồ” không những chỉ là tên gọi trìu mến mà nhân dân dành cho quân đội mà còn là một danh hiệu, một vinh dự lớn đối với những chiến sĩ của nhân dân.

Cu Ho

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một hồi ức của mình đã kể lại: “Tôi nhớ rằng, từ trong Khu giải phóng Việt Bắc, đồng bào các dân tộc đã trìu mến gọi các đơn vị vũ trang ta là “Bộ đội Ông Ké”, hay “Bộ đội Ông Cụ” một cách thân thương, chân chất như tấm lòng của đồng bào đối với lãnh tụ của mình mà nhiều người lúc đó chưa biết tên Bác. Có lẽ về sau khi biết tên Người - đó là Bác Hồ, là Chủ tịch Hồ Chí Minh của nước Việt Nam mới, mọi người mới gọi “Bộ đội Ông Ké” là “Bộ đội Cụ Hồ” và cũng từ Chiến khu Việt Bắc, tên gọi yêu dấu ấy xuất hiện từ thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp”.

Cho nên, sự vinh quang và cao cả của “Bộ đội Cụ Hồ” trước tiên là ở lý tưởng và mục tiêu chiến đấu cao đẹp của mình. Người lính cách mạng, người lính của dân, từ dân mà ra, người lính đó được mang tên Cụ Hồ là niềm tự hào không chỉ của quân đội mà còn của cả dân tộc. Người Cha già của dân tộc đã hóa thân vào quân đội ta thành niềm tin, niềm tự hào, thôi thúc quân đội ta “bách chiến, bách thắng”.

Xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”, quân đội ta từ khi ra đời đến nay “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Lịch sử chiến đấu và chiến thắng của quân đội ta gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, làm nên mốc son chói lọi trong thời đại Hồ Chí Minh. Ra đời từ một đơn vị nhỏ chỉ có 34 chiến sĩ, do người anh cả Võ Nguyên Giáp chỉ huy, từ trận đầu ra quân đánh thắng giặc ở Phay Khắt, Nà Ngần, rồi vươn lên như “Chàng trai Phù Đổng”, quân đội ta đã cùng cả nước giành độc lập dân tộc, rồi đương đầu và đánh thắng liên tiếp thực dân Pháp, đế quốc Mỹ. Quân đội mang danh Cụ Hồ càng đánh càng mạnh, đánh đâu thắng đấy và cuối cùng đã đi đến thắng lợi hoàn toàn. Quân đội Cụ Hồ “thiên biến vạn hóa”, vừa du kích, vừa thiện chiến. Quân và dân gắn bó ngay trong từng người, từng nhà, từng thôn xóm, từng cộng đồng, đến cả một dân tộc. Theo đường lối “Chiến tranh nhân dân”, quân đội ta cùng với toàn dân đã lập nên chiến công vẻ vang giải phóng dân tộc, giành độc lập và thống nhất Tổ quốc. Truyền thống đó ngày càng được phát huy và càng tô thắm thêm danh hiệu vẻ vang “Bộ đội Cụ Hồ”.

Qua suốt chặng đường 72 năm chiến đấu, rèn luyện và trưởng thành của quân đội nhân dân Việt Nam, từ trong chiến tranh, những mất mát, đau thương và sự hy sinh là biết bao câu chuyện huyền thoại về người lính đã trở thành bất tử.

Từ trong chiến tranh cho đến thời bình hôm nay, phẩm chất của anh “Bộ đội Cụ Hồ” vẫn sáng mãi. Đó là chất thép được tôi luyện từ sự giáo dục của Đảng và Bác Hồ, của quân đội và nhân dân. “Trung với Đảng, hiếu với dân” vẫn mãi là lời thề muôn đời của người lính. Những hình ảnh mang giá trị cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” không kể hết: Biên giới phía Bắc, phía Nam, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, cả trong thiên tai, trong xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới... Có thể thấy, miền đất nào thiếu thốn và gian khổ nhất, nơi ấy có “Bộ đội Cụ Hồ”. Phẩm chất vì nhân dân quên mình đã ăn sâu vào máu thịt đối với các anh. Hai tiếng “nhân dân” đã trở thành mệnh lệnh trong trái tim của “Bộ đội Cụ Hồ”. Bởi vậy, đâu phải chỉ trong thời chiến, mà cả thời bình, nhiệm vụ cứu dân trong thiên tai, nhiệm vụ bảo vệ mỗi tấc đất biên cương đều có sự hy sinh quả cảm của người lính.

