Bác tài xế GrabBike gom góp tiền mua điện thoại lại bị "chôm" mất

Tác giả: theo thời đại

saosaosaosaosao
Ý kiến 08/06/2017 07:02

Làm việc cật lực, gom góp mãi mới mua được chiếc smartphone gần 7 triệu đồng thì chỉ trong chớp mắt, bác Kỳ bị trộm giật mất. Vậy mà người đàn ông đó vẫn luôn lạc quan, được khách cho tiền cũng không nhận mà chỉ nói lời cảm ơn rất lịch sự.

 

Bác tài xế GrabBike gom góp tiền  mất
Chia sẻ của nickname N.H.

Bác tài xế từ chối nhận tiền boa dù vừa mất điện thoại gần 7 triệu đồng

Những ngày Hà Nội nóng như đổ lửa, các bác tài chạy xe ôm vẫn phải di chuyển liên tục trên đường, chịu đựng cái nóng hầm hập cả ngày lẫn đêm. 

Làm việc cật lực như vậy, gom góp mãi bác tài xế GrabBike mới đủ tiền mua một chiếc điện thoại tốt thì chỉ trong tích tắc lại bị trộm mất. Kinh tế khó khăn nhưng bác xe ôm vẫn luôn vui vẻ, lạc quan và cố gắng tự mình kiếm sống, dù được khách boa tiền cũng không muốn nhận. 

"Hôm nay vô tình đi GrabBike của 1 chú người Nam định, lên Hà Nội làm xe ôm nuôi vợ con ở quê. Chú tâm sự hôm nay chú buồn lắm, lúc đầu mình tưởng mùa hè 39 - 40 độ, không ai ra đường nên chú thất thu. Hoá ra là chú bị tên nghiện móc túi mất cái điện thoại smartphone. Không có điện thoại để đi làm phải nhờ vợ con ở quê đi vay mượn gửi lên. Mua cái điện thoại gần 7 triệu đồng mà chú suy sụp, không buồn ăn vì số tiền không quá lớn nhưng cũng khó khăn với hoàn cảnh hiện tại.

Nghĩ mà thương, đây là lý do mình suốt ngày đi GrabBike. Vì toàn người ở tỉnh lẻ lên thành phố làm thuê. Đường thì không biết, đi nhiều khi rất khó chịu. Đi ô tô cũng chỉ từng ấy tiền, nhưng mình toàn trả hơn coi như giúp người hoàn cảnh khó khăn.

Ngày xưa mình hay đi chùa phóng sinh nhưng thà giúp những người già cả như thế này còn tích được phước cho ba mẹ. Gặp mấy người già đi xe ôm thương vô cùng, gửi chú 200.000 đồng để uống nước mà chú lưỡng lự không nhận. Bảo cháu có tấm lòng tốt quá, cảm thấy ấm lòng thế".

Đó là câu chuyện mà mới đây, nickname N.H chia sẻ trên trang cá nhân đang nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn sau khi đăng tải, nó đã nhận được hàng nghìn lượt thích, chia sẻ và hàng trăm bình luận. Cư dân mạng không chỉ thương bác tài xế Grab mà còn rất "nể" tinh thần lạc quan và cách sống tự lập của bác.

"Tội ghê ý, toàn mấy bác không biết đường giống mình ngày mới lên tỉnh... ngô nghê, thật thà, đã vậy còn bị trộm móc túi", nickname T.H chia sẻ. 

"Mình đi GrabBike cũng toàn trả thêm tiền. Làm việc tốt không cần suy nghĩ thiệt hơn. Cứ cho đi, có lúc sẽ được nhận lại, mà không được nhận lại cũng chẳng sao, tư tưởng thoải mái là điều mà có tiền cũng không mua được, chủ yếu là thấy thương mấy bác lái xe lớn tuổi vẫn phải làm việc vất vả", một cư dân mạng khác chia sẻ.

Bị "chôm" điện thoại khi chạy đến giúp một người phụ nữ ở nhà xe

Được biết, nhân vật chính được nickname N.H nhắc tới là bác Đào Duy Kỳ (SN 1960), hiện đang là lái xe GrabBike ở Hà Nội. Chia sẻ với chúng tôi, bác Kỳ kể, những gì bạn N.H chia sẻ trên mạng hoàn toàn đúng sự thật. 

"Hôm qua khi chở khách, bác cũng đem chuyện mất điện thoại kể với vài người, không ngờ bạn ấy lại chia sẻ lên trang cá nhân và được nhiều người quan tâm như vậy. Từ sáng tới giờ bác cũng được khá nhiều người hỏi thăm vì chuyện này và bác rất vui khi được mọi người chia sẻ, động viên".

Bác Kỳ tâm sự, mới đây, khi đang đứng ở một nhà xe, bác vô tình thấy một người phụ nữ loay hoay với 3 chiếc xe máy bị đổ. Thế là bác vứt tạm túi đồ ở xe, lao ra giúp cô ấy thì chỉ trong chớp mắt, khi quay lại, chiếc điện thoại mới mua đã không thấy đâu.

Sau khi mất chiếc điện thoại, bác Kỳ cũng vừa sắm một chiếc di động mới với giá 6 triệu đồng. Không có điện thoại, bác không thể tiếp tục làm việc nên đành phải cắn răng mua chiếc khác với giá 6 triệu đồng. Nhiều người cứ hỏi vì sao phải mua điện thoại đắt thế nhưng bác Kỳ nói, ai chạy Grab mới hiểu, không có điện thoại tốt thì không làm việc được. 

"Điện thoại phải bật 3G suốt ngày, mở ứng dụng liên tục và chạy dưới trời nắng nên nếu không phải loại tốt sẽ rất nhanh hỏng".

Bác Kỳ tâm sự, trước đây bác cũng chỉ làm xe ôm truyền thống nhưng thu nhập bấp bênh. Từ sau Tết Nguyên đán, bác chuyển sang chạy GrabBike, công việc dần ổn định hơn nhưng lại xảy ra chuyện mất điện thoại nên đang phải vay nợ mọi người.

Bác Kỳ nói, bác chia sẻ câu chuyện này không phải vì muốn nhận được nhiều cuốc xe ôm hơn hay được ai đó cho tiền. "Các cuốc xe đều do công ty điều động ngẫu nhiên, còn chuyện xin tiền thì bác không nghĩ tới vì mình còn sức khỏe thì phải lao động kiếm sống chứ. Đến các con bác còn không nuôi nổi bố mẹ nữa là".

Hiện tại, bác Kỳ đã thông báo việc mất điện thoại với công an. Tuy không có nhiều manh mối, cơ hội nhưng bác vẫn có 1% hy vọng tìm lại. Bác bảo nếu tìm thấy nó, bác sẽ bán đi để trang trải nợ nần và với bác, ngần ấy cũng đủ vui, hạnh phúc lắm rồi.

Ý kiến của bạn

Bình luận