Bộ Công Thương đưa ra tiêu chí 'made in Vietnam'

Doanh nghiệp 02/08/2019 10:16

Hàng "made in Vietnam" ngoài đạt tỷ lệ giá trị gia tăng nội địa 30%, còn phải vượt qua khâu gia công đơn giản.

 

Untitled
Bộ tiêu chí thế nào là hàng hoá của Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam đang được cơ quan quản lý xây dựng. Ảnh: TL

Bộ Công Thương vừa đưa ra lấy ý kiến dự thảo Thông tư về tiêu chí dán mác "made in Vietnam" cho hàng sản xuất trong nước lưu thông trên thị trường nội địa.

Theo dự thảo Thông tư, sản phẩm được coi là "made in Vietnam" nếu có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam, như cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng, khoáng sản...

Trường hợp hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng và đảm bảo 2 tiêu chí về chuyển đổi mã số (mã HS) và hàm lượng giá trị gia tăng... thì được coi là hàng hoá của Việt Nam.

Cách xác định hàm lượng giá trị gia tăng được xác định theo 2 công thức gián tiếp hoặc trực tiếp. Ở cách trực tiếp, nếu hàng có giá nguyên liệu đầu vào xuất xứ ở Việt Nam chiếm 30% giá xuất xưởng, thì được coi là hàng "made in Vietnam". Còn cách gián tiếp là giá xuất xưởng trừ đi giá nguyên liệu đầu vào không có xuất xứ Việt Nam.

Để xác định rõ hơn điều này, Bộ Công Thương đưa ra các ví dụ cụ thể từng mặt hàng với mã HS khác nhau để xác định tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng nội địa. Phần lớn các sản phẩm này có tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng nội địa 30%. Tuy nhiên để được xem là hàng "made in Vietnam", ngoài đạt tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng nội địa là 30%, thì hàng hoá này còn phải vượt qua khâu gia công đơn giản. 

Tiêu chí thứ hai để xác định hàng hóa có được dán nhãn "made in Vietnam" hay không là "chuyển đổi mã số HS". Tiêu chí này cho phép doanh nghiệp có thể sử dụng 100% nguyên liệu nhập khẩu hoặc không xác định về xuất xứ trong quá trình sản xuất, miễn là quy trình đó vượt qua công đoạn gia công đơn giản.

Ví dụ, với mặt hàng gỗ ván ép, hiện nay các doanh nghiệp đều áp dụng tiêu chí xác định quy tắc xuất xứ là "chuyển đổi mã số hàng hóa" do khó truy xuất các loại gỗ trong tấm ván ép được doanh nghiệp mua từ nguồn nào, đơn vị nào cung cấp. Do đó trường hợp áp dụng tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa, doanh nghiệp mua trong nước hay nhập khẩu nguyên vật liệu làm nên tấm gỗ ván ép và vượt qua gia công đơn giản... vẫn thỏa mãn quy định về quy tắc xuất xứ. 

Dự thảo Thông tư cũng quy định, hàng tạm nhập tái xuất, hàng quá cảnh Việt Nam không được coi là hàng "made in Vietnam".

Với quy định, tiêu chí xác định tại dự thảo lần này, Bộ Công Thương đánh giá, các doanh nghiệp chân chính sẽ không phải đối diện với nguy cơ cáo buộc "gian lận xuất xứ", loại bỏ dần tình trạng hàng nhập khẩu "đội lốt" hàng Việt Nam như vừa qua. Ngoài ra, dự thảo Thông tư không quy định thêm thủ tục hành chính mới, nên sẽ không làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.

Việc xây dựng bộ tiêu chí này được Bộ Công Thương đưa ra trước thực tế đã có quy định về ghi xuất xứ trên nhãn hàng hoá nhưng lại thiếu điều kiện thế nào là hàng sản xuất tại Việt Nam, "made in Vietnam" hay hàng Việt... để "áp" doanh nghiệp ghi nhãn hàng hoá. Điều này dẫn tới những trường hợp doanh nghiệp bị dính nghi án ghi sai xuất xứ hàng hoá, như Asanzo vừa qua. 

Theo Nghị định 43/2017, trên nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện nước xuất xứ. Các tổ chức, cá nhân gắn nhãn hàng hóa tự chịu trách nhiệm về ghi nước xuất xứ, dựa trên sự hiểu biết tốt nhất của họ, miễn là trung thực.

Song, việc cho phép doanh nghiệp "tự nguyện" ghi nhãn hàng hoá trong khi chưa có tiêu chí xác định cụ thể thế nào là hàng Việt, "made in Vietnam"... đã dẫn đến thực tế có doanh nghiệp ghi nhãn tùy tiện như trường hợp Khaisilk trước đây.

Ý kiến của bạn

Bình luận