Bánh Cáy làng Nguyễn: Tấm lòng thơm thảo của người dân quê lúa

Tác giả: Trần kim

saosaosaosaosao
Xã hội 12/02/2016 07:14

Thái Bình tự hào là cái nôi của nghệ thuật múa rối nước VN và món bánh cáy nổi tiếng với hương vị đậm tình quê là sản vật tiến Vua.

20151117_103010
Bánh cáy làng Nguyễn

 Một thời… sản vật tiến vua

Trong không khí se lạnh của tiết trời cuối năm, tôi đã có dịp trở lại thôn Hồng Phong, xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình để “mắt thấy tai nghe” người dân nơi đây làm ra chiếc bánh Cáy dẻo thơm, đậm đà. May mắn là tôi gặp được anh Nguyễn Trọng Quý - một trong những người đang giữ “hồn” cho bánh Cáy làng Nguyễn truyền thống.

Chậm rãi mời tôi chén nước chè còn nóng hổi, anh Quý đưa tôi về với lịch sử nghề bánh làng Nguyễn. Cụ tổ làng nghề có từ thời xa xưa do cụ Bảo mẫu đại vương Nguyễn Thị Tần, con quan triều Nguyễn là cụ Phúc Đình Hầu, người trước kia phụng sự vua. Chính cụ đã tạo ra loại bánh Cáy này (1725) được làm từ chính nông sản quê nhà để thiết diện vua. Tương truyền, sau khi ăn thấy lạ, ngon, độc đáo nên nhà vua ban chỉ hàng năm phải dâng loại bánh này lên Vua… Từ đó, làng Nguyễn có thêm sản vật được làm từ nông sản làng quê qua bàn tay khéo léo của người dân. 

Anh Quý cho biết, từ Cụ tổ đến thế hệ các anh trải qua biết bao đời nhưng quy trình làm bánh Cáy vẫn được lưu giữ cẩn thận và được truyền lại cho con cháu dòng họ đời sau kế tục. Ngày mất của Cụ tổ (27/11) sau này được người dân làng Nguyễn lấy làm ngày giỗ nghề.

Để làm ra một chiếc bánh Cáy dẻo thơm là cả một quá trình công phu, phức tạp và nhiều công đoạn. Đầu tiên là chuẩn bị nguyên liệu với gạo nếp thơm (nếp quýt) có vị đặc trưng, thơm, dẻo hơn tất cả các loại nếp khác trong vùng. Loại gạo này phải mua ở vùng Tiền Hải, Vĩnh Bảo (Hải Phòng) - nơi vùng nước nhiễm mặn thì hương mới thơm và đậm đà.

Đặc biệt, nguyên liệu phụ cho loại bánh này hoàn toàn được lấy từ thiên nhiên gồm: Quả gấc, quả hoặc lá dành dành, lạc, vừng, gừng, cà rốt và vỏ quýt. Gạo nếp được chia làm ba phần, hai phần nấu xôi và một phần rang nổ bỏng. Phần thứ nhất nấu xôi phải nấu bằng nước mưa, độ dẻo cao hơn (như làm xôi vò). Xôi quyện với nước quả gấc tạo thành màu đỏ thắm. Phần thứ hai là đồ xôi với nước quả dành dành tạo thành màu vàng tươi. Phần thứ ba là rang thành bỏng, sảy sạch trấu thành thứ bỏng có mùi thơm phức còn gọi là “nẻ”. Hai loại xôi trên đều giã nhuyễn như giã bánh giày, rồi cắt mỏng như mứt bí, sau đó đem sấy khô. Lạc, vừng rang chín, xát bỏ vỏ. Mỡ lợn phải được luộc chín, thái thành khẩu tẩm với đường khoảng 15 ngày, sau đó thái nhỏ như hạt lựu, xào ngọt, lấy độ trong, giòn để bánh được ngon và thơm lâu. Ngoài ra, cà rốt xào với nước đường, nước gừng, vỏ quýt tươi cũng phải được làm cẩn thận để giữ được mùi vị đặc trưng.

Sau khi nguyên liệu đã chuẩn bị xong, ta sẽ trộn đều tất cả với đường mía rồi đun trên chảo mỡ lợn (hoặc dầu ăn), sau đó nguyên liệu được đổ vào khuôn gỗ nhồi nén thành bánh. Khuôn gỗ có lót vừng đã rang thơm ở xung quanh để khi lấy bánh ra có một lớp vừng hoa văn đẹp mắt bao phủ bên ngoài.

