Bài toán thiếu người kế vị vô cùng hóc búa trong ngành ô tô Nhật

Tác giả: bizlive

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 11/01/2018 10:11

Ước tính khoảng 1,27 triệu ông chủ doanh nghiệp sản xuất phụ tùng ô tô Nhật chưa tìm được ai thay thế mình để quản lý doanh nghiệp.

 

nhatotoreuters_fmqr

Ảnh: Reuters

Các hãng xe ô tô và sản xuất phụ tùng lớn nhỏ của Nhật đang đối diện với hết khó khăn này đến khó khăn khác. 

“Người đứng đầu công ty cung cấp phụ tùng đã già và không còn nhiệt huyết như xưa dẫn đến nhiều vấn đề về chất lượng sản phẩm”, một chuyên gia ngành ô tô phàn nàn. Một người khác trong khi đó lại kêu than: “Một nhà cung cấp khác tự bán mình cho một công ty khác lớn hơn mà không có thông báo, vì thế nỗ lực đa dạng hóa các nhà cung cấp của chúng tôi gặp khó khi phải làm việc với đối tác mới.”

Những thực tế này không hề hiếm gặp tại Nhật, nơi mà khoảng 1,3 triệu doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ nhiều khả năng sẽ đối diện với rủi ro phá sản vào năm 2025. Tương lai u ám của các nhà cung cấp nhỏ đang khiến nhiều hãng ô tô lớn đau đầu.

Nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật đang đối diện với bài toán vô cùng hóc búa: người kế vị. Tại nhóm doanh nghiệp này, người đứng đầu của khoảng hơn 60% các doanh nghiệp ít nhất sẽ qua tuổi 70 vào năm 2025.  

Tính toán của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật ước tính khoảng 1,27 triệu ông chủ chưa tìm được ai thay thế mình để quản lý doanh nghiệp. 

Ở hiện tại, khoảng hơn nửa nhóm doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ đang kinh doanh có lãi. Nếu nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa này phá sản, nước Nhật có thể mất đi khoảng 6,5 triệu việc làm và khoảng 22 nghìn tỷ yên tương đương 193 tỷ USD vào năm 2025. 

Tuy nhiên, thực ra chủ doanh nghiệp Nhật cũng không quá sốt ruột. Kết quả một cuộc khảo sát vào tháng 10/2017 thực hiện bởi Teikoku Databank cho thấy mới chỉ 13,6% trong số khoảng 10 nghìn doanh nghiệp có trả lời kết quả khảo sát công bố họ đặt việc tìm người kế vị quản lý doanh nghiệp lên vị trí hàng đầu. 

Theo phân tích của giáo sư Tadashi Nishioka thuộc đại học Hyogo, trong ngành ô tô, những chủ quản lý doanh nghiệp ô tô trong thời hoàng kim của ngành ô tô Nhật thập niên 1960, 1970 đang đến tuổi nghỉ hưu, cần chuyển giao công việc cho thế hệ kế tiếp, thế nhưng điều này không hề dễ dàng và vấn đề này không hề đơn giản.

Đối với một chủ doanh nghiệp sản xuất phụ tùng ô tô, nếu không thể tìm được người quản lý cấp cao, giải pháp sẽ là chấp nhận bán mình cho một công ty khác lớn hơn.

Công ty này hiện đang đóng trụ sở tại vùng Chubu gần thủ phủ ngành ô tô của nước Nhật, thành phố Nagoya. Công ty có khoảng 100 nhân viên. Tuy nhiên, người đứng đầu công ty cảm thấy thế hệ quản lý tiếp theo quá lệ thuộc vào ông: “Tôi phải tự làm rất nhiều thứ, thế nên tôi thừa hiểu rằng nếu tôi ốm, chắc chắn doanh nghiệp sẽ gặp quá nhiều rắc rối.”

Đã từ ba năm trước, ông cố gắng tìm người kế vị. Thế nhưng những người họ hàng cùng chung vốn vào công ty từ chối. Ông không thấy ai trong công ty có đủ khả năng quản lý tất cả mọi hoạt động. Ông cũng từng nghĩ sẽ bảo một công ty khách hàng cử cho ông một người có thể làm quản lý nhưng ông sợ tổn hại đến mối quan hệ với nhiều đối tác khác. 

Cuối cùng, ông tìm đến một công ty tư vấn về mua bán và sáp nhập doanh nghiệp, sau hơn một năm đàm phán, cuối cùng hai bên cũng đã đạt được thỏa thuận sẽ bán lại công ty cho một công ty sản xuất phụ tùng lớn hơn. 

Thực ra không phải các doanh nghiệp cố tình thờ ơ với vấn đề người kế vị, họ cũng rất ý thức được điều đó, nhưng việc quản lý hoạt động hàng ngày đã khiến họ đủ mệt mỏi. Nhiều người đã phải tính đến sẽ nhờ phía khách hàng khi cần thiết. Thế nhưng họ sẽ cần phải nỗ lực nhiều hơn nếu muốn bảo vệ ngành sản xuất nội địa.

Chính phủ Nhật cũng không nên đứng ngoài cuộc. Chính phủ Nhật nên tính đến việc miễn thuế thừa kế và nhiều loại thuế khác để giúp hoạt động chuyển giao công việc quản lý doanh nghiệp sang những người họ hàng trở nên dễ dàng hơn. 

Ý kiến của bạn

Bình luận