Báo động cầu Thanh Trì tai nạn và ùn tắc nóng nhất Hà Nội

Tác giả: Nhóm PV

saosaosaosaosao
17/11/2020 08:28

Sau 13 năm sử dụng, cầu Thanh Trì xuống cấp cùng với bất cập trong phân luồng giao thông đang trở thành 'điểm đen' ùn tắc và TNGT nóng nhất Hà Nội

20201116_233313
THGT khiến giao thông ùn tắc hàng giờ đồng hồ

Ám ảnh cây cầu "tử thần"

Do cầu Thanh Trì nằm trên đường Vành đai 3 nên phần lớn lượng phương tiện từ các tỉnh phía Nam ra, phía Tây Bắc vào và qua Hà Nội đều đi qua cây cầu này. 

Theo thống kê, trung bình mỗi ngày lưu lượng phương tiện qua cầu Thanh Trì lên đến 121.000 xe/ ngày đêm. So với lưu lượng thiết kế ban đầu khoảng 15.000 xe/ngày đêm, lưu lượng qua cầu vượt khoảng 8 lần. 

Sau 13 năm đưa vào sử dụng, đến nay, mặt cầu Thanh Trì đã hư hỏng, xuống cấp và trở thành điểm đen ùn tắc và TNGT. 

Theo đó, tính từ tháng 12/2018 đến tháng 4/2020, trên cầu Thanh Trì đã xảy ra 33 vụ tai nạn, làm chết 8 người, bị thương 14 người, trong đó 19 vụ liên quan đến làn đường hỗn hợp dành cho ô tô con và xe môtô xe máy. 

Hiện mặt đường hư hỏng, hằn lún vệt bánh xe; hệ thống dải phân cách cứng của cầu Thanh Trì cũng đang xuống cấp trầm trọng, các thanh rào chắn cong queo, chỗ thừa, chỗ thiếu, nhiều trụ bê tông phân cách nứt nẻ, xộc xệch. Cùng đó, hệ thống vạch sơn phân làn trên cầu hầu hết đã mờ, thậm chí biến mất, ảnh hưởng không nhỏ đến mỹ quan và công tác đảm bảo an toàn trên cây cầu trọng điểm của Thủ đô. 

PicsArt_11-16-11.25.04
Tình trạng ô tô tự ý tháo dải phân cách, quay đầu đi ngược chiều trên cầu diễn ra phổ biến. Đây là nguyên nhân gây mất ATGT, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn - Ảnh: Nhị Hà

Trong các ngày trung tuần tháng 11, PV Tạp chí GTVT ghi nhận tình trạng mất an toàn giao thông trên cầu Thanh Trì là do lượng xe container, xe bồn, xe tải... lưu thông tấp nập suốt ngày đêm. Một số lái xe tải, xe khách bất chấp biển báo cấm ngang nhiên phóng nhanh, vượt ẩu trên làn đường hỗn hợp gây nguy hiểm cho người đi xe máy.  

Chia sẻ với Tạp chí GTVT, anh Lê Xuân Tiến, một người hành nghề xe ôm khu vực chân cầu Thanh Trì cho biết, tình trạng xe chở vật liệu và xe tải hạng nặng xuất hiện thường xuyên trong làn hỗn hợp của cầu Thanh Trì. “Nhất là vào giờ cao điểm, làn dành riêng cho ô tô ken kín là các xe lại tìm cách len vào các làn còn lại. Đi dưới những chiếc ô tô chở vật liệu gầm cao, xe máy chỉ cần sơ sảy, thiếu quan sát là có thể bị cuốn vào gầm bất cứ lúc nào”, người này nói. 

"Làn hỗn hợp cấm xe tải, nhưng mình thấy xe khổ lớn như container, xe ben lưu thông vào, rất nguy hiểm, mình chứng kiến mấy vụ tai nạn rồi. Để hóa giải tai nạn giao thông chỉ còn cách thu hẹp làn xe máy là hợp lý nhất, chỉ đủ xe máy đi thôi là an toàn", anh Tiến nói. 

Hướng hóa giải ùn tắc và TNGT trên cầu Thanh Trì

Ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, cầu Thanh Trì nằm trên trục Vành đai 3, là tuyến giao thông huyết mạch kết nối các phương tiện giao thông từ QL1A, QL5, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng nên có mật độ giao thông rất cao. Cầu được Bộ GTVT thiết kế, xây dựng và bàn giao cho TP Hà Nội quản lý từ năm 2013. Cầu có chiều dài 3km, mặt cắt ngang rộng 33m, được chia thành hai chiều riêng biệt bằng dải phân cách cứng. Hiện, Sở GTVT tổ chức giao thông trên cầu 2 làn dành riêng cho ô tô lưu thông với tốc độ tối đa 80km/h; 1 làn hỗn hợp cho ô tô con và xe máy lưu thông hỗn hợp với tốc độ tối đa 50km/h. 

