Baidu đủ sức giúp Trung Quốc “thay áo”?

Bạn đọc 19/01/2017 05:57

Baidu hiện là cái tên dẫn đầu làn sóng này với công nghệ xe tự hành.

w620h405f1c1-files-articles-2017-1102338-dd-30_bkw

Công nghệ xe tự hành được kỳ vọng giúp Trung Quốc thoát khỏi tên gọi nhà sản xuất hàng giá rẻ kém chất lượng - Nguồn: Baidu.

Giành thị phần

Ngày 7/1, Baidu tuyên bố hợp tác với Tập đoàn Công nghiệp ô tô Bắc Kinh (BAIC) sản xuất xe tự hành. Chủ tịch Baidu Zhang Yaqin gọi đây là "sự hợp tác toàn diện nhất" mặc dù Hãng vẫn đang tiếp tục làm việc với các nhà sản xuất ô tô khác về loại xe này.

Thông tin trên xuất hiện chỉ vài tuần sau khi "vua tìm kiếm" của Trung Quốc thử nghiệm công khai xe tự hành tại tỉnh Wuzhen với các dòng xe đến từ ba nhà sản xuất ô tô trong nước là BYD, Cherry và BAIC.

Trước BAIC, BMW từng là cái tên được kỳ vọng sẽ giúp Baidu vượt qua Google trong việc sản xuất xe tự hành. Đáng tiếc, cả hai đã "đường ai nấy đi" sau hai năm hợp tác. Chia sẻ trên Reuters hồi tháng 11, CEO BMW Trung Quốc giải thích nguyên nhân "bỏ rơi Baidu" là vì "những khác biệt về tốc độ phát triển và ý tưởng của hai phía".

Trong khi BMW muốn giới thiệu xe tự hành ra thị trường vào năm 2021 thì Baidu nóng lòng hoàn thành dự án vào năm 2018 phục vụ mục đích thu thập dữ liệu trước khi tiến hành sản xuất hàng loạt vào năm 2021.

Mối bất đồng khó hàn gắn này còn được cho có liên quan đến tham vọng trở thành thị trường tiêu thụ xe tự hành lớn nhất thế giới của Trung Quốc. Forbes cho hay, chính phủ nước này hồi cuối năm ngoái đã đặt mục tiêu đến năm 2020, một nửa số xe bán ra tại quốc gia này là xe có tính năng tự lái. Đến năm 2025, lượng xe tự lái công nghệ cao sẽ chiếm 15% trên thị trường và 5 năm kế tiếp, sẽ có khoảng 4 triệu xe tự hành chạy trên đường phố Trung Quốc. 

Việc BMW kéo dài thời gian ra mắt sản phẩm có nguy cơ kéo Baidu tụt lại phía sau, nhường thị trường Trung Quốc cho các đối thủ nặng ký khác.

Trước đó, vào tháng 4 năm ngoái, hãng xe Thụy Điển Volvo công bố kế hoạch chạy thử nghiệm 100 ô tô tự hành trên đường phố Trung Quốc. Nhà sản xuất ô tô Pháp Renault là "ông lớn" thứ hai tiếp bước Volvo lấn sân sang lĩnh vực này, đồng thời không giấu tham vọng giành được 3,5% thị phần xe dân dụng Trung Quốc trong năm 2016. Cả hai hãng đều liên doanh trước đó với các doanh nghiệp Trung Quốc và sở hữu nhà máy lắp ráp tại đây.

Liên minh chặt chẽ

Xu hướng nhà sản xuất ô tô truyền thống hợp tác với các hãng công nghệ phát triển xe hơi tự hành không còn xa lạ. Tuy nhiên, giám đốc điều hành hãng tư vấn Gao Feng, ông Bill Russo, lại đặc biệt đánh giá cao mối quan hệ Baidu - BAIC, cho đây là một "bước tiến thông minh đối với cả hai phía".

