Bài toán vốn cho đường bộ: Ưu tiên dự án cấp bách

Tác giả: Hà đông

saosaosaosaosao
Thị trường 23/06/2018 06:39

Nhu cầu vốn cho phát triển hạ tầng đường bộ là rất lớn, tuy nhiên nguồn vốn phân bổ thì thấp hơn rất nhiều so với yêu cầu. Vậy, làm thế nào để vừa huy động được vốn và phân bổ nguồn vốn hợp lý để đầu tư có hiệu quả cho đường bộ?

 

ce0f470c0332ed6cb423_1
Nhiều tuyến đường quan trọng cần được ưu tiên đầu tư

 “Khát” vốn

Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10/12/2016 của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đề ra mục tiêu cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển, hoàn thiện cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, tập trung bố trí vốn để đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm, cần thiết, cấp bách làm cơ sở đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, có tính kết nối và lan tỏa vùng, miền; khai thác tối đa, sử dụng hiệu quả nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác; ưu tiên vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) cho các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lũ và các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; hỗ trợ về nhà ở đối với hộ người có công với cách mạng; các nhiệm vụ ứng phó biến đổi khí hậu, phòng, chống, khắc phục tình trạng hạn hán ở các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ, xâm nhập mặn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, sự cố ô nhiễm môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung.

Tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn NSNN giai đoạn 2016 - 2020 tối đa là 2.000.000 tỷ đồng, bao gồm: Vốn ngân sách Trung ương là 1.120.000 tỷ đồng, gồm vốn nước ngoài 300.000 tỷ đồng, vốn trong nước 820.000 tỷ đồng, trong đó phát hành 260.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ (bao gồm 60.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 chuyển sang), tiền bán vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp là 250.000 tỷ đồng. Vốn cân đối ngân sách địa phương là 880.000 tỷ đồng.

Dự phòng kế hoạch đầu tư trung hạn vốn NSNN giai đoạn 2016 - 2020 để xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư trung hạn theo mức quy định 10% theo từng nguồn vốn; các bộ, ngành Trung ương và địa phương dành 10% dự phòng trên tổng mức vốn được phân bổ theo kế hoạch trung hạn theo từng nguồn vốn.

Theo báo cáo của Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ mới đây, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 với tổng nhu cầu vốn đầu tư trong giai đoạn vào khoảng 952.731 tỷ đồng, bao gồm 218.480 tỷ đồng vốn ODA nước ngoài (trong đó, 137.598 tỷ đồng đã ký hiệp định với các nhà tài trợ; 80.882 tỷ đồng tiếp tục kêu gọi ODA trong giai đoạn 2016 - 2020); 386.334 tỷ đồng vốn NSNN; 347.917 tỷ đồng vốn huy động ngoài NSNN. Tuy nhiên, Bộ GTVT mới được bố trí 209.111 tỷ đồng, bao gồm vốn ODA nước ngoài 97.221 tỷ đồng, vốn trong nước 36.890 tỷ đồng, vốn TPCP 75.000 tỷ đồng (trong đó 5.000 tỷ đồng dành riêng cho công tác giải phóng mặt bằng Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành).

Theo yêu cầu của Nghị quyết Quốc hội và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT chỉ được phân bổ chi tiết 90% số vốn được thông báo là khoảng 188.200 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn theo kế hoạch đầu tư công trung hạn của ngành GTVT trong giai đoạn 2016 - 2020 với tổng nhu cầu vốn đầu tư trong giai đoạn này vào khoảng 952.731 tỷ đồng, bao gồm 218.480 tỷ đồng vốn ODA nước ngoài (trong đó 137.595 tỷ đồng đã ký kết hiệp định với các nhà tài trợ; 80.882 tỷ đồng tiếp tục kêu gọi ODA); 386.334 tỷ đồng vốn NSNN; 347.917 tỷ đồng vốn huy động ngoài NSNN. Như vậy, số vốn NSNN được phân bổ chỉ đáp ứng khoảng 31% tổng nhu cầu vốn NSNN (bao gồm cả vốn ODA, vốn ngân sách trong nước và vốn trái phiếu Chính phủ) của Bộ GTVT trong giai đoạn 2016 - 2020 (604.814 tỷ đồng).

