Anh hùng lao động Nguyễn Ngọc Trân: “Làm chủ KHCN là yếu tố then chốt”

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
21/08/2015 15:53

Trước những công nghệ hiện đại và mới mẻ thì việc hiểu rõ vai trò giá trị ứng dụng KHCN là yếu tố then chốt cho sự phát triển GTVT Việt Nam.

Trong ngành GTVT, một trong những người có bề dày thành tích phải kể đến Nguyên Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án 85 - Anh hùng Lao động Nguyễn Ngọc Trân. Được suy tôn là Chiến sỹ thi đua toàn quốc trong 10 năm đổi mới, ông đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba và tháng 4/2009 ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới 1999 - 2008 vì những đóng góp to lớn cho sự phát triển mạnh mẽ của giao thông Việt Nam.

Nguyên Tổng Giám đốc Nguyễn Ngọc Trân đã có những chia sẻ với Tạp chí GTVT, về những khó khăn, thách thức và cả những kinh nghiệm quý báu mà ông đã có được trên suốt chặng đường cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Đất nước.

Vượt nhiều trở ngại, quyết thấu hiểu yếu tố then chốt của KHCN

Trong những năm tháng là người đứng đầu Ban QLDA 85, lãnh đạo Bộ GTVT đã tin tưởng giao cho ông và Ban QLDA 85 tổ chức, triển khai, điều hành thực hiện nhiều dự án giao thông quy mô lớn, quan trọng, kỹ thuật phức tạp và lần đầu tiên chuyển giao kỹ thuật công nghệ tiên tiến vào Việt Nam như: Cầu Hiền Lương - tiếp nhận công nghệ đúc đẩy từ Cộng hòa Liên bang Nga (1991); cầu Sông Gianh - tiếp nhận công nghệ đúc hẫng từ Cộng hòa Pháp (1992); hầm đường bộ Hải Vân - tiếp nhận công nghệ làm hầm mới của Cộng hòa Áo (New Auctrian Tunnelling Methord- NATM-1998); cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải - tiếp nhận công nghệ xử lý đất yếu bằng bấc thấm ở độ sâu lớn và cầu Nhật Tân - tiếp nhận công nghệ cầu dây văng nhiều trụ tháp liên tục từ Nhật Bản…

Theo ông Trân, trước những công nghệ hiện đại và mới mẻ được đưa vào giao thông Việt Nam, thì việc hiểu rõ vai trò giá trị của việc ứng dụng KHCN là yếu tố then chốt cho sự phát triển GTVT Việt Nam. Đặc biệt, phương thức tổ chức quản lý cũng cần đổi mới để vừa phải tuân thủ luật lệ Việt Nam vừa phải phù hợp với thông lệ quốc tế. Trong khi đó sự thiếu kiến thức, tài liệu chuyên môn, thiếu kinh nghiệm về KHCN mới chính là trở ngại lớn nhất.

Để vượt qua những thách thức đó, Ban QLDA 85 đã tổ chức ôn luyện và kiểm tra kiến thức chuyên môn cho đội ngũ kỹ sư, tổ chức các lớp học ngoại ngữ (tiếng Nga, tiếng Anh), sưu tầm các sách và tài liệu về kỹ thuật về quản lý nhằm đáp ứng nhu cầu bức bách của nhiệm vụ. Đồng thời, Lãnh đạo Ban đã giao nhiệm vụ và động viên đội ngũ cán bộ kỹ sư phải cố gắng tích cực vừa làm vừa học.

“Tôi chưa thể quên một ý kiến tôi đã trao đổi nhắc nhở đối với đội ngũ CBCNV trong một cuộc họp toàn Ban: để có đủ kiến thức chúng ta có thể học trong trường, trong lớp, trong sách vở và các tài liệu; học trong quá trình làm việc thực tế ở công trình; học kiến thức trong đầu của người khác và đối tác. Vận dụng ý niệm này CBCNV Ban QLDA 85 đã thực sự cầu thị, bám sát nhiệm vụ, bám sát hiện trường dự án, bám sát sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ và các Cục, Vụ, Viện chức năng. Ngoài ra việc hợp tác chặt chẽ với các trường đại học, bám sát đối tác để học cũng là điều được chú trọng. Nhờ đó, chúng tôi đã thành công và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được Bộ giao phó” – Ông Trân chia sẻ.

Trả lời cho câu hỏi về tầm quan trọng của KHCN trong sự phát triển giao thông, “người của những sáng kiến” cho biết, việc ứng dụng KHCN là yếu tố căn bản cho phép ta vượt qua khó khăn để đạt được tầm vóc lớn. Trước hết, sự tối ưu của KHCN sẽ giải quyết được các vấn đề về kỹ thuật khi triển khai các công trình ở khu vực địa chất yếu, địa hình khó khăn, phức tạp, các công trình thi công trong các thành phố, khu vực đông dân cư vừa thi công vừa phải đảm bảo giao thông.

Đặc biệt, khi nắm bắt được kỹ thuật, chúng ta mới có thể triển khai các công trình có qui mô lớn (những con đường cao tốc, những cây cầu có nhịp vượt thông thuyền lớn, những đường hầm xuyên núi...) với chất lượng cao và tiến độ cực nhanh đáp ứng được các yêu cầu nhiệm vụ công nghịêp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ phát triển kinh tế của đất nước. Ngoài ra, việc ứng dụng KHCN không những giúp nâng cao chất lượng,  đẩy nhanh tiến độ các dự án mà còn mang lại hiệu quả kinh tế và tài chính cao và mọi mặt của dự án.

