Áp dụng công nghệ sẽ nâng cao chất lượng quản lý giao thông

Giao thông 24h 18/03/2015 17:16

Sáng nay (18/3) tại khách sạn Fortuna đã diễn ra Hội nghị “Ứng dụng công nghệ giám sát phương tiện giao thông trong đảm bảo trật tự ATGT tại Việt Nam”. Tham dự có sự góp mặt và chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường.


"Giao thông thông minh là xu hướng thời đại mới" Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường

“Giao thông thông minh là xu hướng thời đại mới” Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường

Tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, trong năm 2012 – 2014, tình hình TNGT trên toàn quốc đã giảm cả về số vụ, người bị thương và người chết. Trong 3 tháng đầu năm 2015, số vụ TNGT đã giảm xuống 14,7% so với cùng kỳ 2014.

Tuy nhiên, trước tình hình giao thông có nhiều biến đổi không ngừng, trong bối cảnh kinh tế xã hội phát triển, việc áp dụng giao thông thông minh đang dần trở thành xu hướng thời đại, góp phần đảm bảo trật tự ATGT, kéo giảm ùn tắc giao thông, quy hoạch giao thông đô thị và quản lý điều hành giao thông.

Áp dụng tại địa phương: Giảm đáng kể xe vi phạm

Về tình hình áp dụng hệ thống giao thông thông minh tại các địa phương, theo ông Đỗ Công Thủy -  Giám đốc Sở GTVT tỉnh Nghệ An cho biết, thông qua kết quả phân tích dữ liệu thu được, đã thu hồi và đình chỉ có thời hạn 150 xe, xử lý các đơn vị không cung cấp dữ liệu. Tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn có chuyển biến tích cực, số lượng xe chạy sai tuyến, bắt khách dọc đường, xe dù giảm đáng kể.

Tuy nhiên, vẫn còn cần phải kết hợp các biện pháp ngăn chặn trực tiếp. Ngoài ra, vẫn có nhiều xe còn cố ý sử dụng các thiết bị nhằm ngăn chặn sóng truyền tải dữ liệu, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng.

Thử nghiệm ITS trên các tuyến cao tốc ở Việt Nam

Với nhiều nghiên cứu và áp dụng thử nghiệm thành công, ITS sẽ được lắp đặt cho tất cả các dự án cao tốc. Các trung tâm ITS khu vực và trung tâm tuyến được xây dựng để tích hợp và quản lý toàn bộ các tuyến cao tốc trên cả 3 nước.

Một mô hình giao thông thông minh điển hình

Một mô hình giao thông thông minh điển hình

Trung tâm Khu vực miền Nam đặt tại Tp HCM đã hoàn thành năm 2014, sẽ quản lý 11 tuyến cao tốc phía Nam; Trung tâm khu vực miền Trung đề xuất đặt tại Đà Nẵng; Trung tâm ITS khu vực miền Bắc sẽ triển khai trong giai đoạn 2015 – 2017 và sẽ được tích hợp để điều khiển, vận hành và quản lý 8 tuyến cao tốc (~800km) xung quanh Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc.

Trong năm 2014, các tiêu chuẩn ITS đã được nghiên cứu, xây dựng và ban hành trong Quý 1 như: Hệ thống kiểm soát và điều khiển giao thông (TCS) đường cao tốc, Hệ thống thu phí điện tử, Trung tâm quản lý giao thông (TMC) đường cao tốc, Biển báo điện tử (VMS) trên đường cao tốc.

Ngoài ra, các tiêu chuẩn ITS khác như Kiến trúc ITS, hệ thống camera giám sát, hệ thống thông điệp dữ liệu giao thông đường cao tốc cũng đang được xây dựng dự thảo.

Ứng dụng thiết bị GSHT trong bảo đảm ATGT của hoạt động kinh doanh vận tải

Thiết bị giám sát hành trình đã được áp dụng theo quy định pháp luật với các xe tuyến cố định, xe buýt, xe hợp đồng, du lịch và xe công ten nơ nhằm bắt buộc phải cung cấp thông tin về hành trình, tốc độ vận hành, thời gian lái xe liên tục và thời gian làm việc của lái xe trong ngày.

Việc các xe phải cung cấp dữ liệu hành trình sẽ giúp giảm thiểu tình trạng xe tải "né" trạm cân

Việc các xe phải cung cấp dữ liệu hành trình sẽ giúp giảm thiểu tình trạng xe tải “né” trạm cân

Tổng số đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình và dịch vụ xử lý dữ liệu GSHT là 68 đơn vị, trong đó có 51 đơn vị đã được chứng nhận hợp quy, 17 đơn vị cung cấp dịch vụ xử lý dữ liệu. Tất cả các dữ liệu được tích hợp tại Tổng cục ĐBVN và phân cấp khai thác dữ liệu trên hệ thống đối với các đơn vị quản lý Nhà nước. Dự kiến, sẽ phân cấp cho bến xe khách được khai thác dữ liệu trên hệ thống để phục vụ công tác quản lý, điều hành tại bến xe.

