“Bến cóc” cả nghìn m2 tồn tại cạnh bến xe Nước Ngầm

Tác giả: Hiểu Lam

saosaosaosaosao
29/06/2019 10:13

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định, không có chuyện thành phố buông lỏng mà tới đây sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng xe "dù", bến "cóc".


Thời gian gần đây, tại khu đô thị Pháp Vân (Hoàng Mai, Hà Nội) tiếp tục trở thành điểm nóng về tình trạng “xe dù, bến cóc”. Đều đặn mỗi ngày, hàng chục phương tiện vận tải chạy tuyến Hà Nội - Nghệ An - Huế - Đà Nẵng - Gia Lai ngang nhiên đón trả khách sai quy định gây náo loạn khu dân cư.

Qua ghi nhận của phóng viên, địa điểm của “bến cóc” là bãi đất trống thuộc dự án ký túc xá sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp với diện tích khoảng 2.000m2. Hàng ngày, ở đây luôn có nhiều xe khách 30 chỗ và 45 chỗ “trưng biển” đi các tỉnh Gia Lai, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Nghệ An...

2CB8F01A-B060-424F-B57E-4FDE8E241344.
 

 

577F39FA-4DB0-4640-8899-080B35A73392.

Các hãng xe khách đường dài ngang nhiên ra vào “bến cóc” để đón trả khách sai quy định.

Sau khi Tạp chí GTVT đăng tải bài viết “Hé lộ ‘tác giả’ khiến KĐT Pháp Vân ‘bội thực’ xe dù, bến cóc”, Phòng CSGT TP Hà Nội đã chỉ đạo Đội CSGT số 14 thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 69 của Phòng CSGT về “tăng cường bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, phòng ngừa TNGT trên địa bàn thành phố”. Bên cạnh đó chủ động phối hợp có hiệu quả với Công an quận Hoàng Mai và Thanh tra GTVT quận Hoàng Mai trong việc kiểm tra, xử lý các trường hợp xe khách vi phạm.

Kết quả, từ ngày 28/5 đến ngày 15/6/2019, Đội CSGT số 14 đã xử lý 95 trường hợp vi phạm (các lỗi dừng đỗ xe không đúng nơi quy định, đón trả khách sai quy định), tước 17 giấy phép lái xe…

Tuy nhiên, ngày 28/6, theo ghi nhận của PV Tạp chí GTVT, tình trạng các phương tiện đón trả khách sai quy định quanh khu đô thị Pháp Vân vẫn rất phổ biến. Đáng lưu ý, cách đó không xa gần sân bóng Pháp Vân xuất hiện thêm 1 “bến cóc” mới là nơi trông giữ xe và tập kết của nhiều phương tiện xe khách. Sau khi ra khỏi khu vực này, các những phương tiện xe khách gắn biển chạy tuyến cố định ngang nhiên đón trả khách phía bên ngoài đường tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

FD7AB5D7-4A2D-48F8-A0EE-A0601EF4DB10.
 

 

5E41F470-CC7D-4950-82F2-8F4B5FF9DA10.
”Bến cóc” diện tích 6.000 mét vuông hoạt động rầm rộ cả ngày lẫn đêm tại lô đất dự án vườn hoa Pháp Vân (cạnh sân bóng Pháp Vân)

Qua tìm hiểu, “bến xe” này không phép, không quy hoạch, không phòng cháy, chữa cháy, không bảo hiểm, không hợp đồng. Nhiều lúc bãi không còn chỗ đậu, xe khách đậu ra cả lòng đường, vỉa hè gây cản trở giao thông.

Ông Lê Ngọc Sơn (sinh sống tại BT6 Pháp Vân) cho biết: “Bất chấp quy định, các xe khách ngang nhiên lưu thông ra vào các tuyến đường nội bộ trong khu dân cư trả khách, trả hàng gây nguy hiểm cho cư dân. Nhất là vào thời điểm chiều tối và gần sáng, tài xế và phụ xe liên tục nổ máy gây ồn ào, xả khói đen vào nhà dân”. Theo ông Sơn, “bến xe“ này hoạt động là do một chủ “đầu nậu” từ nơi khác dạt về đây thuê đất và đứng ra cho đỗ xe, rửa xe có thu phí. Người dân đã nhiều lần phản ánh đến các cơ quan chức năng quận Hoàng Mai, song không hiểu vì lý do gì, “bến xe” này vẫn tồn tại.

 

FC7C3D63-C031-4158-8A82-6FF64CFB911D.

Hãng xe Minh Mập tuyến Hà Nội - Huế không rõ được lực lượng nào bảo kê mà hàng ngày ngang nhiên lập bến cóc tại nhà máy nước Pháp Vân đón, trả khách?

