"Bài toán" xử lý vi phạm giao thông đường bộ: Cần giải pháp đồng bộ

Tác giả: phạm vũ linh

saosaosaosaosao
04/03/2020 06:17

Tình hình trật tự, an toàn giao thông ở nước ta vẫn còn diễn biến rất phức tạp, vi phạm còn phổ biến, tai nạn giao thông đường bộ vẫn ở mức cao và nghiêm trọng, nhất là số người chết, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Tai nạn giao thông vẫn là vấn đề bức xúc của xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội và hình ảnh của đất nước Việt Nam với bạn bè quốc tế.


giao-thong-3
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Giao thông đường bộ: Diễn biến phức tạp

Bên cạnh đó hoạt động giao thông vận tải là huyết mạch của mỗi quốc gia, nó phản ánh trình độ phát triển xã hội, thể hiện ở mức độ đáp ứng những nhu cầu kinh tế, văn hóa, xã hội, đi lại, sinh hoạt của các tầng lớp dân cư. Hiện nay giao thông đường bộ chiếm tỷ trọng lưu thông hàng hóa, phương tiện, đối tượng tham gia giao thông lớn nhất và cùng với sự bùng nổ về số lượng xe mô tô, xe gắn máy thì tình hình vi phạm đã và đang trở nên nhức nhối. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do các yếu tố:

Một là: cơ sở hạ tầng giao thông ở nước ta hiện nay vẫn chưa theo kịp so với tốc độ gia tăng của phương tiện giao thông đường bộ; mặc dù cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư trước một bước so với các ngành, lĩnh vực khác, trong đó hệ thống giao thông đường bộ, mà nhất là hệ thống cầu, đường luôn được quan tâm đầu tư hàng đầu.

Hai là:hệ thống pháp luật giao thông đường bộ tương đối đầy đủ, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, không theo kịp với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế và xu hướng hội nhập quốc tế như: thiếu tính vĩ mô, thường xuyên sửa đổi, bổ sung; còn chậm triển khai thực hiện hoặc khi đã triển khai thực hiện thì không phù hợp với tình hình thực tế.

Ba là:mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc triển khai thực hiện, tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông đường bộ, nhưng ý thức tự giác chấp hành của người dân chưa cao, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên luôn muốn thể hiện mình sau tay lái, kéo theo tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ luôn ở mức cao, năm sau cao hơn năm trước. Đáng chú ý là tình hình vi phạm của người không đủ điều kiện điều khiển xe cơ giới tham gia giao thông ngày càng diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, để lại gánh nặng cho nhiều gia đình và trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội.

Cần những giải pháp đồng bộ

Nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp không đủ điều kiện của người lái xe tham gia giao thông, trước hết cầnđẩy mạnh thực hiện công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông; vận động toàn dân chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ. Đây là một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu, thường xuyên, liên tục của lực lượng Cảnh sát giao thông nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông. Cần phải bổ sung các hình thức tuyên truyền để người dân "thấm" Luật giao thông đường bộ. Cụ thể là treo panô, áp phích ở những nơi tập trung đông người như: cây xăng, trụ sở công an các xã, phường, thị trấn, các xe vận chuyển hành khách cũng như các trạm dừng chân của các xe khách đường dài…

Bên cạnh đó, cần phối kết hợp với các ban ngành tổ chức tuyên truyền Luật giao thông đường bộ đến từng người dân và lồng ghép vào các buổi sinh hoạt hay họp dân để tuyên truyền sâu sắc đến người dân. Phát động cuộc thi tìm hiểu về trật tự, an toàn giao thông dưới nhiều hình thức như sân khấu hóa, tổ chức hội thảo chuyên đề, phát động các phong trào thi đua đảm bảo trật tự, an toàn giao thông như phong trào lái xe tốt, phong trào đoạn đường tự quản về trật tự, an toàn giao thông, toàn dân đoàn kết tham gia giữ gìn trật tự, an toàn giao thông… Xây dựng nhiều tuyến đường an toàn giao thông, lồng ghép các tiêu chí không vi phạm trật tự, an toàn giao thông vào phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nếp sống văn hóa các cấp”. Các cơ quan nhà nước, tổ chức đoàn thể sự nghiệp, tiếp tục đề cao trách nhiệm giáo dục và phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, công chức, viên chức người lao động và các thành viên của các tổ chức tự giác chấp hành pháp luật về an toàn giao thông.

Cùng với đó, công tác tuyên truyền phải thực hiện đúng theo đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giao thông đường bộ và các văn bản pháp luật khác có liên quan; cần có sự phân công, phân cấp cụ thể, đồng bộ. Phải gắn kết với những giải pháp ngăn ngừa răn đe, xử lý thích đáng những đối tượng gây ảnh hưởng đến tình hình trật tự, an toàn giao thông đặc biệt là số đối tượng không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật điều khiển xe cơ giới tham gia giao thông.

Xây dựng nếp sống văn hóa giao thông là giải pháp đóng vai trò quan trọng, góp phần nâng cao dân trí và ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông nhằm kiềm chế mức độ gia tăng số người chết vì tai nạn giao thông. Tuy nhiên, do nhận thức, thói quen, lối sống của người dân, nên việc thực hiện pháp luật trật tự an toàn giao thông trở thành nếp sống của từng người dân đòi hỏi phải có thời gian, điều này có nghĩa đây là biện pháp phải thực hiện hết sức kiên trì, thường xuyên và lâu dài.

Ngoài ra, cần phải tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ. Phải xác định công tác tuần tra, kiểm soát là một biện pháp cơ bản, hữu hiệu nhằm tăng cường kỹ cương pháp luật, nâng cao sự hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường bộ của người dân nói chung và có ý nghĩa quyết định đến việc thiết lập lại trật tự, an toàn giao thông, kiềm chế tai nạn giao thông đối với người không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật điều khiển xe cơ giới tham gia giao thông nói riêng. Bên cạnh đó cần tập trung xử lý triệt để, kiên quyết đối với những hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông, nhất là các đối tượng điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Công tác tuần tra, kiểm soát phải thực hiện thường xuyên, liên tục đảm bảo khép kín thời gian và các tuyến đường trọng điểm.

Cần tập trung tuần tra, kiểm soát ở các giờ cao điểm, các tuyến đường trọng điểm thường xảy ra tai nạn giao thông, các khu vực tập trung đông người như: trường học, chợ, khu vui chơi…; kết hợp giữa tuần tra công khai với hóa trang để kịp thời xử lý những hành vi đối phó lại với lực lượng làm nhiệm vụ nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân. Lắp đặt hệ thống camera giám sát về trật tự an toàn giao thông, giám sát về tốc độ …. trên các tuyến đường thường xuyên phức tạp về an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông để người tham gia giao thông nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, góp phần kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông xảy ra. Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác xử lý vi phạm hành chính và đảm bảo tính ổn định bền vững của văn bản.  

Ý kiến của bạn

Bình luận