"Với mật độ phương tiện giao thông qua cầu rất lớn như hiện nay, qua quá trình khai thác cầu Thanh Trì nhiều lần xuất hiện hư hỏng. Từ khi tiếp nhận đến nay, Sở GTVT nhiều lần phải thực hiện duy tu, sửa chữa để khắc phục các hư hỏng, nhất là tình trạng hằn lún vệt bánh xe trên mặt cầu. Hà Nội cũng tiến hành thay thế 24/28 khe co giãn cao su”, ông Tuấn nói. 

20201116_232211

Hệ thống dải phân cách cứng của cầu Thanh Trì cũng đang xuống cấp trầm trọng, các thanh rào chắn cong queo, chỗ thừa, chỗ thiếu, nhiều trụ bê tông phân cách nứt nẻ, xộc xệch - Ảnh: Nhị Hà

Liên quan đến việc cầu Thanh Trì thường xuyên ùn tắc, quá tải, theo chuyên gia giao thông, nguyên nhân do Hà Nội chưa xây dựng đủ cầu theo qui hoạch. 

Trong khi đó, cầu Thanh Trì nằm trên đường Vành đai 3 nên phần lớn lượng phương tiện từ các tỉnh phía Nam đến và qua Hà Nội đều đi qua cây cầu này. 

Ngoài ra, các tuyến đường Vành đai 4, 5 của Hà Nội chưa được thực hiện đã áp lực giao thông dồn lên các tuyến hiện hữu như Vành đai 3 - cầu Thanh Trì. 

Để giảm tải cho cầu Thanh Trì, Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện nút giao thông cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với Vành đai 3. Khi hoàn thiện, phương tiện từ nút giao này có thể đi thẳng về đường Cổ Linh hướng về cầu Vĩnh Tuy. 

Song song với đó, Hà Nội tập trung nguồn lực quy hạch và xây dựng cầu Trần Hưng Đạo bắc qua  sông Hồng. Đây là cây cầu nối thẳng với đường Cổ Linh. Như vậy, nếu cầu được xây dựng và nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với Vành đai 3 hoàn thiện thì phương tiện sẽ có thêm con đường kết nối với nội đô.

Ngoài cầu Trần Hưng Đạo, Hà Nội sẽ xây dựng cầu Ngọc Hồi nối Vành đai 3,5. Hiện tại, Vành đai 3,5 đang là tuyến đường trọng điểm (đang xây dựng đoạn qua Hoài Đức và hoàn thiện một phần qua Hà Đông) nhằm giảm tải cho Vành đai 3. 

Như vậy, với cầu Ngọc Hồi, phương tiện từ cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ có thể di chuyển qua Vành đai 3,5 để đi Hưng Yên thay vì đi qua cầu Thanh Trì như hiện tại. 

Để hóa giải "nút thắt" giao thông tại cầu Thanh Trì thì mới đây, Cục CSGT nhiều lần đề xuất điều chỉnh lại phương án tổ chức giao thông trên cầu Thanh Trì. Cụ thể: bố trí mặt cầu thành 3 làn đường dành cho xe ô tô và 1 làn đường dành cho xe mô-tô, có dải phân cách mềm giữa làn xe ô tô và xe mô-tô; điều chỉnh tốc độ tối đa cho phép tại làn xe ô tô từ 80km/h xuống 60km/h; điều chỉnh hệ thống vạch kẻ đường, biển báo hiệu cho phù hợp; thường xuyên tiến hành duy tu, bảo trì mặt cầu, khe co giãn, hệ thống đèn chiếu sáng, camera giám sát… 

Ở một góc nhìn khác, TS. Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường VN cho rằng, sau 8 năm đưa cầu Thanh Trì vào khai thác, đến nay, lưu lượng phương tiện tăng cao… đã đến lúc cơ quan quản lý nhà nước cần thống kê lưu lượng xem đã cần lập dự án mới chưa. Tuổi dự án đã hết thì phải xem xét, đánh giá lại. 

"Cần xem xét việc cấm xe 2 bánh lên cầu Thanh Trì và làm cầu mới riêng cho loại phương tiện này. Bên cạnh đó, các nút giao thông ở hai đầu cầu cũng cần phải được nghiên cứu xem có cần cải tạo gì để các xe lên/xuống cầu được thuận lợi, gải tỏa ách tắc giao thông", Theo TS. Long đề xuất. 

Ý kiến của bạn

Bình luận