Qua việc khai thác dữ liệu trên hệ thống, từ tháng 5/2014 đến nay đã có 48 địa phương thực hiện xử lý vi phạm với tổng số phương tiện bị xử lý là 1.505 xe theo quy định, trong đó thu hồi phù hiệu (1 tháng) 1.019 xe, thu hồi chấp thuận khai thác tuyến (01 tháng) 382 xe, từ chối cấp phù hiệu 104 xe. Riêng 2 tháng đầu năm 2015, tổng số phương tiện bị xử lý là 176 phương tiện.

Áp dụng công nghệ sẽ nâng cao chất lượng quản lý giao thông

IMG_9406_Snapseed

Ông Manfred Boltze, đại diện của ĐH Darmstadt (Đức)

Theo ông Manfred Boltze, đại diện của ĐH Darmstadt (Đức), trong bối cảnh kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ, kéo theo nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa tăng đột biến, việc giải quyết nhu cầu giao thông bằng việc mở rộng cơ sợ hạ tầng trở nên khó khăn, không theo kịp nhịp độ. Trước tình hình đó, việc áp dụng giao thông thông minh(ITS) càng trở nên cần thiết.

Cụ thể, ITS sử dụng các công nghệ mới nhằm thay đổi hành vi giao thông, sử dụng cơ sở dữ liệu lớn (dữ liêu mạng viễn thông) nhằm xây dựng bản đồ giao thông, quản lý nhu cầu vận tải, quản lý lựa chọn phương tiện và vận hành  trên cơ sở giao thông chủ động và phản ứng theo tình huống, thay vì hệ thống giao thông thụ động như hiện nay. Ngoài ra, sử dụng ITS sẽ giúp xác định tình hình giao thông đô thị một cách kịp thời và trực tuyến, qua đó tạo ra những giải pháp nhanh chóng và phù hợp với tình huống.

Còn theo ông Matias Ruiz Lobacher, đối với các đô thị có xe máy là phương tiện chính, việc thu thập dữ liệu trực tuyến nên được thông qua các ứng dụng điện thoại thông minh. Việc áp dụng hệ thống giám sát và thông tin giao thông (REMON) sẽ giúp cho việc giám sát tuyến đường và nút giao, quản lý trực tiếp và kịp thời các doanh nghiệp vận tải, xây dựng mô hình nhu cầu giao thông, mô hình tăng trưởng đô thị, kịch bản cho phát triển tương lai. Ngoài ra, ông Matias Ruiz Lobacher cũng đề xuất các bước tiếp theo cho dự án REMON, nhằm vào thiết kế đô thị cho một khu vực của Hà Nội, qua đó xây dựng chiến lược quản lý giao thông vận tải thông qua hệ thống giao thông thông minh và xây dựng kịch bản về giao thông và phát triển của khu vực Thủ đô.

Dựa trên tình hình thực tế các thành phố của Việt Nam, xe máy sẽ được lựa chọn là phương tiện chính nhận diện tình hình giao thông. Với nhiều lợi thế là phương tiện đi lại phổ biến nhất, khu vực hoạt động bao phủ toàn mạng lưới giao thông, cộng với nhiều ưu điểm về hiệu quả chi phí cho các thiết bị thấp hơn so với các thiết bị chuyên dụng cho ô tô.

Ngoài ra, các chuyên gia và đại diện của nhà mạng Viettel cũng đề xuất về việc lắp đặt từ 10.000 đến 20.000 thiết bị nhằm đảm bảo  tính chính xác của các dữ liệu phân tích tình huống giao thông.

Đối với lĩnh vực vận tải hàng hóa cũng như hành khách, các ứng dụng của FCD (dữ liệu xe con di động) và FPD (dữ liệu điện thọai trực tuyến) có thể áp dụng cho việc giám sát tuyến đường và nút giao, điều hành và kiểm soát giao thông bằng đèn tín hiệu, quản lý hoạt động của các đoàn xe (bao gồm các công ty taxi và xe buýt) nhằm hướng tới quản lý trật tự giao thông một cách khoa học và hiệu quả hơn.

Hệ thống Giao thông thông minh (ITS) có thể giúp giảm thiểu tình trạng ùn tắc tại các đô thị hiện nay

Hệ thống Giao thông thông minh (ITS) có thể giúp giảm thiểu tình trạng ùn tắc tại các đô thị hiện nay

Trong thời gian tới, cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng và báo cáo, thống kê về tình hình quá trình triển khai. Ngoài ra, sẽ nghiên cứu lắp đặt thiết bị có thể phát hiện các phương tiện đang sử dụng thiết bị phá sóng tại một số khu vực có nhiều phương tiện qua lại để có biện pháp xử lý kịp thời.

Qua những báo cáo, thuyết trình của các chuyên gia và các vị đại biểu tại hội nghị, những ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và điều hành giao thông đã tiến rất gần đến những giải pháp có thể mang ra ứng dụng thực tiễn 1 cách hiệu quả. Hội thảo đã đưa ra 1 bức tranh chung phản ánh thực trạng giao thông, những mục tiêu cơ bản của quản lý giao thông và những yếu tố cần thiết phải dùng ITS trong quản lý giao thông Quốc gia và địa phương.

Hà Vũ – Công Thành 

Ý kiến của bạn

Bình luận