BAIC được biết đến là tập đoàn ô tô quốc doanh lớn nhất Trung Quốc, thuộc sở hữu của chính quyền Bắc Kinh. Tập đoàn này được hãng ô tô khổng lồ Đức Daimler đầu tư 18% cổ phần và hiện đang hợp tác lắp ráp sản phẩm cho cả Hyundai. 

Rõ ràng, Baidu có lợi thế hơn hẳn so với Google hay các hãng ô tô truyền thống trong cuộc đua phát triển xe tự hành. "Ông vua tìm kiếm" Trung Quốc hiện nhận được nhiều hậu thuẫn từ chính quyền sở tại trong khi các đối thủ khác còn đang chật vật với nhiều thử thách về mặt pháp lý.

Cụ thể, chính phủ Mỹ và một số nước châu Âu cho đến giờ vẫn chưa đưa ra nền tảng pháp lý phù hợp cho việc quy trách nhiệm tai nạn do xe tự lái gây ra. Trong khi đó, chính quyền Trung Quốc cho biết sẽ linh động thông qua các điều luật cho phép các công ty công nghệ trong nước sớm đưa xe tự lái vào sản xuất. Thậm chí, đài truyền hình trung ương Trung Quốc gần đây còn chiếu series gồm 5 phần giới thiệu công nghệ xe tự lái và các phương tiện vận hành bằng công nghệ này trên "khung giờ vàng" phát sóng nhằm tuyên truyền kế hoạch rộng rãi đến người dân cả nước.

Những nỗ lực trên cho thấy Chính phủ Trung Quốc quyết tâm thực hiện kế hoạch phát triển xe tự hành. Bên cạnh mục đích giải quyết nạn kẹt xe, giảm ô nhiễm môi trường, và tiết kiệm nguồn nhiên liệu, công nghệ xe tự hành còn được kỳ vọng giúp Trung Quốc xóa bỏ hình ảnh một nhà sản xuất hàng rẻ tiền kém chất lượng.

Làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực công nghệ, máy móc... của các doanh nghiệp Trung Quốc, theo quan sát của Bloomberg, nhằm tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ phức tạp có thể bắt kịp xu hướng số hóa, kết nối internet hiện nay trên thế giới.

Phát biểu hôm 6/1 tại triển lãm công nghệ CES 2017 diễn ra ở Las Vegas, Mỹ, Chủ tịch BAIC Xu Heyi thông báo, mẫu ô tô BAIC đầu tiên chạy trên nền tảng công nghệ tự lái của Baidu sẽ được ra mắt vào tháng tư tới. Đồng thời, hai bên đang lên kế hoạch xây dựng đường chạy thử nghiệm dành riêng cho sản phẩm này, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay.

Trước đó, Baidu đã bắt đầu thử nghiệm những chiếc xe sử dụng công nghệ tự lái tại California, Mỹ, sau khi nhận được giấy phép thử nghiệm từ công ty DMV.

"Tương lai của ngành công nghiệp ô tô sẽ phụ thuộc vào khả năng tích hợp, cùng đổi mới giữa các nhà sản xuất ô tô truyền thống với các công ty internet. Quan hệ hợp tác chiến lược giữa BAIC với Baidu giúp cải tiến các tính năng công nghệ thông minh cho cả hai phía, đồng thời thiết lập một mô hình phát triển trong ngành công nghiệp ô tô thông minh" - Bloomberg dẫn lời Chủ tịch Baidu Zhang Yaqin tại CES 2017.

Ông Zhang cho biết, sắp tới Công ty sẽ tiến hành xây dựng một trung tâm nghiên cứu đặt gần thành phố Seatle, tập trung vào lĩnh vực trí thông minh nhân tạo, điện toán đám mây và an ninh. Đây sẽ là trung tâm nghiên cứu thứ hai của Baidu có trụ sở tại Mỹ, sau "người anh em" đầu tiên được thành lập hồi đầu năm ngoái được đặt tại Thung lũng Silicon với gần 100 nhà nghiên cứu, kỹ sư làm việc trong lĩnh vực xe tự hành.

Ý kiến của bạn

Bình luận