Bí quyết bỏ thuốc lá của tôi

Tác giả: Đặng Sỹ Mạnh

saosaosaosaosao
Ý kiến phản biện 24/05/2017 18:58

Hưởng ứng Tuần lễ quốc gia không khói thuốc (25 đến 31/5/2017) và Ngày thế giới không khói thuốc lá (31/5) với chủ đề: “Thuốc lá - mối đe dọa sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia”. Nhân dịp này, Tạp chí Giao thông vận tải đăng tải bài viết Bí quyết bỏ thuốc lá của tác giả Đặng Sỹ Mạnh nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong việc cai bỏ thuốc.

14352925_dung-thuoc-ho-tro-cai-thuoc-la_16-11-14
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Tín đồ ngoan đạo hay là nô lệ?

Tôi sinh ra ở một vùng quê. Từ nhỏ, tôi đã được chứng kiến khá nhiều bậc trung niên, cao niên trong làng hút thuốc lào. Thuốc đều được tự trồng, tự cung, tự cấp. Nhà ai có người hút thuốc thì vườn nhà đó thường có vài luống đất trồng thuốc lá. Khi cây thuốc lên cao khoảng 0,4 - 0,5m, người ta chọn hái những lá già sát gốc. Một ít được đem xâu vào nan tre thành từng liếp, đem phơi, khi lá khô cuộn lại thành những lăn thuốc kiểu như người ta cuộn xì gà, sau này thái đến đâu dùng đến đó. Một ít người ta dùng dao bén thái thật nhỏ (thái chỉ), rồi đem phơi ngay, sau đó cho vào bao giấy bảo quản, quấn hút dần, gọi là thuốc xanh. Thường, tôi được tham gia phụ giúp ông bà từ việc gieo trồng đến thu hoạch thuốc lá, sơ chế sản phẩm, thậm chí còn học được cách tách đôi những tờ giấy vở học trò (tách mỏng) để quấn những điếu thuốc thẳng thớm, đều tăm tắp...

Khoảng năm 11 tuổi, tôi bắt đầu tập tành hút thử. Thứ nhất là vì thấy người lớn hút, muốn bắt chước. Thứ hai là thấy chúng bạn khi đi làm đồng, chăn trâu cắt cỏ, thậm chí đi học, cũng lén lút mang theo. Tôi không còn nhớ cảm giác đầu tiên khi hút thử, nhưng mùi thơm ngai ngái của thuốc lá, nhất là loại thuốc xanh độc đáo, đã in hằn trong ký ức tôi. Tuy nhiên, có thể do sự nghiêm khắc của bố mẹ, thầy cô, có thể đang tuổi ăn tuổi lớn nên thuốc lá chưa phải là thứ hoàn toàn chế ngự được tôi. Vì vậy, suốt thời gian học phổ thông, tôi mới dừng lại ở chỗ biết hút, còn chưa thể gọi là nghiện được.

Đến năm 18 tuổi, thoát ly gia đình đi học. Xa nhà, ăn uống thiếu thốn, giường tầng, nhà tập thể... Bạn học cùng lứa như nhau, phòng 8 đứa thì hết cả 8 đứa hút thuốc. Đủ các loại thuốc, sang thì Thủ đô, Chợ lớn, rồi Tam đảo, Xuân mới, Mai, Đà Lạt... Tiền càng giảm, cấp độ, số lượng giảm theo. Đầu lọc, không đầu lọc, nguyên điếu, nửa điếu, một phần ba điếu... Hết tiền thì ký nợ, không thể ký nữa, thèm quá đi xin bắn vài khói, thậm chí đi nhặt dế (phần còn lại của điếu thuốc người khác hút xong)...

Tôi nhớ nhóm chung phòng còn có sáng kiến, được đúc rút từ nhiều lần nhặt dế không thành: Kiếm một loong bơ, để sẵn đầu giường, khi xa xỉ, hút xong vứt dế vào đấy, để dành; lúc viêm màng túi, lấy ra, chọn lấy sợi thuốc, lấy giấy quấn lại. Thường vài mẩu dế cũng quấn được một điếu khá nên hồn, rít được năm bảy hơi, dằn được cơn thèm.

Sau này ra trường, đi làm, có lương, càng hút tợn. Làm việc với máy tính, thức khuya, điếu này nối điếu kia. Có khi điếu trước trong gạt tàn mới cháy được phân nửa, đã vội châm điếu khác. Người ngợm toàn mùi thuốc. Chẳng biết tự bao giờ, giữa ngón trỏ và ngón giữa bàn tay phải của tôi, vàng quánh nhựa thuốc lá.

