Bạc Liêu nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh thu hút đầu tư

Bạn đọc 12/06/2013 15:43

Bạc Liêu là một tỉnh nằm trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long; giáp với các tỉnh Cà Mau; Sóc Trăng; Kiên Giang và Hậu Giang. Dân số gần 900 ngàn người; có 07 đơn vị hành chính gồm thành phố Bạc Liêu và 06 huyện: Hòa Bình, Vĩnh Lợi, Giá Rai, Đông Hải, Phước Long và Hồng Dân. Với bờ biển dài 56 km, Bạc Liêu đang đứng trước cơ hội cho phát triển kinh tế biển như đánh bắt xa bờ, nuôi trồng chế biến thủy hải, phát triển nghề làm muối, du lịch… Đặc biệt khai thác tiềm năng nguồn năng lượng sạch về gió, năng lượng mặt trời. Bạc Liêu có một hệ thống giao thông thủy bộ rất thuận lợi, quốc lộ 1A và tuyến Quản lộ – Phụng Hiệp chạy song song dọc chiều dài của tỉnh, các tuyến đường ngang nối hai quốc lộ này như tuyến Giá Rai – Gánh Hào; Cầu Sập – Ninh Quới; Vĩnh Mỹ – Phước Long… sẽ tạo điều kiện cho Bạc Liêu lưu thông hàng hóa và đi lại với các tỉnh trong vùng và TP. HCM… Bạc Liêu có nhiều di tích lịch sử văn hóa, thẳng cảnh mang đậm nét văn hóa Nam bộ pha lẫn văn hóa Óc eo và


Hệ thống điện gió Bạc Liêu đã hòa vào lưới điện quốc gia

Hệ thống điện gió Bạc Liêu đã hòa vào lưới điện quốc gia

Thời gian qua, với sự quyết tâm của lãnh đạo Tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành và sự đồng tình của các doanh nghiệp, chủ đầu tư, Tỉnh đã thu hút và mời gọi đầu tư nhiều dự án, góp phần làm thay đổi diện mạo của một Tỉnh còn nhiều khó khăn.
Kết quả đáng ghi nhận
Có thể nói, mấy năm trở lại đây, ngày càng có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với tỉnh Bạc Liêu tìm hiểu, ký kết hợp tác đầu tư. Hiện nay, tổng số vốn các nhà đầu tư đăng ký và đang triển khai thực hiện ở địa phương lên đến hơn 20 nghìn tỷ đồng. Mặc dù trong 2012 và những tháng đầu năm 2013, tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn không ít khó khăn, nhưng đáng mừng là chỉ tính trong năm 2012, Bạc Liêu đã thu hút được 34 dự án của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Riêng năm 2012, nhiều dự án của tỉnh đã hoàn thành và đi vào hoạt động như: Nhà máy da giày An Hưng, Trường mẫu giáo chất lượng cao ISchool tại TP Bạc Liêu và khởi công mười dự án khác với tổng mức đầu tư hơn 2.047 tỷ đồng. Đặc biệt, Dự án Điện gió đã hoàn thành giai đoạn I với 10 trụ tua-bin, dòng điện đầu tiên hòa vào lưới điện quốc gia trong cuối tháng 5/2013, hiện đang chuẩn bị tiến hành thi công giai đoạn II với 52 trụ tua-bin gió còn lại. Tổng dự toán số vốn đầu tư dự án Nhà máy Điện gió lên đến hơn 5.200 tỷ đồng.
Nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh thu hút đầu tư
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phạm Hoàng Bê – Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết: Năm 2012, Bạc Liêu xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và đứng thứ năm so với các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về chỉ số PCI cấp tỉnh. Phải khẳng định rằng, chỉ số PCI của Bạc Liêu trong những năm qua cải thiện khá rõ từ thứ hạng 59 năm 2009 lên mức 30 năm 2010… rồi đến năm 2012 lên hạng 7, tăng 32 bậc so với năm trước đó. Điều đó chứng minh rõ nét môi trường đầu tư của Bạc Liêu đã được cải thiện rất đáng kể. Một điều đáng lưu ý là trong chín chỉ số thành phần của Bạc Liêu năm 2012 thì “chi phí thời gian” có điểm số tăng mạnh và đứng đầu cả nước với 8,12 điểm. Ngoài ra, các chỉ số khác cũng tăng cao như: Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, tính minh bạch trong tiếp cận thông tin… Với quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt là nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), năm 2012, Bạc Liêu đã tập trung nhiều giải pháp trong chỉ đạo điều hành. Đồng thời, nêu cao khẩu hiệu hành động “luôn đồng hành, luôn chia khó cùng DN”. Có thể nói, kết quả đó đã tạo sự phấn khởi và tạo đà quan trọng để Bạc Liêu tiếp tục phấn đấu nâng cao hơn nữa chỉ số PCI trong năm 2013 và những năm tiếp theo.
Có được kết quả đáng khích lệ như ngày hôm nay, tỉnh Bạc Liêu luôn xác định, nhà đầu tư đến với tỉnh không chỉ mang đến nguồn vốn góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, an sinh xã hội, mà hơn nữa, chính tư duy nhạy bén về kinh tế, thông tin về thị trường do nhà đầu tư mang đến là giá trị rất lớn đối với lãnh đạo địa phương. Thời gian qua, lãnh đạo Tỉnh luôn sẵn sàng tiếp cận, lắng nghe, chia sẻ với tinh thần cầu thị đối với các nhà đầu tư, chuyên gia tư vấn. Quan điểm, chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu “cái gì khó khăn để cấp ủy, chính quyền tỉnh giải quyết, cái gì dễ dành cho DN và nhà đầu tư”… Đặc biệt, thời gian qua chúng tôi nhận thức rằng: DN, nhà đầu tư không chỉ là “đối tượng quản lý” của chính quyền và các ngành chức năng, mà là “bạn đồng hành” cùng cấp ủy, chính quyền địa phương chung tay, góp sức vô cùng quan trọng vào nhiệm vụ xây dựng và phát triển quê hương Bạc Liêu.
Một bài học rất quan trọng góp phần làm tăng chỉ số PCI của Bạc Liêu năm 2012 là sự quan tâm của các chủ đầu tư, chủ DN đối với việc tham gia đánh giá vào các nội dung trong phiếu điều tra của VCCI. Qua đó, thể hiện rõ sự cảm nhận của mình đối với công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền trong tỉnh.