Công trình cuối cùng gắn với kỷ niệm mãi đi cùng năm tháng

Cầu Nhật Tân - cây cầu 6 nhịp dây văng với 5 trụ tháp hình thoi vẫn được sử dụng như hình ảnh đại diện của giao thông Việt Nam. Cây cầu này cũng là công trình cuối cùng gắn với nhiều kỷ niệm tuyệt vời mà trong sự nghiệp của mình, Nguyên Tổng Giám đốc Nguyễn Ngọc Trân may mắn có được.

TMK_9490_zin
Cầu Nhật Tân - công trình cuối cùng gắn nhiều kỷ niệm đi cùng năm tháng của Nguyên Tổng giám đốc Ban QLDA 85

Chuỗi dấu ấn, kỷ niệm của ông bắt đầu ngay từ những ngày đầu tiên của dự án, đó là việc đàm phán với cơ quan hợp tác của Chính phủ Nhật Bản (JICA) để có được hiệp định vay vốn ODA thực hiện dự án.

“Do khác nhau về cách suy nghĩ, cách đánh giá và tính thực tiễn nên chưa có hiệp định vay nào phải tiến hành nhiều cuộc đàm phán và phải đàm phán căng thẳng, kéo dài đến như vậy. Việc dự báo lưu lượng xe, liên quan đến qui mô đầu tư, các nhà tài trợ luôn yêu cầu chúng ta vận dụng các công thức tính toán theo thông lệ chung của quốc tế. Nhưng chúng ta phải xét đến điều kiện thực tế của đất nước đang trong giai đoạn mở cửa, tích cực hội nhập và hợp tác quốc tế, điều đó đã làm cho việc đàm phán kéo dài. Tuy nhiên, cuối cùng đối tác cũng đồng ý với chúng ta. Đến nay công trình đã đưa vào vận hành khai thác và khẳng định cách suy nghĩ, nghiên cứu, tính toán của chúng ta là đúng” – ông Trân khẳng định.

Khi cây cầu trong quá trình hình thành dáng vóc như ngày nay, các vấn đề kỹ thuật và mỹ thuật của công trình này đã trở thành một trong những kỷ niệm đáng nhớ của ông. Cầu Nhật Tân được xây dựng ở Thủ đô Hà Nội, nằm trên trục đường nối từ sân bay quốc tế Nội Bài về trung tâm thành phố nên hình ảnh đầu tiên của thành phố này cần phải hiện đại và đẹp. Theo đó, nhiều ý tưởng đã được đưa ra, nổi bật với sự thống nhất cao là ý tưởng cầu dây văng 5 trụ tháp sẽ sự tương đồng với 5 cửa ô của Thủ đô và ý nghĩa phù hợp với thuyết ngũ hành trong nghiên cứu vũ trụ cổ đại của người phương Đông.

Tuy nhiên kèm theo phương án đó là các vấn đề kỹ thuật cần được giải quyết vì đến thời điểm đó trên thế giới chỉ mới có cầu Millau, cầu dây văng sáu trụ tháp ở Pháp và cầu Rio – Antirrio, cầu dây văng bốn trụ tháp ở Hy Lạp là những cầu dây văng nhiều nhịp liên tục được xây dựng. Ngoài ra, chúng ta phải giải quyết các vấn đề địa chất phức tạp tại vị trí xây dựng cầu, giải quyết phương án các nút giao thông sao cho hợp lý.

Để giải quyết những vấn đề trên rất nhiều cuộc họp trong nội bộ Bộ GTVT, các cuộc họp giữa Bộ GTVT với thành phố Hà Nội và các Bộ, Ngành, cùng các chuyên gia nước ngoài đã được tổ chức. Có thể nói, đến thời điểm đó chưa có dự án nào của ngành GTVT nhận được sự quan tâm của cả nước và được họp thảo luận nhiều như vậy. Cuối cùng, cây cầu Nhật Tân đã được hoàn thành đảm bảo chất lượng kỹ thuật và thuật xứng tầm với thành phố Thủ Đô - Hà Nội văn minh hiện đại không những hôm nay và cả trong tương lai.

Tiếp nối sự nghiệp 70 năm vẻ vang

Trải qua 70 năm phục vụ cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất tổ quốc và xây dựng đất nước, ngành GTVT đã phát triển không ngừng và ngày càng phát triển bền vững với tốc độ cao.

Tuy còn nhiều vấn đề phải suy nghĩ, xem xét giải quyết và hoàn thiện để phát triển GTVT của nước ta nhanh chóng hơn, bền vững hơn nhưng chúng ta có quyền tự hào rằng, trong 70 năm xây dựng và phát triển, GTVT Việt Nam đã thay đổi nhanh chóng và vượt bậc đáp ứng nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất tổ quốc, phục vụ đắc lực và có hiệu quả cho sự nghiệp phát triển dân sinh, kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước. Để ngành GTVT chúng ta phát triển mạnh và toàn diện hơn, nên chăng chúng ta cần xem xét, nghiên cứu và đánh giá một cách nghiêm túc và khoa học về những thành công và những mặt còn tồn tại để điều chỉnh, hoàn thiện các mục tiêu, các chương trình, kế hoạch và các giải pháp thực hiện cho những năm tiếp theo?

Với thế hệ trẻ của ngành cũng như tất cả mọi người, điều quan trọng là chúng ta cần tự đánh giá đúng mình, đúng yêu cầu nhiệm vụ mới trong thời gian tới, không thể vội vàng ngộ nhận trong bất kỳ thời điểm nào và trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Vì vậy, thế hệ trẻ của ngành GTVT phải luôn cố gắng học tập, rèn luyện về mọi mặt để xứng đáng với truyền thống vẻ vang 70 năm ngành GTVT. 

 

Ý kiến của bạn

Bình luận