Bảo tồn giá trị truyền thống

Thôn Hồng Phong (làng Nguyễn hiện nay) có 234 hộ nhưng số hộ làm nghề thường xuyên như gia đình anh Quý chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại đã chuyển sang các nghề khác. Chỉ vào thời điểm gần Tết Nguyên đán bà con mới làm đại trà. Thời xa xưa, bánh Cáy được dùng làm sản vật tiến Vua, sau này bánh dùng để biếu tặng, làm quà cho con em đi học hoặc đi bộ đội. Ngày nay, bánh Cáy làng Nguyễn đã trở nên phổ biến, được coi như một sản vật quê hương đậm tình người dân quê lúa.

Mặc dù cái rét những ngày cuối năm lạnh thấu nhưng người dân làng Nguyễn vẫn thức trọn đêm để làm bánh. Với anh Quý và gia đình, làm bánh Cáy không phải chỉ vì kinh tế mà quan trọng hơn là gìn giữ giá trị truyền thống của cha ông, mang sản vật quê mình đến với mọi miền của Tổ quốc. Trong thâm tâm anh luôn trăn trở một ngày nào đó, giá trị truyền thống bị cơ chế thị trường chi phối, không biết thương hiệu nổi tiếng một thời loại bánh tiến Vua này liệu có còn tồn tại?

Chị Nguyễn Thị Hằng, một người con của Tiền Hải hiện đang cư trú tại Hà Nội cho biết: “Năm nào về quê ăn Tết tôi cũng mua bánh Cáy về cúng tổ tiên. Với tôi, ngày Tết không thể thiếu bánh Cáy trên bàn thờ. Những ngày nghỉ được về quê, tôi thường mua làm quà cho anh chị em trên cơ quan. Tôi cảm thấy hãnh diện vì quê mình có được loại sản phẩm giá trị đặc trưng như thế”.

Hiện nay ở vùng Bắc Ninh, Chùa Hương cũng làm bánh Cáy. Tuy nhiên, làm được bánh Cáy có hương vị thơm ngon như bánh Cáy làng Nguyễn thì rất khó. Theo anh Quý, làm nghề truyền thống không giàu như những nghề khác nhưng thu nhập ổn định, bình quân từ 200 ngàn đồng trở lên/ngày, một tháng cũng được 6 đến 7 triệu đồng, nông dân như vậy là tương đối khá. Thu nhập của gia đình anh từ nghề làm bánh cũng đủ trang trải cho cuộc sống và nuôi hai cô con gái ăn học ở Hà Nội.

Chia sẻ về đặc sản làng Nguyễn, ông Nguyễn Đăng Dần - Phó Bí thư Đảng ủy xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng khẳng định: “Mặc dù chưa có cơ chế hỗ trợ nhưng chúng tôi vẫn khuyến khích bà con giữ gìn bản sắc giá trị truyền thống, nét đẹp văn hóa của quê hương để thương hiệu bánh Cáy làng Nguyễn không bị mai một theo thời gian. Chúng tôi cũng đang đề nghị Phòng Công thương cấp thương hiệu cho bánh Cáy làng Nguyễn để làng nghề được phát triển bền vững, có cơ hội đưa sản phẩm quê lúa vươn xa hơn.

Miếng bánh Cáy ngon phải có độ dẻo, ngọt vừa phải, gạo nếp, lạc vừng dậy mùi. Cắn miếng bánh thấy lạ miệng với mùi hương của mứt bí, cơm dừa sần sật, cay cay nồng nồng của mùi vị gừng tươi, nhấp chén trà thấy hương vị hòa quyện. Bánh Cáy làng Nguyễn là kết tinh của hương đất, hương đồng và tấm lòng thảo thơm của người dân quê lúa.

Những khi Tết đến xuân về, trên bàn thờ tổ tiên, trong không khí đầm ấm gia đình hay khi đồng đội, anh em, bạn bè gặp mặt, bên ấm trà xanh nồng nàn và đĩa bánh Cáy thơm cay ngon lành được xắt thành miếng, con người ta mới thấy cuộc đời tảo tần, một nắng hai sương này thật nhiều ý nghĩa.

Ý kiến của bạn

Bình luận