Biển báo 115 - Muốn hiểu đúng cần sửa lại văn bản

Ý kiến phản biện 19/12/2017 16:50

Biển cấm 115 được đặt trước những cây cầu thường đã cũ hoặc, do sự cố, bị suy giảm khả năng chịu tải. Khác với mục đích của biển 106b (xem bài Lại nói về biển 106b, Tạp chí GTVT, 29/11/2017), biển 115 biểu thị khả năng chịu tải của cầu, cấm các xe nặng hơn con số ghi trên biển đi vào, bảo đảm cho kết cấu của cầu được an toàn, không bị hư hỏng dẫn đến phá hủy.

 

Untitled

 Đó là một biển báo cấm cơ bản thường gặp trên đường. Nhưng đến nay vẫn mỗi người hiểu một khác, kể cả các thẩm phán, luật sư và các trường đào tạo lái xe. Vì sao lại có tình trạng như vậy?

Nguyên nhân của tình trạng hiểu không thống nhất bắt nguồn từ việc dùng từ ngữ không chuẩn mực và không nhất quán trong các Nghị định, Thông tư và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giao thông đường bộ liên quan đến xử phạt vi phạm. Sau đây chỉ xin nêu hai ví dụ.

1. Báo Giao thông, để phổ biến rộng rãi luật đi đường, đã hằng ngày đăng bài “Các biển báo cấm trong Luật Giao thông đường bộ” (http://www.baogiaothong.vn/cac-bien-bao-cam-trong-luat-giao-thong-duong-bo-d146714.html), trong đó viết về biển 115 như sau:

Biển 115: Hạn chế trọng lượng xe.Để báo đường cấm các loại xe cơ giới và thô sơ, kể cả các xe được ưu tiên theo luật lệ của nhà nước quy định, có trọng tải (bao gồm cả xe và hàng hóa) vượt quá trị số ghi trên biển đi qua.

Tên biển viết “trọng lượng”, nhưng giải thích sau đó lại viết “trọng tải”, trong khi hai khái niệm này là hoàn toàn khác nhau, đo bằng những đơn vị đo khác nhau: trọng lượng là lực hút của trái đất, còn trọng tải là khối lượng lớn nhất mà xe có thể chở được. Trọng tải là một thông số cố định do nhà thiết kế định ra từ đầu, được ghi trong Giấy Chứng nhận kiểm định do Đăng kiểm cấp, độc lập với khối lượng bản thân xe và khối lượng hàng đang chở trên xe, nên không bao gồm gì cả.

Dùng từ “hàng hóa” ở đây cũng không đầy đủ, bởi có những trường hợp trên xe còn chở cả người, hành lý, động vật, và các sản phẩm khác, trong khi hàng hóa chỉ có nghĩa là các sản phẩm đem trao đổi, mua bán.

2. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, QCVN 41:2016/BGTVT (viết tắt: QC 41) viết như sau:

Biển số P.115: Hạn chế tải trọng toàn bộ xe.Để báo đường cấm các loại xe (cơ giới và thô sơ) kể cả các xe được ưu tiên theo quy định, có tải trọng toàn bộ xe (tải trọng bản thân xe cộng với khối lượng chuyên chở) vượt quá trị số ghi trên biển đi qua, phải đặt biển số P.115 "Hạn chế tải trọng toàn bộ xe".

Ở đây, trong QC 41 đã dùng từ ngữ thiếu chuẩn mực ở chỗ:

+ Từ “Tải trọng. Dùng từ “tải trọng” trong khi ở phần Giải thích từ ngữ đầu văn bản, không có giải nghĩa về từ đó. Tuy nhiên, trong dấu ngoặc viết tải trọng cộng với khối lượng đã ngầm ám chỉ rằng tải trọng là khối lượng của xe. Ở nhiều tài liệu, văn bản nhà nước khác cũng dùng sai từ tải trọng này.

Thực ra, tải trọng và khối lượng là hai đại lượng hoàn toàn khác nhau, không cộng với nhau được, bởi tải trọng là tập hợp lực tác dụng lên một vật thể hay kết cấu khi tính toán sức bền của nó. Tải trọng không đo bằng tấn (t), chỉ khối lượng mới có đơn vị đo này. Ví dụ, trong vô số các giáo trình cơ học kết cấu, tài liệu tính toán, thiết kế, ta thường xuyên gặp các cụm từ, như “tải trọng tập trung”, “tải trọng động”, “đoàn tải trọng di động”, “tải trọng gió”, “tải trọng động đất”, ‘tải trọng uốn”, “tải trọng thiết kế tiêu chuẩn”, “tổ hợp tải trọng”, “hệ số tải trọng”, vv. Đó là những cụm từ dùng đúng, đã thành truyền thống trong khoa học.