 

7FBCA9EF-70A8-47FB-AEE1-C5BAA7F94340.
Các phương tiện dừng chờ đón trả khách, bốc xếp hàng hóa gây mất an ninh trật tự và mỹ quan đô thị. Ảnh chụp ngày 28/6

Cũng theo ghi nhận của PV tại khu đô thị Pháp Vân, đều đặn mỗi ngày, các xe khách mang thương hiệu Minh Mập (tuyến Hà Nội - Huế), xe khách Ngọc Ánh (tuyến Hà Nội - Đà Nẵng), xe khách Sự Chuyên, Cúc Mừng (tuyến Hà Nội - Nghệ An), xe khách Việt Khánh (tuyến Hà Nội - Hà Tĩnh) vô tư ra vào “bến cóc” để đón trả khách sai quy định.

Về phía lãnh đạo phường Hoàng Liệt xác nhận, tình trạng “xe dù, bến cóc” hoạt động tại khu đô thị Pháp Vân đang là nguyên nhân chính làm gia tăng tai nạn giao thông và phá nát hệ thống đường sá, ảnh hưởng đến dân cư. Khi hỏi về hướng xử lý, lãnh đạo phường Hoàng Liệt trả lời chung chung rằng: “Để làm được điều này, cần có sự vào cuộc tích cực và đồng bộ từ các cơ quan chức năng của quận, thành phố…”.

Trao đổi với chúng tôi về thực trạng “xe dù, bến cóc” trên địa bàn Hà Nội, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện khẳng định, không có chuyện thành phố buông lỏng mà tới đây sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng xe "dù", bến "cóc", xe chạy sai luồng tuyến.

Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, riêng 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng Thanh tra Sở đã kiểm tra, xử phạt trên 3.300 trường hợp xe khách vi phạm; phạt tiền trên 4 tỷ đồng, tạm giữ 66 xe vi phạm; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe đối với 493 trường hợp và tước phù hiệu 68 phương tiện. Trong tổng số xe khách bị xử lý nói trên có 994 xe hợp đồng.

CF04C67C-FFF4-4E24-96A3-36DAD32A14CC.
 

 

EF67C1A8-887C-42E7-92BC-B57F8CF7CECF.
Vào các khung giờ cao điểm buổi sáng, các xe khách dàn hàng ngang bên ngoài khu vực “bến xe” trả hàng hoá, gây ùn tắc giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

“Trước mắt, Sở Giao thông Vận tải đã chỉ đạo lực lượng thanh tra phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức rà soát các đơn vị, doanh nghiệp, các tuyến đường, khu vực phức tạp để có giải pháp xử lý hiệu quả...”, ông Viện nhấn mạnh.

Trước vấn nạn nhức nhối trên, trong tháng 4 vừa qua, tại buổi làm việc giữa Bộ GTVT và Uỷ ban ATGT quốc gia về xử lý “xe dù, bến cóc”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu: thành lập 3 đoàn kiểm tra thanh tra liên ngành để xử lý xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình; trong đó phải xây dựng một kế hoạch cụ thể, phân công rõ thành viên, thông báo rõ nội dung kiểm tra.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng cho rằng, không thể lấy lý do chưa có hành lang pháp lý mà thiếu xử lý chặt chẽ. Chỉ cần các cán bộ địa phương, cơ quan chuyên ngành cứ quyết liệt, truy tận gốc vấn đề. Không cần làm nhiều, chỉ cần làm vài điểm thật mạnh, thật nghiêm, “không cưỡi ngựa xem hoa”, thì chắc chắn là vi phạm sẽ giảm.

Xe dù chứ có phải cái kim đâu mà giấu được

Liên quan đến thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Thanh - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nêu rõ: Điều 45 Thông tư 63/2014/TT-BGTVT của Bộ GTVT quy định: “Các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe chỉ được đón, trả khách tại các địa điểm đã ghi trong hợp đồng và thu cước vận tải theo giá trị hợp đồng đã ký kết; không được bán vé, thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức…”.

“Nếu không có sự bao che, phớt lờ của Thanh tra giao thông, chính quyền địa phương thì không “bến cóc” nào có thể tồn tại trong thời gian dài. Không xe nào có thể “chạy dù”, vì “bến cóc” và những chiếc xe to lù lù, buộc phải đi trên đường, có giám sát hành trình chứ có phải cái kim nhỏ xíu đâu mà giấu được cơ quan chức năng?”, ông Thanh nhấn mạnh.

Tạp chí Giao thông vận tải sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Ý kiến của bạn

Bình luận