Đi công tác, việc đầu tiên là chuẩn bị loại thuốc mình hay dùng. Từ vài gói đến vài cây, theo định mức một ngày đêm từ gói rưởi đến hai gói. Sợ nhất là hết thuốc, hoặc đêm hôm một mình mà không có lửa. Có hôm ra Hà Nội công tác, khi đi quên nhét cây Ngựa trắng vào va ly, nửa đêm hết thuốc, đi bộ tìm khắp khu phố, may quá khi ra ga tìm được mấy gói, mừng như bắt được vàng. Có hôm quên đem bật lửa, đêm đến, thức giấc, cơn thèm ập đến. Oái ăm thay, có thuốc mà thiếu lửa. Đã quá nửa đêm, gọi lễ tân thì ngại, trằn trọc, đem thuốc ra, lại cất vào.

Khổ nhất khi đi nước ngoài, có chuyến mười mấy tiếng, cứ cố quên thì càng nhớ. Cố đọc sách, xem phim, cố ngủ, lại càng thèm. Có hôm suýt lạc mất đoàn vì xuống sân bay là mắt trước mắt sau chạy tìm nơi hút thuốc. Đến nước bạn, đôi lần bị nhắc nhở, may mà chưa bị phạt lần nào.

Hành trình khổ ải

Thật sự khi đang nghiện ngập, rất nhiều lúc tôi nghĩ đến việc bỏ thuốc vì thấy quá phiền phức, lệ thuộc. Phần thì cơ quan đơn vị tuyên truyền vận động, ngày càng nhiều nơi cấm hút thuốc; phần thì gia đình, bản thân lo cho sức khỏe... dằn vặt, tự vấn, rồi hạ quyết tâm.

Lần thứ nhất tôi bỏ thuốc vì được bầu vào ban chấp hành công đoàn cơ quan. Tôi muốn nhân cơ hội để tạo động lực cho cả chính mình nên phát động phong trào bỏ thuốc. Với một quy định: Ai đăng ký bỏ thuốc sẽ được công đoàn thưởng giá trị bằng một tháng lương; đổi lại, ai đã đăng ký, nhận thưởng rồi, nếu bị bắt gặp hút lại, sẽ bị phạt số tiền bằng ba tháng lương. Lần đó tôi là người đăng ký đầu tiên, nhận thưởng, khao lãnh đạo chủ chốt, thề thốt ỏm tỏi. Thế rồi ngày đầu tiên xa thuốc, tôi thủ sẵn kẹo cao su, kẹo ngọt, nhai liên tục mà mồ hôi cứ vã ra. Được đâu 6, 7 tiếng đồng hồ, tôi thấy có những cảm giác hơi khác. Nó dần hình thành những cơn buồn ngủ, rất ngắn, thưa rồi dày dần. Tôi vẫn quyết tâm. Cố gắng tránh xa người hút thuốc và nơi hút thuốc. Khổ sở qua được một ngày làm việc. Khi về nhà, chịu đựng không nổi, mặc dù lúc ăn tối cũng tuyên bố rùm beng, nhưng khi ăn xong, cũng xin phép mọi người hút vài hơi tự thưởng rồi giảm dần... Ôi, rít đến tóp cả má, đã làm sao...

Thất bại thảm hại, tôi vẫn vừa hút vừa tìm hiểu xem thằng thuốc là thằng thế nào mà khó chia tay đến vậy? Tôi tìm đọc nhiều tài liệu, hỏi một số chuyên gia về thuốc lá và cách bỏ thuốc. Tôi còn nhớ có một tài liệu viết về cơ chế gây nghiện của thuốc khá hay, tiếc là không lưu lại nguyên bản. Đại ý người ta phân tích rằng, ni - cô - tin là một vi chất mà cơ thể con người, tùy theo độ tuổi, cần một lượng nhất định. Thiếu ít thì sẽ gây một số phản ứng của cơ thể như buồn ngủ, mệt mỏi; thiếu nhiều thì ảnh hưởng xấu, nhất là vấn đề thần kinh. Cơ thể con người là một bộ máy huyền diệu. Tạo hóa vĩ đại đã tạo sẵn một bộ phận và cơ chế trong mỗi người để nhận nhiệm vụ chiết xuất ni - cô - tin đủ dùng cho chính người đó. Khi ta hút thuốc, tức là chủ động nạp ni - cô - tin vào, một thời gian ngắn, bộ phận chiết xuất sẽ tạm ngừng hoạt động. Không biết sự kiểm chứng khoa học cho tài liệu nói trên đến đâu, tuy nhiên qua suy luận tôi thấy khá có lý. Vì khi đột ngột bỏ thuốc, trong khoảng thời gian ta chờ cho bộ phận đó khởi động trở lại, cơ thể ta bị hụt ni - cô - tin và sẽ có nhiều phản ứng diễn ra: Mỏi người, mỏi mắt, buồn ngủ, huyết áp thay đổi, không tỉnh táo... (tùy cơ địa từng người). Chỉ khi bộ phận đó hoạt động ổn định trở lại, cơ thể mới cân bằng.