Lãnh đạo thành phố Bạc Liêu làm việc với các phóng viên báo chí

Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu làm việc với các phóng viên báo chí

Giao thông đi trước một bước
Về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nhiều công trình giao thông quan trọng đã và đang được triển thực hiện: Một trong những dự án quan trọng nhất phải kể đến là công trình cầu Bạc Liêu 2 và cầu Bạc Liêu 3. Việc thông xe 2 cầu góp phần phá vỡ thế độc đạo nối liền 2 bờ kênh Bạc Liêu – Cà Mau, giúp cho giao thông thuận lợi, dễ dàng hơn giữa khu vực trung tâm thành phố với các khu dân cư, phường xã vùng ven biển, đáp ứng sự mong đợi của người dân…
Để thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội thì xây dựng kết cấu hạ tầng GTVT đóng vai trò quyết định và là động lực quan trọng phát triển toàn diện kinh tế – xã hội. Theo quy hoạch phát triển GTVT tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt thì nhu cầu hiện nay và sắp tới cần phải đầu tư, mở rộng, nâng cấp: gồm 13 tuyến (tổng chiều dài là 336,9km) đường tỉnh; 57 tuyến (tổng chiều dài là 912,8km) đường huyện; 1.990km đường, 887 cầu dài 21.722m đường GTNT theo tiêu chí nông thôn mới. Để thúc đẩy, hạ tầng giao thông phát triển, Bạc Liêu đã đề ra một số giải pháp:
Thứ nhất, ưu tiên tập trung vốn ngân sách đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông một cách hợp lý có trọng tâm, trọng điểm, hoàn thành dứt điểm từng công trình.
Thứ hai, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế, dưới mọi hình thức, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài vào xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.
Thứ ba, hướng dẫn và kiểm tra các địa phương đầu tư xây dựng đường GTNT thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 theo đúng tiêu chí quy định.
Thứ tư, tăng cường phối hợp với địa phương kiểm tra, giám sát công tác đầu tư, xây dựng GTNT, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 trên địa bàn tỉnh

Thời gian tới, để tạo bước đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển GTVT theo kịp và phục vụ hiệu quả yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, tỉnh Bạc Liêu sẽ tập trung vào những chương trình cụ thể: Tập trung chỉ đạo xây dựng hoàn thành các dự án đang triển khai thực hiện như tuyến Cầu Sập – Ninh Quới – Ngan Dừa, QL 63, Giá Rai – Gành Hào, cầu Giá Rai, Vĩnh Mỹ – Phước Long, An Phúc – Gành Hào, Giồng Nhãn – Gành Hào… Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện các dự án xây dựng đường ô tô đến trung tâm 15 xã còn lại.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra, lãnh đạo Tỉnh, sở, ngành và địa phương cần ưu tiên tập trung vốn ngân sách đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông một cách hợp lý có trọng tâm, trọng điểm, hoàn thành dứt điểm từng công trình. Đồng thời, chủ động, tích cực tranh thủ, tiếp cận các nguồn vốn viện trợ ODA để đầu tư xây dựng các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh.
Thêm vào đó, cần tạo điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế vào xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là đầu tư theo hình thức PPP, BOT, BT… mở rộng hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm; khuyến khích, vinh danh các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc (NQ số 13/NQ-TW, Hội nghị TW 4 – khóa XI).

Lan Anh

Ý kiến của bạn

Bình luận