Ai xếp sau Singapore ở Đông Nam Á?

Tác giả: cafebiz

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 06/09/2017 06:56

Theo World Bank, trong giai đoạn 2017-2019, Campuchia, Lào, Myanmar sẽ là các nền kinh tế tăng trưởng nhất châu Á.

546_kd_singapore_gt11020120403_sonpham_11532647_gw
Ảnh minh họa.

Singapore hiện là quốc gia nổi bật nhất tại Đông Nam Á. Không chỉ đứng đầu khu vực, quốc đảo sư tử này còn đứng đầu nhiều bảng xếp hạng của các tổ chức quốc tế như bảng xếp hạng môi trường kinh doanh (của World Bank), quốc gia có internet băng thông nhanh nhất thế giới (của Ookla), đất nước có tốc độ phát triển kỹ thuật số hàng đầu thế giới (của Đại học Tufts), dẫn đầu bảng xếp hạng Hộ chiếu toàn cầu năm 2017 (theo Arton Capital).

Năm ngoái, theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Singapore còn đứng đầu trong 139 nền kinh tế phát triển về công nghệ thông tin và truyền thông (ICT). Nước này cũng đang trở thành quốc gia thông minh (Smart Nation) đầu tiên trên thế giới.

Với bề dày thành tích nói trên, Singapore trở thành tượng đài khó vượt qua cho các nước trong khối ASEAN. Mặc dù vậy, một số nước vẫn đang nỗ lực tiến gần Singapore, với mục tiêu trở thành quốc gia phát triển thứ 2 ở Đông Nam Á.

Malaysia chiếm ưu thế

Xét về thu nhập bình quân đầu người, Brunei hiện không thua kém bao nhiêu so với Singapore. Nếu Singapore đạt thu nhập bình quân đầu người 85.000USD năm 2016 và nằm trong top 4 của thế giới thì con số này ở Brunei là 80.000USD, theo khảo sát của World Bank, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tạp chí Global Finance Magazine.

Nhưng trong khi Singapore không hề có tài nguyên thiên nhiên, phát triển kinh tế dựa vào công nghiệp (điện tử, hóa chất, thiết bị, chế biến...) và dịch vụ thì nguồn thu nhập chính của Brunei lại từ dầu mỏ, khí đốt. Brunei phụ thuộc vào nền công nghiệp dầu mỏ và chịu những tác động tiêu cực khi giá dầu sụt giảm mạnh. Brunei cũng không được đánh giá cao về môi trường kinh doanh, khi chỉ xếp thứ 84 trong giai đoạn 2011-2015, theo World Bank. Luật Sharia (luật Hồi giáo) ở Brunei, cấm cả rượu và Thiên Chúa giáo đã gây trở ngại cho phát triển du lịch của nước này. Brunei lại duy trì chính sách tỉ giá ngang bằng tiền Singapore nên Brunei trở thành một trong những nơi sinh sống và làm việc đắt đỏ nhất khu vực.

Trong khi đó, Malaysia đang nỗ lực tiến gần Singapore. Hiện tại, nước này là quốc gia thứ 3, chỉ sau Singapore và Brunei đạt GDP bình quân đầu người cao nhất khu vực Đông Nam Á, theo IMF. Xét trên các bình diện khác như môi trường kinh doanh, Malaysia cũng chỉ thua Singapore trong khối ASEAN, theo World Bank. Đặc biệt, Malaysia rất chú trọng đến đào tạo chất lượng cao khi có gần 40 trường đại học ở Malaysia liên kết đào tạo với nhiều trường danh tiếng trên thế giới như RMIT, Queensland của Úc, Học viện Toulouse ở Pháp... để cấp bằng quốc tế. Văn bằng này có giá trị tương đương như khi theo học tại Anh, Úc, Mỹ... Vì thế, Malaysia cũng là quốc gia xuất khẩu giáo dục và đang đào tạo cho khoảng 50.000 sinh viên từ hơn 100 nước.

