Bến xe Yên Sở được đề nghị chuyển làm bến xe hàng

Ý kiến phản biện 14/10/2018 11:21

Hiệp hội Vận tải ôtô cho rằng, bến xe Yên Sở khai thác chức năng xe khách và bãi đỗ xe là không phù hợp quy định.

 

ben-xe-6015-1539396890
Vị trí xây dựng bến xe Yên Sở nằm sát vành đai 3 thường bị ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Ảnh: Anh Duy. 

Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam vừa kiến nghị UBND Hà Nội về việc quy hoạch, xây dựng bến xe Yên Sở (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Theo Hiệp hội, bến xe Yên Sở nằm cách ngã ba Pháp Vân gần 2 km, cạnh đường gom vành đai 3 và công viên Yên Sở. Khu vực này có nhiều dân cư, cơ sở giáo dục, vì vậy khi bến xe hoạt động với gần 1.000 xe khách mỗi ngày, kèm theo nhiều phương tiện khác như taxi, xe ôm, xe tải thì sẽ gây ùn tắc, ảnh hưởng trật tự an toàn giao thông, môi trường, đặc biệt là tiếng ồn ảnh hưởng đến người dân.

Về quy mô dự án, bến xe khách và bãi đỗ xe với diện tích 34.000 m2, Hiệp hội cho rằng, việc xây dựng bến xe hỗn hợp không phù hợp quy định hiện hành. Theo Luật Giao thông đường bộ, bến xe khách và bến ôtô hàng (bãi đỗ xe) là hai lĩnh vực được xây dựng và tổ chức quản lý khác nhau, có quy chuẩn khác nhau. Việc ghép hai chức năng làm một là không hợp lý.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội, khu vực phía nam Hà Nội hiện chưa có bến xe tải nào, nên cần quy hoạch Yên Sở là bến xe tải phục vụ vận tải hàng hóa như hiện nay.

Ngoài kiến nghị của Hiệp hội Vận tải ôtô, Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và  Phát triển bền vững cũng kiến nghị Thủ tướng và UBND Hà Nội xem xét việc xây dựng bến xe với mục tiêu phát triển bền vững, hài hòa lợi ích của Nhà nước và nhân dân. 

Theo cơ quan này, vị trí quy hoạch dự án bến xe Yên Sở không phù hợp với tiêu chí bền vững, hiện đại của quy hoạch chung Hà Nội. Do bến xe nằm trên vành đai 3, trái với nguyên tắc bố trí các bến xe khách liên tỉnh tập trung tại vành đai 4. 

Cơ quan này kiến nghị Hà Nội làm rõ tính pháp lý của dự án. Bởi đồ án quy hoạch bến xe Hà Nội chưa trình HĐND phê duyệt song dự án xây dựng bến xe đã được phê duyệt, chủ đầu tư đã thi công lấp hồ, san lấp mặt bằng và ép cọc móng công trình.

Quy hoạch bến xe, bãi đỗ trên địa bàn Hà Nội đến năm 2030 xác định Yên Sở là bến xe khách liên tỉnh trung hạn, tuy nhiên, dự án được cấp phép hoạt động 50 năm là chưa hợp lý.

Cũng theo nhận định của Trung tâm Nghiên cứu pháp luật và phát triển bền vững, dự án Bến xe Yên Sở thuộc trường hợp phải đấu thầu chọn nhà đầu tư nhưng lại được chỉ định thầu cho Công ty CP Bến xe Thanh Trì. Trong 3,4 ha đất được thành phố giao cho doanh nghiệp có 0,9 ha thuộc Bến xe tải Thanh Trì cũ phải được đấu giá nhưng nay lại chỉ định thầu mà không qua đấu giá. 

"Việc xây dựng bến xe Yên Sở cần được nhận định lại về tính hợp lý của dự án, nếu không phù hợp thì nên điều chỉnh hoặc hủy bỏ", văn bản kiến nghị nêu.

Giải trình trong văn bản gửi Thủ tướng mới đây, UBND Hà Nội cho biết việc xây dựng bến xe khách Yên Sở là cần thiết. Bến này được quy hoạch là bến khách liên tỉnh trung hạn, trong giai đoạn trước mắt sẽ tiếp nhận xe khách từ bến Giáp Bát và để giảm áp lực giao thông cho quốc lộ 1A hiện nay. Về lâu dài, khi hoàn thành bến xe khách phía Nam ở khu vực Ngọc Hồi - vành đai 4 thì bến xe Yên Sở và bến xe Nước Ngầm sẽ được chuyển đổi chức năng thành đầu mối trung chuyển xe buýt và bãi đỗ xe. 

Về tính pháp lý của dự án, Hà Nội khẳng định dự án chỉ đang giải phóng mặt bằng, sau khi hoàn thành công tác này, UBND thành phố sẽ làm thủ tục cho thuê đất theo quy định của Luật đất đai. 

"Dự án bến xe Yên Sở thuộc diện cần thiết, cấp bách phải triển khai để phân luồng vận tải hành khách, giảm ùn tắc giao thông nội đô", văn bản của Hà Nội nêu. 

Bến xe khách Yên Sở được thiết kế gồm tòa nhà hình tròn 3 tầng, diện tích 2.000 m2, công suất 1.000 xe mỗi ngày. Đây được coi là bến xe khách hiện đại nhất cả nước; khép kín từ khu vực đón trả khách, xếp chỗ chờ đón khách đến khu vực bán vé. Hầu hết công đoạn sẽ tự động hóa, như kiểm soát xe ra, hiển thị thông tin về chuyến xe, giờ xuất bến, cửa đón khách, hay khu vực xe buýt, khu vực taxi.

Ý kiến của bạn

Bình luận