Bến xe khách Thái Nguyên: Ứng dụng công nghệ nâng cao chất lượng phục vụ

Tác giả: Hạ Liên

saosaosaosaosao
21/10/2019 14:24

Ứng dụng công nghệ thông tin có thể mang lại hiệu quả tích cực, bền vững cho công tác quản lý hoạt động tại các bến xe, trong lĩnh vực vận tải.


Bến_xe_trung_tâm_tp_thái_nguyên
Bến xe trung tâm Thành phố Thái Nguyên (Ảnh internet)

Với mục tiêu xây dựng một bến xe tiên phong áp dụng các giải pháp công nghệ tiến tiến, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Công ty Cổ phần Vận tải Thái Nguyên đã áp dụng công nghệ quản lý tiên tiến, hiện đại tại Bến xe khách trung tâm TP. Thái Nguyên từ năm 2016.

Đánh giá về hiệu quả ứng dụng công nghệ hiện đại trong vận hành bến xe từ khi xây dựng hệ thống đến nay, ông Lê Hồng Dương - Giám đốc Bến xe khách trung tâm TP. Thái Nguyên cho biết, hiện nay Bến xe trung tâm là đơn vị tiên phong áp dụng phần mềm “bến xe điện tử” với quy trình quản lý khép kín, nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hành khách và doanh nghiệp vận tải. Cụ thể là tất cả các phương tiện ra - vào bến, bao gồm cả xe tuyến cố định, xe hàng, xe đưa đón người thân đều được kết nối thông tin, quản lý qua hệ thống điện tử. Điều này đảm bảo được tính chính xác, minh bạch và rút ngắn thời gian làm thủ tục hành chính. Theo tính toán, nếu như trước kia thời gian để làm thủ tục cho một xe khách xuất bến phải mất từ 8 - 10 phút thì nay sử dụng thẻ điện tử có tích hợp thông tin về xe và hành trình cùng các thông tin liên quan chỉ mất tối đa 3 phút.

“Tuy nhiên hiện nay, công nghệ này mới đang hoạt động theo hình thức bán tự động. Do đó, thời gian tới, Công ty tiếp tục xây dựng đề án nâng cấp hệ thống hạ tầng, công nghệ thông tin tại bến xe, hướng đến vận hành hoàn toàn tự động, minh bạch hóa các số liệu về các dịch vụ liên quan tới bến xe cho tất cả các bên có liên quan (hành khách, người quản lý doanh nghiệp, cơ quản quản lý nhà nước). Đồng thời, liên kết và chia sẻ thông tin giữa các bến xe do Công ty đang quản lý, nâng cao hiệu quả điều hành và quản lý tập trung. Giảm lượng tiền mặt trong lưu thông, tạo thuận lợi cho đối tác trong vấn đề thanh toán chi phí”, ông Dương nhấn mạnh.

Xây dựng công nghệ hiện đại

Để nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động của bến xe khách và vận tải Thái Nguyên, Công ty Cổ phần Vận tải Thái Nguyên hướng đến áp dụng công nghệ quản lý tự động tiên tiến, hiện đại. Khi đưa công nghệ phần mềm điện tử này vào quản lý, thông tin hoạt động tại bến xe khách sẽ được cập nhật liên tục trong quá trình hoạt động tại bến xe và giữa các bến xe với cơ quan quản lý nhà nước. Phần mềm sẽ tự động tổng hợp, phân tích, xử lý dữ liệu, thống kê báo cáo dữ liệu về hoạt động của từng bến cũng như toàn bộ các bến xe khách. Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Thái Nguyên cập nhật vào hệ thống của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) đầy đủ dữ liệu về cơ sở hạ tầng bến xe trên địa bàn và giám sát quá trình hoạt động của bến.

Theo đó, Sở GTVT tỉnh Thái Nguyên và Tổng cục ĐBVN sẽ có cơ sở dữ liệu về chất lượng dịch vụ vận tải; an toàn giao thông; hoạt động của bến xe; tích hợp, phân tích các dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của các phương tiện; tiếp nhận thông tin phản ánh của hành khách; cung cấp các dữ liệu về tuyến vận tải, đơn vị vận tải, chất lượng dịch vụ, giá cước để hành khách tham khảo, lựa chọn khi có nhu cầu. Các thông tin về bến xe, hành trình giúp cho các đơn vị vận tải lựa chọn, xây dựng phương án chạy xe hợp lý, an toàn.