Đối với nguồn NSNN, căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT chỉ được phân bổ chi tiết 90% số vốn được thông báo là 120.700 tỷ đồng (trong đó vốn nước ngoài ODA 87.499 tỷ đồng, vốn trong nước 33.201 tỷ đồng) và phải bố trí tối thiểu 8.949 tỷ đồng để trả nợ đọng xây dựng cơ bản và 16.750 tỷ đồng vốn đối ứng các dự án ODA.

Nếu thực hiện theo hướng dẫn này thì số vốn nước ngoài được bố trí mới chỉ đáp ứng 67% (87.499 tỷ đồng/129.563 tỷ đồng), vốn đối ứng mới đáp ứng 56% (16.750 tỷ đồng/29.494 tỷ đồng) nhu cầu vốn của các dự án ODA đang triển khai. Đặc biệt, sẽ phải giãn, hoãn tiến độ toàn bộ 27 dự án đang triển khai dở dang sang giai đoạn 2021 - 2025. Hàng loạt dự án quan trọng, cấp bách mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo gấp rút hoàn thành sẽ không có vốn để triển khai như: Dự án xử lý sụt trượt đoạn đèo Chẹn - QL37 đoạn Sơn La, QL4A đoạn qua Lạng Sơn, QL279 đoạn Việt Vinh - Nghĩa Đô nối Hà Giang qua cao tốc Nội Bài - Lào Cai, xử lý sụt trượt trên QL91 đoạn An Giang…, như vậy sẽ gây lãng phí phần vốn đã đầu tư dở dang, mất ATGT, đi lại khó khăn...

Đối với nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, dự kiến Bộ GTVT được phân bổ 75.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2017 - 2020, trong đó chỉ còn 70.000 tỷ đồng như đã nói ở trên cho các dự án quan trọng quốc gia. Tuy nhiên, phương án sử dụng toàn bộ số vốn 55.000 tỷ đồng này cho các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam trong giai đoạn này là rất khó khăn vì việc huy động vốn sẽ gặp nhiều trở ngại bởi các lý do như thị trường tín dụng dài hạn trong nước chưa phát triển, dư nợ các nguồn vốn vay tín dụng dài hạn của các ngân hàng trong nước đang ở mức cao, các nhà đầu tư trong nước có năng lực kỹ thuật và tài chính hạn chế, các nhà đầu tư nước ngoài và ngân hàng nước ngoài đều yêu cầu tối thiểu bảo lãnh ngoại tệ... trong khi hành lang pháp lý của nước ta chưa cho phép cung cấp các loại bảo lãnh này.

Ưu tiên các dự án cấp bách

Để hài hòa nhu cầu đầu tư hạ tầng giao thông trong giai đoạn hiện nay, Bộ GTVT xây dựng phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ gian đoạn 2017 - 2020 như sau: Bố trí khoảng 41.414 tỷ đồng làm vốn tham gia của Nhà nước trong các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng là 25.772 tỷ đồng, hỗ trợ xây lắp và chi phí khác là 15.645 tỷ đồng. Theo phương án này, đến năm 2020 sẽ đầu tư thêm 573km đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh (bao gồm cả hai đoạn đầu tư theo hình thức BT) nếu tính cả 131km các đoạn đã hoàn thành (Pháp Vân - Cầu Giẽ, Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây) và 182km đang triển khai đầu tư (Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành) thì đến năm 2020 có khả năng hoàn thành 886km đường cao tốc Bắc - Nam. Còn lại, 799km cao tốc Bắc - Nam đoạn Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh cần tiếp tục huy động vốn để đầu tư.

Đối với các dự án giao thông quan trọng và cấp bách khác sẽ dành khoảng 21.586 tỷ đồng để triển khai một số dự án cấp thiết, cấp bách, có tính kết nối, lan tỏa vùng miền, có tác động thúc đẩy kinh tế - xã hội với các trình tự ưu tiên: Các dự án đã dừng, giãn tiến độ theo Nghị quyết 11 do không bố trí được vốn trong giai đoạn 2011 - 2015; các dự án khu vực miền núi, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; các dự án có tính chất liên vùng, kết nối các cửa khẩu quốc tế, kết nối các cảng biển, khu công nghiệp; các tuyến đường bộ đã xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ mất ATGT, không đáp ứng nhu cầu vận tải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Ý kiến của bạn

Bình luận