Báo chí là kênh thông tin, “bạn đồng hành” doanh nghiệp

Tác giả: Cao Hà

saosaosaosaosao

Như một “mối lương duyên”, báo chí thực sự là người “bạn đồng hành” của doanh nghiệp, chia sẻ những khó khăn với doanh nghiệp, cổ vũ những sáng tạo, phê phán những trở ngại, “rào chắn” đối với quá trình sản xuất, kinh doanh.

12

Sát cánh cùng doanh nghiệp

Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, là đối tác thương mại của hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ, vai trò của báo chí càng trở nên quan trọng, là cầu nối thông tin giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước và giữa doanh nghiệp với người dân.

Trong mối quan hệ cầu nối giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước, báo chí cung cấp thông tin đến doanh nghiệp, từ đó thu thập, đưa ra cơ sở khoa học, thực tiễn, hợp lý hay bất cập đối với các quyết sách khi đi vào thực tế. Từ đó, các cơ quan quản lý nhà nước thay đổi, điều chỉnh những chính sách sao cho hợp lý, phù hợp với thực tiễn. Mặt khác, thông qua báo chí, các doanh nghiệp có thể chia sẻ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế trong quá trình sản xuất kinh doanh, giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt kịp thời để loại bỏ chính sách lạc hậu, xây dựng quy chế mới thiết thực hơn.

Còn ở khía cạnh là cầu nối doanh nghiệp với người dân, báo chí cung cấp thông tin, dữ liệu về sản phẩm, vật dụng, dịch vụ của doanh nghiệp một cách nhanh nhạy, kịp thời và đa chiều cho nhân dân, giúp người dân có thể đưa ra sự lựa chọn phù hợp nhất với họ. Cũng nhờ vào vai trò này, báo chí lại trở thành kênh chính thống quảng bá thương hiệu, sản phẩm cho doanh nghiệp. Có thể nói, một khối lượng thông tin khổng lồ được cập nhật trên truyền hình, báo in, báo điện tử, đài phát thanh chính là cầu nối giúp doanh nghiệp truyền tải thông tin đến bạn đọc, xây dựng thương hiệu một cách hữu hiệu nhất. Đối với doanh nghiệp, vai trò của báo chí quả thật rất quan trọng bởi đây là kênh thông tin lớn nhất trong cộng đồng, có sức lan tỏa nhanh và đáng tin cậy.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, báo chí với doanh nghiệp là quan hệ cộng sinh. Báo chí tiên phong trong lĩnh vực văn hóa, doanh nghiệp tiên phong trên mặt trận kinh tế. Chính vì vậy, việc báo chí tập trung công sức, bài vở và tâm huyết vào doanh nghiệp là điều dễ hiểu và ngược lại. Không chỉ vậy, báo chí còn là người chia sẻ buồn vui cùng doanh nghiệp, là “cánh chim” báo tin khi doanh nghiệp gặp niềm vui và là nơi chia sẻ cùng doanh nghiệp khi doanh nghiệp gặp nỗi buồn. Khi doanh nghiệp gặp oan sai, doanh nghiệp sẽ tìm đến báo chí để “đánh trống” kêu oan.

Phải luôn khách quan và công tâm

Trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế đất nước, sự kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa báo chí và doanh nghiệp là không thể thiếu được. Báo chí và doanh nghiệp cần phải cởi mở với nhau, tin cậy, tôn trọng nhau cùng một mục tiêu chung là tất cả vì lợi ích của cộng đồng. Doanh nghiệp cần cung cấp thông tin chính thống, báo giới cần khách quan và linh hoạt trong việc đưa thông tin chính xác đến với công chúng.

123451

Mặc dù là người “bạn”, luôn sát cánh và đồng hành cùng doanh nghiệp nhưng khi doanh nghiệp cố tình vi phạm pháp luật, gây hại đến quyền lợi của người dân và lợi ích quốc gia thì báo chí lập tức lên tiếng, đưa ra ánh sáng. Thời gian qua, với chức năng giám sát và phản biện xã hội, báo chí đã không ngừng phanh phui những doanh nghiệp sai phạm về kinh doanh, gian lận trốn thuế, “bóc lột” công nhân… Gần đây nhất, báo chí đã làm sáng tỏ vụ việc một tập đoàn chuyên sản xuất kinh doanh đồ điện tử gia dụng giá bình dân trốn thuế, giả mạo bằng chứng công nghệ, nhập hàng hóa Trung Quốc về dán thương hiệu tập đoàn sản xuất lừa người tiêu dùng. Ngay khi báo chí phanh phui vấn đề này, lực lượng chức năng đã vào cuộc quyết liệt, xử phạt đơn vị và truy thu tiền thuế lên đến 68 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực thì hiện nay vẫn còn tồn tại thực trạng không ít nhà báo lợi dụng vị thế, vai trò của mình để trục lợi, phản ánh vô căn cứ, thổi phồng sự việc để đe dọa doanh nghiệp với mục đích làm quảng cáo, “làm tiền” doanh nghiệp. Đây là những “con sâu làm rầu nồi canh” và cần bị xử lý, trừng trị nghiêm khắc.

Nhìn từ hai góc độ hỗ trợ và phản ánh sai phạm của doanh nghiệp, yêu cầu đặt ra với báo chí là luôn phải khách quan và công tâm để đảm bảo thông tin đưa ra trung thực, chính xác, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phát triển cũng như bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, lợi ích quốc gia.

Ý kiến của bạn

Bình luận