Bộ Công Thương cải thiện "Chỉ số Hiệu quả Logistics"

Doanh nghiệp 03/04/2019 16:05

Kế hoạch của Bộ Công Thương đề ra mục tiêu nâng cao thứ hạng của Việt Nam trong xếp hạng Chỉ số Hiệu quả Logistics (gọi tắt là LPI) do Ngân hàng Thế giới công bố từ nay đến năm 2025 lên 5 - 10 bậc (năm 2018, Việt Nam đứng thứ 39 trên thế giới về xếp hạng LPI), đóng góp tích cực vào cải thiện môi trường kinh doanh.


 

Bộ Công Thương cải thiện Chỉ số Hiệu quả Logistics
Dịch vụ cảng biển của Việt Nam cần có sự thống nhất quản lý chặt chẽ hơn (Ảnh minh họa)

Triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, ngày 26 tháng 3 năm 2019, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 708/QĐ-BCT phê duyệt Kế hoạch cải thiện chỉ số Hiệu quả Logistics của Việt Nam.

Bản Kế hoạch đề ra mục tiêu nâng cao thứ hạng của Việt Nam trong xếp hạng Chỉ số Hiệu quả Logistics (gọi tắt là LPI) do Ngân hàng Thế giới công bố từ nay đến năm 2025 lên 5 - 10 bậc (năm 2018, Việt Nam đứng thứ 39 trên thế giới về xếp hạng LPI), đóng góp tích cực vào cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân. Đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ logistics của Việt Nam, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo... 

Kế hoạch đề ra 49 nhiệm vụ cụ thể gắn với vai trò của các Bộ, ngành, địa phương, được chia thành các nhóm nhiệm vụ liên quan chặt chẽ với 6 chỉ số thành phần trong LPI, bao gồm: Nhóm nhiệm vụ về nâng cấp hạ tầng; Nhóm nhiệm vụ về cải thiện khả năng giao hàng; Nhóm nhiệm vụ về nâng cao năng lực và chất lượng cung cấp dịch vụ logistics; Nhóm nhiệm vụ về ứng dụng công nghệ, tối ưu khả năng truy xuất; Nhóm nhiệm vụ về rút ngắn thời gian và giảm chi phí; Nhóm nhiệm vụ về nâng cao hiệu quả thông quan; Nhóm nhiệm vụ bổ trợ.

Được biết, Cục Xuất nhập khẩu là cơ quan đầu mối của Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương triển khai, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch này.

Có thể thấy rằng quyết tâm xóa bỏ một nghịch lý tại Việt Nam là giá nhiên liệu thuộc loại rẻ nhưng giá thành để người dân và doanh nghiệp tham gia giao thông, vận chuyển hàng hóa lại cao nhất thế giới. Nếu kế hoạch của Bộ Công Thương có hiệu quả không chỉ tăng chỉ số cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam mà còn tạo môi trường thuận lợi cho việc đi lại, mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân trong nước. 

Ý kiến của bạn

Bình luận