Bắt đầu xử lý dioxin ở sân bay Biên Hòa

Xã hội 06/12/2019 06:25

Dự án xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa sẽ thực hiện trong 10 năm với số tiền 390 triệu USD, do chính phủ Mỹ hỗ trợ.

 

DSC02610-JPG-2491-1575525164
Các chuyên gia nước ngoài đo đạc mức độ nhiễm dioxin ở sân bay Biên Hoà sáng 5/12. Ảnh: Phước Tuấn.

Ngày 5/12, Bộ Quốc phòng bàn giao 37 hecta tại phía Tây sân bay Biên Hòa cho Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) để xử lý 500.000 m3 đất nhiễm dioxin.

Với sự hỗ trợ của chuyên gia hai nước, các đội thi công đã quan trắc, đo đạc để lên phương án triển khai dự án. Mục tiêu đầu tiên là loại bỏ nguy cơ rò rỉ thêm dioxin ra bên ngoài sân bay, phối hợp với chính quyền Đồng Nai để làm sạch các khu vực ngoài sân bay. Sau đó họ sẽ xử lý và cô lập đất nhiễm dioxin.

Chính phủ Mỹ đã cam kết khoản kinh phí 390 triệu USD để khôi phục môi trường, dự kiến hoàn thành trong 10 năm với hai giai đoạn, trong đó giai đoạn một đến năm 2025 sẽ xử lý 150.000 m3 đất.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Quốc phòng phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ dự án với mục tiêu chung là bảo đảm chất lượng, an toàn và hiệu quả.

"Đặc biệt trong quá trình triển khai cần chú ý đảm bảo các biện pháp an toàn, phòng tránh phơi nhiễm dioxin của các công nhân thi công, bộ đội, người dân địa phương", Phó thủ tướng nói tại lễ khởi công.

Sân bay Biên Hòa từng là căn cứ chủ chốt của quân đội Mỹ, dùng để chứa chất diệt cỏ và phục vụ chiến dịch phun rải chất độc hóa học tại chiến trường miền Nam Việt Nam. Từ tháng 12/1969 đến tháng 3/1970, nơi đây đã xảy ra bốn vụ tràn chất độc hóa học từ các bể chứa với 2.500 lít chất trắng và 25.000 lít chất da cam rò rỉ ra bên ngoài. Giới chuyên gia đánh giá khu vực này là nơi nhiễm chất độc dioxin nặng nhất, lâu nhất và lớn nhất trên thế giới. 

Cùng ngày, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ đã ký thỏa thuận với Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường về việc hỗ trợ cho người khuyết tật 8 tỉnh 65 triệu USD. Số tiền này để cung cấp các dịch vụ chăm sóc trực tiếp, tăng cường năng lực cho hệ thống dịch vụ phục hồi chức năng và phát triển các dịch vụ xã hội ở cấp cộng đồng cho người khuyết tật.

Ý kiến của bạn

Bình luận