Như vậy, việc triển khai áp dụng công nghệ điện tử vào quản lý hoạt động tại bến xe sẽ giúp công khai, minh bạch trong tổ chức hoạt động của bến xe khách, phục vụ tốt cho công tác kiểm tra hoạt động của bến xe; đồng thời tạo thuận lợi cho hành khách đi xe tra cứu, tìm hiểu các thông tin cần thiết mỗi khi có nhu cầu di chuyển bằng xe khách.

hinh-anh-ben-xe-thai-nguyen-moi
Hệ thống quản lý xe vào ra bến xe sử dụng phần mềm quản lý bãi xe thông minh (Ảnh bienbac)

Thanh toán điện tử, minh bạch tài chính

Với ứng dụng công nghệ tự động, hệ thống thu ngân đối với xe khách đến thanh toán sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử, khách hàng đến thanh toán tháng cho xe khách lựa chọn dịch vụ thanh toán trên màn hình thanh toán. Tiếp đó, khách hàng tìm kiếm xe khách cần thanh toán dịch vụ, sau khi lựa chọn xe khách thanh toán dịch vụ. Hệ thống hiển thị danh sách các loại phí cần thanh toán để khách hàng kiểm tra lại thông tin và số tiền sau đó tiến hành chọn thanh toán. Hệ thống hiển thị mã QR của chức năng thanh toán điện tử và khách hàng sử dụng ví điện tử trên điện thoại thông minh để thanh toán dịch vụ. Cuối cùng, hệ thống xác nhận thanh toán thành công và in phiếu thu cho khách hàng.

Còn đối với khách hàng đến thanh toán sử dụng dịch vụ thanh toán tự động, khách hàng đến thanh toán cho xe khách lựa chọn dịch vụ thanh toán theo lượt trên màn hình thanh toán. Khách hàng tìm kiếm xe khách cần thanh toán dịch vụ và sau khi lựa chọn xe khách thanh toán dịch vụ. Hệ thống hiển thị danh sách các loại phí cần thanh toán để khách hàng kiểm tra lại thông tin tiến hành chọn thanh toán. Hệ thống hiển thị tổng số tiền cần thanh toán trên màn hình. Khách hàng đưa tiền vào khay nhận tiền đến khi số tiền lớn hơn hoặc bằng số tiền tổng cần thanh toán. Khi nhận đủ số tiền hệ thống sẽ thông báo số tiền còn dư của khách hàng. Hệ thống xác nhận thanh toán thành công, trả lại tiền dư và in phiếu thu cho khách hàng.

Có thể thấy, khi bến xe ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý các hoạt động của mình thì mọi số liệu về các nguồn thu, các khoản chi phí sẽ được cập nhật liên tục và thể hiện chi tiết trong phần mềm; các dữ liệu đầu ra được tự động xử lý trên cơ sở dữ liệu đầu vào mà không cần có sự can thiệp của con người; do đó, các số liệu sẽ đảm bảo tính chính xác và khách quan hơn. Điều này tạo thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước đối với các vấn đề liên quan đến tài chính trong doanh nghiệp; giúp minh bạch hóa thông tin trong doanh nghiệp.

Với việc ứng dụng các thành tựu mới nhất của công nghệ thông tin, việc vận hành, quản lý hoạt động giao thông vận tải nói chung từng bước được nâng cao đáp ứng nhu cầu phát triển, đưa lại lợi ích cho các bên liên quan. Hơn nữa, Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử đã giao Bộ GTVT nhiệm vụ: Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hạ tầng, tổ chức điều hành giao thông, thu phí không dừng, giám sát và xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông trên phạm vi toàn quốc. Do đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ là xu thế tất yếu mà các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực có liên quan đến giao thông vận tải sẽ phải thực hiện trong tương lai. 

Ý kiến của bạn

Bình luận