Bị tài xế đình công phản đối, Grab nói gì?

Tác giả: Văn Quyết

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 08/12/2020 15:55

Grab cho biết đang làm việc với các cơ quan chức năng để cân bằng quyền, lợi ích cho các bên có liên quan.


h1
Tài xế tụ tập phản đối việc Grab tăng triết khấu.

Ngày 7/12, hàng trăm tài xế tại Hà Nội và TP.HCM căng bằng rôn kêu gọi tắt app ứng dụng phản đối Grab tăng mức triết khấu, tăng mức tính thuế VAT gây thiệt hại cho tài xế.

Nguyên nhân khiến các tài xế tắt ứng dụng đình công là do Grab chuyển đổi cách tính thuế GTGT theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Quản lý thuế, có hiệu lực thi hành từ ngày 5/12. Theo Nghị định 126, các hãng xe công nghệ phải nộp 10% GTGT trên tổng doanh thu mà khách hàng thanh toán cho mỗi chuyến xe, thay vì tài xế đóng 3% GTGT trên doanh thu thực nhận và doanh nghiệp đóng 10% GTGT trên phần chiết khấu thu về như trước.

Grab đã điều chỉnh giá cước đối với hành khách và tăng tỉ lệ chiết khấu đối với tài xế. Cụ thể, giá cước tính theo km của GrabCar 4 chỗ và 7 chỗ khu vực Hà Nội lần lượt tăng từ 8.500 đồng/km lên 9.500 đồng/km và 10.000 đồng/km lên 11.000 đồng/km; khu vực TP.HCM tăng từ 9.000 đồng/km lên 9.500 đồng/km; Bình Dương và Đồng Nai tăng từ 11.500 đồng/km lên 12.000 đồng/km. Giá cước GrabBike tính trên mỗi km (sau 2km đầu tiên) cũng tăng từ 3.400 đồng/km lên 4.000 đồng/km; giá cước tính theo thời gian di chuyển (sau 2 km đầu tiên) tăng từ 300 đồng/phút lên 350 đồng/phút.

Về tỉ lệ khấu trừ tính trên doanh thu cuốc xe, mức khấu trừ đối với tài xế GrabCar trên mỗi chuyến xe tăng từ 23,6% lên 28,364% đối với tài xế chịu phí sử dụng ứng dụng 20%; tăng từ 28,375% lên 32,841% đối với tài xế chịu phí sử dụng ứng dụng 25% (bao gồm phí ứng dụng + phí GTGT + thuế thu nhập cá nhân). Tỉ lệ khấu trừ tính trên doanh thu cuốc xe đối với đối tác tài xế GrabBike tăng từ 20% lên 27,273%.

Tài xế Huỳnh Xuân Lâm (ngụ Quận 8, TP.HCM) bức xúc nói: “Grab tăng mức chiết khấu cho tài xế như vậy là quá cao khiến thu nhập của anh, em tài xế bị giảm rất nhiều. Mức 30% doanh thu phải nộp cho Grab gồm: mức trừ phí ứng dụng là 20%, thuế VAT 10% (trước đây chỉ 3%). Với mức thu này nếu trừ tiền xăng, tiền điện thoại thì tài xế không còn bao nhiêu. Anh, em tài xế mong muốn Grab giữ mức ăn chia 20% doanh thu như cũ để đảm bảo thu nhập, còn phần thuế VAT thì khách đi xe sẽ chịu”.

bh
Grab cho biết đang làm việc cùng các cơ quan chức năng để cân bằng quyền, lợi ích cho các bên có liên quan.

Ngày 8/12, đại diện Truyền thông Grab Việt Nam cho biết, việc Grab tiến hành khấu trừ khoản thuế phải nộp, kê khai, và nộp hộ cho các đối tác tài xế là tuân thủ quy định của Nghị định 126. Toàn bộ phần thuế đều được Grab nộp về Kho bạc Nhà nước và được cơ quan thuế xác nhận.

Trước và ngay sau khi Nghị định 126 ban hành, Grab đã tham gia góp ý trình bày cụ thể về tác động của nghị định tới cơ quan quản lý thuế, đồng thời nhiều lần gửi văn bản xin hướng dẫn thực hiện nghị định. Tuy nhiên, tới nay Grab vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức từ các cơ quan này. Grab đang tích cực làm việc cùng các cơ quan chức năng để cân bằng quyền, lợi ích cho các bên có liên quan.

Ý kiến của bạn

Bình luận