Bão Tembin di chuyển khó lường: Cục ĐTNĐ Việt Nam cấm tàu thuyền xuất bến

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 24/12/2017 16:09

Cục ĐTNĐ Việt Nam chỉ đạo các đơn vị thu hồi các biển báo hiệu, yêu cầu tạm ngưng thi công các công trình, không cấp phép rời bến....


IMG_0553
Cuộc họp giữa Cục ĐTNĐ với đại diện các đơn vị tại Tiền Giang để phối hợp phòng chống bão

Trong sáng nay, Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam cho biết đã gửi công điện khẩn số 2969/CĐ – CĐTNĐ, cho Chi Cục Đường thuỷ Nội địa phía Nam, Cảng vụ đường thuỷ nội địa khu vực III, IV, Các Công ty CP QLBTĐTNĐ số 10,11,12,13,14 và 15, Các Sở GTVT: từ Quảng Nam đến Cà Mau nhanh chóng triển khai lực lượng, triển khai công tác phòng chống trước khi cơn bão Tembin (bão số 16) đổ bộ vào đất liền.

Tại cuộc họp khẩn diễn ra Tiền Giang, ông Phan Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Đường thủy Nội địa thuộc Bộ Giao thông Vận tải cho biết “Hiện nay cơn bão số 16 đang đổ bộ vào Miền Nam với nhiều diễn biến phức tạp, đây được đánh giá là một trong những cơn bão rất mạnh, trước khi vào Biển Đông đã càn quét qua đảo Pa-La-oan, Philippin gây thiệt hại lớn. Trước tình hình trên, Bộ Giao thông Vận tải đã có những chỉ đạo nhanh chóng cho các đơn vị trực thuộc sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 16.

Cục ĐTNĐ yêu cầu Chi cục ĐTNĐ phía Nam rà soát, kiểm tra lại toàn bộ các Sở và đơn vị xem đã nhận được công điện của Cục. Chỉ đạo các lực lượng thanh tra phân công với từng địa bàn, các công ty quản lý bảo trì để kiểm tra chặt chẽ từng khu vực. Yêu cầu các đơn vị không được chủ quan, và phải gửi báo cáo, cập nhật tin tức liên tục. Đồng thời xử lý nghiêm các doanh nghiệp, đơn vị không chấp hành luật giao thông đường thuỷ. Đặc biệt không cấp phép cho các tàu, bến tàu di chuyển vào tâm bão. Các đơn vị công ty quản lý bảo trì cần thu hồi các biển báo hiệu tại các ngã ba sông. Yêu cầu tạm ngưng thi công các công trình nạo vét, xây dựng....trên các luồng tuyến. Các tổ chức kinh doanh nhà hàng, hoạt động bến bão trong khu vực bão di chuyển.”

IMG_8073
Yêu cầu dừng cấp phép rời bến cho các phương tiện trên địa bàn 

Bên cạnh đó, nhằm chủ động đối phó với diễn biến phức tạp của cơn bão số 16, Cục ĐTNĐ yêu cầu các đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến di chuyển của bão, trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động phòng tránh. Triển khai các phương án, biện pháp bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; bảo vệ nhà trạm, trang thiết bị, kho tàng, nhà cửa, phương tiện, báo hiệu, tính mạng cho cán bộ công nhân viên trong các đơn vị ... hạn chế tối thiểu những thiệt hại do mưa, bão gây ra. Bố trí nhân lực, vật tư, phương tiện sẵn sàng tham gia tìm kiếm cứu nạn. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn quản lý triển khai các phương án cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Cảng vụ đường thuỷ nội địa khu vực, đội thanh tra an toàn, các công ty quản lý bào trì phía Nam trong phạm vi được giao quản lý, tăng cường chủ động công tác phòng chống bão, lũ lụt, lũ quét có thể xẩy ra, đặc biệt tuyến sông, kênh vùng núi, đảm bảo an toàn cho con người, phương tiện, hệ thống báo hiệu, nhà trạm... Đôn đốc các đơn vị thực hiện nghiêm túc việc triển khai phương án điều chỉnh, thu hồi neo buộc hệ thống báo hiệu, công tác điều tiết hướng dẫn đảm bảo giao thông tại vị trí đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt, chủ động trong công tác kiểm tra các vị trí trọng yếu trên tuyến đường thuỷ nội địa quốc gia, đặc biệt các công trình cầu bắc qua sông để có phương án xử lý kịp thời.

Phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, tuyên truyền hoạt động bến khách ngang sông, yêu cầu dừng hoặc tạm dừng hoạt động đối với bến không đủ điều kiện an toàn, đặc biệt trong thời gian bão lũ. Khi có bão, lũ phải kịp thời khuyến cáo, hướng dẫn chủ phương tiện; trường hợp cần thiết tạm thời không cấp giấy phép rời cảng, bến đối với những phương tiện hoạt động trên các tuyến đường thuỷ nội địa đang xẩy ra bão, lũ. Các đơn vị phải thực hiện công tác bảo trì, công tác điều tiết khống chế, chống va trôi trên các tuyến đường thuỷ nội địa quốc gia…

Cũng theo ghi nhận của phóng viên, trước những chỉ đạo sát sao trên, Chi Cục Đường thuỷ Nội địa phía Nam cũng đã huy động nhiều lực lượng trực tiếp xuống hiện trường để rà soát lại mọi công tác về di chuyển phương tiện, phương pháp phòng tránh bão. Một số cuộc họp đã nhanh chóng được tổ chức để phổ biến các nội dung công tác phòng tránh bão, bảo vệ người dân và tài sản.

Trong chiều 24/12, đơn vị công tác của Cục ĐTNĐ đã di chuyển về tỉnh Sóc Trăng và phối hợp với địa phương họp khẩn về công tác phòng chống bão, sau đó sẽ di chuyển xuống Bạc Liêu, Cà Mau, nơi dự kiến tâm bão sẽ đổ bộ.

Ý kiến của bạn

Bình luận