Bên cạnh đó, qua những lần đi khám sức khỏe định kỳ, chụp phim phổi, qua vài lần thăm bệnh một số bạn bè bị ung thư vòm họng, ung thư phổi, xơ vữa động mạch…, những căn bệnh do thuốc lá gây ra, thậm chí có người còn trẻ cũng đã mãi mãi ra đi, tôi bắt đầu thấy sợ. Rồi khi vợ có bầu, tôi đọc lại các tài liệu về ảnh hưởng khói thuốc đến thai nhi, đến con cái, những người xung quanh như thế nào... Tôi thực sự lo sợ, quyết tâm cai hẳn. Thêm 2 lần bỏ rồi thất bại, bởi không vượt qua được cám dỗ, không vượt qua được cái suy nghĩ là cứ hút lại vài hơi rồi bỏ tiếp cũng chả chết ai, hoặc thôi đổi loại thuốc nhẹ hơn để giảm “đô” dần… Không ăn thua. Không vượt qua được chính mình. Nhất là khi bỏ xong rồi đi công tác, đêm hôm khuya khoắt một mình, hoặc khi có vấn đề gì căng thẳng...

Tôi mơ hồ cảm nhận có một cái ngưỡng nhất định, mà nếu chỉ bằng những biện pháp thông thường, quyết tâm thông thường sẽ không vượt qua được, ít nhất là với một người nghiện thuốc nặng như tôi.

Bí quyết

Thế rồi, như một duyên may, khi về thăm quê, tôi đến thăm một người bà con, năm ấy ông đã 80 tuổi. Người mà trong ký ức tôi, khi nhớ đến ông, không bao giờ thiếu đi hình ảnh điếu thuốc cuộn như xì gà lập lòe trên miệng ông. Hồi đó, ông đi đâu, làm gì, cũng gắn với điếu thuốc. Chắc chỉ khi ăn, khi ngủ là không hút. Còn lại là ngậm thuốc phì phèo. Vậy mà hôm tôi ghé thăm, trước mặt tôi là một ông lão quắc thước, khỏe mạnh và thật bất ngờ không thấy ông hút thuốc nữa. Thấy tôi ngạc nhiên, ông nói: “Thời đại giờ mà chú vẫn hút thuốc à?”. Tôi quá khâm phục ông và kể ông nghe về bao lần thất bại của tôi, rồi xin ông bí quyết. Ông tủm tỉm cười, bảo tôi rằng: “Những vấn đề của chú, tôi đều đã trải qua. Tôi nói với chú hai việc. Một là thứ thuốc bây giờ chú đang hút, chắc chắn có nhiều độc tố hơn thuốc ngày trước tôi vẫn hút, là do họ sản xuất công nghiệp, thật có, giả có, có chất bảo quản, tẩm ướp. Thứ hai, sau nhiều lần thất bại, tôi đã bỏ hẳn được. Tôi đã khuyên và khá nhiều người áp dụng thành công. Chú còn may mắn vì hút thuốc đã lâu nhưng cơ địa tốt nên sức khỏe còn tạm ổn. Tôi tặng chú một bí quyết gồm bảy chữ. Chú thực hiện được, ắt sẽ bỏ được thuốc lá”. Tôi vội rút sổ tay ra ghi, ông đọc rõ từng chữ: “Bỏ thuốc là không hút thuốc nữa”.

Tôi đang hào hứng đón đợi, bỗng cảm thấy bị mắc lỡm ông, thấy hơi tự ái. Nhưng cũng làm ra vẽ tiếp thu, gật gù qua chuyện, rồi lãng qua chuyện khác. Khi về, ông còn vỗ vai nhắc: Chú em nhớ nhé, bảy chữ vàng, tưởng đùa nhưng thật đó. Ta chừng này tuổi rồi, há dễ lừa chú em. Tôi quay lưng, còn nghe văng vẳng giọng cười sảng khoái của ông…

Ngộ

Mặc dù thất vọng, nhưng buổi nói chuyện và hình ảnh, giọng cười của ông già miền quê cứ ám ảnh tôi. Lạ thật, cứ châm thuốc là tôi nhớ đến bảy chữ.