Nếu QC 41 (và nhiều văn bản khác) đã ngụ ý tải trọng là khối lượng thì vì sao trong câu “tải trọng bản thân xe cộng với khối lượng chuyên chở” không nói thẳng là “khối lượng bản thân xe cộng với khối lượng chuyên chở”, khi đã biết rằng, khối lượng là một đại lượng phổ thông cơ bản của Việt Nam và quốc tế, đã được học từ lớp 6 ở môn Vật lý?

QC 41 đã dùng đúng ký hiệu t (tấn) như ở hình 1 và hình 2, mà không dùng T (đơn vị tấn lực đã lỗi thời). Nhưng vì sao lại viết cao lên như một chỉ số lũy thừa, trong khi các biển báo khác cũng trong QC 41 đã viết đúng quy định luật pháp về đo lường: ký hiệu đơn vị cùng dòng với con số đứng trước?

+  Từ “Hạn chế.Từ “hạn chế” trong tiếng Việt thường dùng làm động từ với nghĩa làm giảm đi, ngăn bớt lại, ví dụ: tầm nhìn bị hạn chế, hạn chế rượu bia, hạn chế thiệt hại do xả lũ, vv. Nó không đặt ra một định lượng rõ ràng. Trong khi đó, trên các biển báo 115 và 116 đã chỉ ra một vạch ngưỡng, một con số cụ thể, ví dụ 10 t trên hình 1 và 7 t trên hình 2. Vì vậy ở đây cần thay từ hạn chế bằng từ giới hạn.

Tên các biển báo khác có từ hạn chế, như hạn chế tốc độ, hạn chế chiều cao, vv cũng đều nên thay như vậy. Ngay trong các văn bản pháp luật giao thông đường bộ, từ giới hạn cũng đã được dùng khi giải thích về các biển báo này, mà không bao giờ thấy dùng từ hạn chế.

Tóm lại, cần thay hạn chế bằng giới hạn, khối lượng hàng hóa chuyên chở bằng khối lượng chở và thay các từ tải trọng trọng lượng không đúng chỗ bằng từ khối lượng, ví dụ kiểm soát tải trọng thay bằng kiểm soát khối lượng, cân tải trọng thay bằng cân xe, trạm kiểm tra tải trọng thay bằng trạm cân xe, vv. Sau khi thay đổi từ ngữ như trên, biển 115 trở thành chính xác và dễ hiểu như sau:

Biển 115 – Giới hạn khối lượng toàn bộ xe không được vượt: Cấm các xe cókhối lượng toàn bộ vượt con số ghi trên biển. Biển này có hiệu lực với cả xe thô sơ và xe ưu tiên.

Tương tự, để bảo đảm an toàn cho kết cấu đường, biển cấm 116 ở hình 2 trở thành:

Biển 116 – Giới hạn khối lượng trên trục xe không được vượt: Cấm các xe có khối lượng trên trục vượt con số ghi trên biển. Biển này có hiệu lực với cả xe thô sơ và xe ưu tiên.

Khối lượng toàn bộ là bằng khối lượng bản thân xe cộng với khối lượng chở.

Khối lượng chởlà khối lượng của hàng hóa và mọi thứ đang chở trên xe. Khối lượng này thay đổi nặng nhẹ khác nhau, tùy theo chuyến.

Khối lượng trên trụclà phần của khối lượng toàn bộ phân bố trên một trục xe (tổng các khối lượng trên trục bằng khối lượng toàn bộ).

Diễn đạt hai biển báo ngắn gọn như trên hoàn toàn tương đồng với các biển C7 và C8 trong Công ước quốc tế Vienna mà Việt Nam là thành viên.

Khi chất hàng lên xe chạy trên tuyến đường chưa quen, để không bị phạt vi phạm, các doanh nghiệp vận tải và người lái xe cần xem trước các bản Công bố trạng thái tuyến đường được cập nhật trên mạng, trong đó cho biết xe nặng đến mức nào, chỗ nào có cắm biển 115, 116 và cồng kềnh đến mức nào có thể lưu thông bình thường. Xe siêu trường siêu trọng thì phải xin giấy phép.

Trong lưu thông, khi cân xe, bánh xe đè lên thiết bị cân. Phiếu kết quả cân in ra sẽ cho biết khối lượng toàn bộ hoặc khối lượng trên trục. So sánh kết quả này với con số ghi trên biển cấm 115 hay 116 tương ứng sẽ biết xe có vi phạm hay không, không cần có thêm phép tính cộng trừ nào nữa.

Khi không có thiết bị cân, cảnh sát giao thông có thể kiểm tra Giấy vận tải để biết khối lượng chở và kiểm tra Giấy Chứng nhận kiểm định để biết khối lượng bản thân xe. Cộng hai khối lượng này sẽ được khối lượng toàn bộ, rồi so sánh với con số ghi trên biển 115.

Ý kiến của bạn

Bình luận