Nhà văn, nhà báo, nhà nhiếp ảnh người Mỹ Lady Borton khi sang Việt Nam đã nói: “Tôi đã đi nhiều nước trên thế giới, nhưng không ở đâu người dân lại yêu mến gọi lãnh tụ của mình là Bác, không có quân đội nào yêu mến gọi Tổng Tư lệnh bằng Anh (Anh Văn - Đại tướng Võ Nguyên Giáp) và cũng không nơi nào nhân dân yêu mến quân đội gọi là “Bộ đội Cụ Hồ”. Có thể nói “Bộ đội Cụ Hồ” là một giá trị văn hóa độc đáo, tiêu biểu trong dòng chảy của nền văn hóa Việt Nam ở thời đại Hồ Chí Minh, có sức lôi cuốn và lan tỏa đặc biệt. Mỗi khi khoác trên mình bộ quân phục, dù ở trong đơn vị hay ở nơi công cộng, họ đều thể hiện phẩm chất của người quân nhân cách mạng.

“Bộ đội Cụ Hồ” còn là những người lính có tinh thần quốc tế cao cả. Từ truyền thống nhân ái của dân tộc “tắt lửa, tối đèn có nhau”, “thương người như thể thương thân”, bao nhiêu năm qua, với tinh thần “cứu bạn là tự cứu mình” đầy nhân bản, nhân ái, nhiều chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam đã trở thành những chiến sĩ quốc tế, những “tình nguyện quân”, vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, chiến đấu bên cạnh các chiến sĩ của nhân dân Lào, Campuchia, trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, các cuộc chiến đấu chống lại các thế lực tay sai, phản động. Tinh thần quốc tế cao cả, vô tư của “Bộ đội Cụ Hồ” là một nét rất mới trong lịch sử đấu tranh vũ trang của dân tộc Việt Nam.

Những đặc trưng nổi bật của “Bộ đội Cụ Hồ” như trung thành vô hạn với Tổ quốc Việt Nam, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ, gắn bó chặt chẽ với nhân dân; có tinh thần đồng đội, tinh thần kỷ luật, tự giác và ham học hỏi, cầu tiến bộ... đã trở thành những hành trang quý báu trên hành trình lớn lên, trưởng thành và chiến thắng của các lực lượng vũ trang ta. Đó cũng là nét văn hóa đặc trưng của một nền văn hóa mới, văn hóa vì con người dựa trên truyền thống và cốt cách Việt Nam.

Tổ quốc Việt Nam đã hoàn toàn thống nhất và đi lên xây dựng CNXH trong điều kiện mới. Người lính hôm nay vẫn tiếp tục thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam: Xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Ở mỗi cương vị, trên mọi nẻo đường của Tổ quốc, người lính nói riêng và cả dân tộc ta nói chung luôn nêu cao cảnh giác, “không một phút lơi lỏng” nhận dạng bản chất hành động tinh vi, xảo trá của các thế lực thù địch âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước và sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta với luận điệu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, dùng chiêu bài phi chính trị trong quân đội, dùng những viên kẹo “bọc đường” để đầu độc thanh niên nói chung và thanh niên quân đội nói riêng, từ đó phủ nhận vai trò lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với quân đội và dân tộc Việt Nam. Trước tình đó, Đảng ta luôn cảnh giác, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó xác định quân đội và công an nhân dân là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp phát triển kinh tế và hội nhập sâu vào thế giới. Trên mọi nẻo đường của Tổ quốc, hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” là niềm tự hào của dân tộc, là hình tượng cao đẹp, là nguồn cội sức mạnh Việt Nam - mẫu hình để giáo dục truyền thống yêu nước, giá trị nhân văn, tinh thần đoàn kết cộng đồng dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau. Hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” sẽ trường tồn cùng với sự phát triển đi lên của dân tộc Việt Nam.

Ý kiến của bạn

Bình luận