“Bí kíp” giải ngân cao của Bộ Giao thông vận tải

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 02/11/2020 06:36

Kết quả giải ngân cao của Bộ GTVT góp phần đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế mà Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.

Giải ngân 9 tháng vượt mức bình quân cả nước

Trước những khó khăn về tác động của dịch Covid-19 đến nền kinh tế, Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ đã có sự quan tâm đặc biệt đến công tác giải ngân, nhiều chỉ thị, nghị quyết yêu cầu đầy nhanh tốc độ giải ngân vốn năm 2020. Bộ GTVT cũng rất tích cực triển khai và trong những tháng vừa qua, bằng nhiều giải pháp, Ngành đã tăng tốc công tác giải ngân và đã lọt Top bộ, ngành, địa phương có kết quả giải ngân cao trong cả nước. Kế hoạch năm 2020, Bộ GTVT được giao khoảng 39.826 tỷ đồng, gồm 36.122 tỷ đồng vốn trong nước và nước ngoài (trong đó 6.131,4 tỷ đồng vốn nước ngoài, 29.990,8 tỷ đồng vốn trong nước) và 3.704 tỷ đồng theo kế hoạch kéo dài. Thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ, Chỉ thị số 06/CT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ GTVT, các cơ quan tham mưu của Bộ đã tiến hành rà soát, cập nhật kế hoạch giải ngân chi tiết các tháng cuối năm để đảm bảo giải ngân 100% kế hoạch, cũng như đáp ứng các mốc tiến độ giải ngân.

111

Đoạn dẫn từ cầu Thăng Long nối vào cầu cạn Mai Dịch - Dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long. Ảnh: TTX

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, hiện nay Bộ đang kiểm soát tiến độ giải ngân hàng tuần. Mỗi tuần, Vụ Kế hoạch - Đầu tư, các ban QLDA, các đơn vị có liên quan đến công tác giải ngân sẽ tổ chức họp một lần để xem xét tình hình giải ngân của từng ban. Đối với các Thứ trưởng, hai tuần sẽ họp giao ban một lần các dự án do các Thứ trưởng phụ trách. Bên cạnh đó, hàng tháng, toàn ngành GTVT đều tổ chức họp giao ban và rà soát lại tình hình giải ngân. Với cách làm này, hàng tuần đều có số liệu giải ngân của từng cơ quan, đơn vị. Từ đó, lãnh đạo Bộ có điều kiện tập trung chỉ đạo các đơn vị chậm giải ngân, có sự điều chỉnh nguồn vốn, bố trí cho những dự án vướng mắc sang những dự án giải ngân tốt.

Phát biểu tại cuộc họp giao ban tiến độ về công tác giải ngân ngày 23/9, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đánh giá, mặc dù năm 2020 khối lượng công việc lớn nhưng toàn ngành vẫn đạt được mục tiêu đề ra, đặc biệt là vẫn giữ vững vị trí top đầu so với các bộ, ngành và bình quân cả nước. Có được thành quả này là do cán bộ các ban QLDA đã quyết liệt, bám sát các dự án. Các cơ quan của Bộ như Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, Vụ Đối tác công - tư, Vụ Kế hoạch - Đầu tư... và đặc biệt là lãnh đạo Bộ đã điều hành rất sát sao, kịp thời tháo gỡ khó khăn để thực hiện mục tiêu mà Bộ đã đề ra

Không bố trí vốn khi không hoàn thành giải ngân

Theo lãnh đạo Vụ Kế hoạch - Đầu tư, 10 tháng đầu năm, Bộ GTVT giải ngân được 29.190/ 39.826 tỷ đồng, đạt 73,03% kế hoạch cả năm (bình quan trung giải ngân bộ, ngành chỉ đạt 60,3%) 

222

Cao tốc La Sơn - Túy Loan xuyên Vườn quốc gia Bạch Mã. Ảnh: Tấn Lực

Các đơn vị có kết quả giải ngân tốt, vượt kế hoạch gồm: Ban QLDA đường Hồ Chí Minh (vượt 1.088 tỷ đồng, trong đó có 771 tỷ đồng trả BT La Sơn - Túy Loan và hai dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn, Nha Trang - Cam Lâm có tiến độ giải ngân tốt); Ban QLDA 6 (vượt 125 tỷ đồng tập trung chủ yếu công tác giải phóng mặt bằng của Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt); Ban QLDA 2 (vượt 64 tỷ đồng chi trả giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam đoạn QL45 - Nghi Sơn); Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp (vượt 48 tỷ đồng).

Các tháng còn lại năm 2020 cần phải tiếp tục giải ngân 13.248 tỷ đồng (khoảng 33,3%), gồm 10.353 tỷ đồng vốn trong nước và 2.895 tỷ đồng vốn nước ngoài là rất khó khăn do những tháng tới là tâm điểm của mùa mưa bão, bất lợi cho công tác thi công.

Ngoài sự chỉ đạo quyết liệt của các đồng chí lãnh đạo Bộ và các cơ quan tham mưu của Bộ, các chủ đầu tư/ban QLDA cần quan tâm theo dõi, đôn đốc quyết liệt công tác xử lý thủ tục còn tồn đọng (giải phóng mặt bằng, đấu thầu...), đồng thời tranh thủ thời điểm thời tiết thuận lợi để đẩy mạnh thi công thì mới đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ giải ngân 100% kế hoạch theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết số 84/NQ-CP. Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, những ban làm tốt sẽ được bố trí vốn cho năm 2021 và những năm tiếp theo, còn những đơn vị làm không tốt nhất quyết không giao việc.

Đặc biệt, Bộ GTVT cũng gửi thông điệp tới các địa phương: Nếu không hỗ trợ và đảm bảo công tác giải phóng mặt bằng trong năm nay và trong những dự án mà Bộ GTVT đang triển khai thì Bộ sẽ cương quyết không tham mưu Chính phủ bố trí vốn cho những dự án trên địa bàn tỉnh đó, để tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh ý thức được trách nhiệm đồng hành cùng Bộ GTVT hoàn thành những dự án trọng điểm quốc gia.

Ý kiến của bạn

Bình luận