Một lần bị viêm họng khá nặng, người bị sốt, mồm đắng ngắt. Quen tay, châm thuốc xong hút thấy nhạt phèo, ho sù sụ. Tôi muốn nhân cơ hội này không hút nữa. Không hút. Không bao giờ hút nữa… Được một ngày, tôi vẫn để thuốc và bật lửa sẵn sàng, nhưng không hút, đề phòng đi lại buồn ngủ bất chợt không an toàn, tôi gọi điện lên cơ quan xin nghỉ phép vài ngày với lý do bị ốm. Lại không hút. Người thiếu thuốc trầm trọng, lao đao quá. Có lúc mỏi hết cả người, có lúc ngủ gật bất chợt, có lúc mê mê. Kệ, lấy thuốc ra. Lại không hút. Hai ngày hai đêm, thấy xen lẫn giữa cảm giác hẫng hụt, thiếu thốn, quay quắt là chút cảm giác vừa nhè nhẹ, vừa như mình tự phục mình. Ngày thứ ba, ra quán cà phê quen thuộc, lấy thuốc, lấy bật lửa. Không hút. Hết viêm họng rồi, vẫn cương quyết. Tôi nghĩ, phục mình quá, định tự thưởng cho mình rít một hơi, nhưng lại nhớ lời ông già miền quê, nghĩ ông đã bậc nghiện thượng thừa, cao niên mà còn làm được điều vĩ đại. Nghĩ mình đã qua được mấy ngày khốn khó, mấy đêm thức giấc quay quắt, lang thang, quyết tâm, tự nhủ… Thôi, không hút.

Rồi năm ngày cũng trôi qua, sáng hôm đó lên cơ quan, cậu chánh văn phòng chạy ra chào: “Sếp khỏe rồi, mời sếp vào phòng em, trà ngon, thuốc ngoại…”. Thật ngạc nhiên khi thấy có một mùi hôi thuốc từ cậu chánh văn phòng nghiện ngập toát ra… Rồi vài người nữa vào phòng, mỗi người hút thuốc khi nói chuyện có một cấp độ mùi nhất định. Không biết những người không hút thuốc mà thường xuyên ở bên người nghiện thuốc thì cảm thấy thế nào nhỉ?. Chắc cũng như tôi lúc này, không dễ chịu tí nào.

Đón điếu thuốc từ tay cậu chánh văn phòng, Ba số dẹt Singapore. Nói mình đang mệt vì viêm họng, xin chén nước, rồi về phòng. Không hút.

Bạn đọc thân mến! Vậy mà đã tám năm trôi qua kể từ ngày tôi không hút nữa. Khó nhất là tuần đầu tiên không hút. Còn sau đó sẽ dần sang trang mới. Nhẹ nhàng, không phiền toái hay lo sợ, đầu óc vẫn trong veo. Lên 4 kg, sức khỏe phục hồi dần. Gia đình, vợ con, bản thân phấn khởi hẳn. Cơ quan có tuyên dương mấy lần… Nhưng nói rất thật, có đêm tôi vẫn nằm mơ thấy mình rít thuốc. Rất ngon, rất sâu, rồi cũng trong mơ, một cảm giác tự dằn vặt nổi lên. Tại sao vậy nhỉ? Sao đã bỏ ngần ấy năm, ngần ấy công sức, hút lại làm gì??? Mồ hôi túa ra, tỉnh giấc. Trời, may là trong mơ! Có hôm vui quá còn ngâm nga: Hú hồn hú vía nhà ta/Giờ còn hút thuốc thì ra cái gì… Lại tự nhắc mình: Bỏ thuốc là không hút thuốc nữa…

Bạn đọc thân mến! Những điều tôi kể trên là hoàn toàn sự thật, với mong muốn những ai đang nghiện thuốc lá, muốn bỏ, có một trải nghiệm. Những thông tin trên có thể không cần kiểm nghiệm khoa học, nhưng bằng chứng sống là tôi, người đã từng ăn thuốc, ngủ thuốc, từng tuyên bố: “Bỏ gì cũng được riêng thuốc thì không!”, vậy mà tôi đã đoạn tuyệt được hơn tám năm rồi.

Các bạn đang muốn bỏ thuốc, hãy nhớ kỹ: Bạn đã bỏ được một ngày, hai ngày, một tháng, hai tháng, một năm, hai năm… Nếu bạn tặc lưỡi hút lại, chắc chắn bạn sẽ tái nghiện.

Vậy nên: Bỏ thuốc là không hút thuốc nữa.

Ý kiến của bạn

Bình luận