Về cơ sở hạ tầng, báo cáo của WEF cho thấy, Malaysia có hạ tầng giao thông tốt nhất khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 11 thế giới. Ngoài ra, nghiên cứu của nhóm tư vấn Citi Research cũng nêu rõ, chỉ có cảng của Malaysia và Singapore là tấp nập, hiện đại nhất, nằm trong top 50 của thế giới.

Đối với thu hút vốn đầu tư nước ngoài, từ năm 2016 đến nay, Malaysia đã nhường ngôi vị dẫn đầu thu hút vốn FDI cho Việt Nam. Tuy nhiên, cách thu hút vốn FDI của Malaysia được các chuyên gia đánh giá là khôn ngoan khi Malaysia từng thu hút được trung bình 60-70 tỉ USD mỗi năm, đến từ các nước như Nhật, Mỹ, Singapore, Hà Lan... Theo Giáo sư Trần Văn Thọ, đây là những quốc gia công nghiệp thuộc thế hệ thứ nhất, thứ hai, giúp Malaysia hưởng lợi về chuyển giao công nghệ, tri thức quản lý và các mô hình kinh doanh tiên tiến.

Trong khi đó, ở Việt Nam, hơn 1/2 vốn FDI đến từ Trung Quốc và các nước ASEAN - những quốc gia có sự phát triển không cách biệt nhiều so với Việt Nam.WEF cũng đánh giá, FDI vào Việt Nam chủ yếu nhằm vào lao động giá rẻ và tài nguyên thiên nhiên.

Malaysia hiện chứng kiến tăng trưởng kinh tế chậm lại. Ngân hàng Trung ương Malaysia (BNM) đã đưa ra dự báo nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng chỉ 4,3-4,8% trong năm 2017. Dù GDP của Malaysia ở quý I/2017 đã tăng 5,6%, cao nhất trong 2 năm trở lại đây nhưng con số này vẫn thấp hơn một số nước Đông Nam Á. Ấn bản mới nhất của World Bank chỉ ra Lào, Campuchia, Philippines, Myanmar mới là những quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh nhất, không chỉ ở Đông Nam Á mà còn trên thế giới.

Campuchia sẽ vượt lên?

Theo World Bank, giai đoạn 2017-2019, Campuchia, Lào, Myanmar sẽ là các nền kinh tế tăng trưởng nhất châu Á, chỉ sau Ấn Độ, đạt tốc độ tăng trưởng duy trì gần sát mức 7%. Cả 3 nước này hiện tập trung nguồn lực với hy vọng sớm rũ bỏ hình ảnh nền kinh tế kém phát triển nhất khu vực. Nhưng Campuchia là quốc gia có nhiều động thái tích cực nhất.

Năm ngoái, trong báo cáo của mình, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) từng nhận định, Campuchia đang tăng trưởng kinh tế theo kiểu “công xưởng châu Á”, tức dựa vào giá nhân công rẻ và tập trung xuất khẩu. Hiện tại, với mức lương bình quân khoảng 153 USD/tháng, Campuchia đã thu hút được nhiều công ty may mặc, giày dép đến mở xưởng. Đáng chú ý, Campuchia đã thuyết phục được nhiều nhà máy Trung Quốc đặt trụ sở sản xuất ở nước mình.

Trung Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Campuchia. Trong 12 năm qua (1994-2016), theo Khmer Times, tổng đầu tư của Trung Quốc vào Campuchia đã lên đến 14,7 tỉ USD. Các ngành được Trung Quốc rót vốn nhiều nhất là nông nghiệp (cao su), chế biến nông sản (lúa gạo), công nghiệp (gia công may mặc), hạ tầng, năng lượng (thủy điện, nhiệt điện), dịch vụ và du lịch (resort, khách sạn...).

Về hạ tầng công nghiệp, Trung Quốc đã đầu tư vào đặc khu kinh tế Sihanoukville và Kampong Speu, tham gia nhiều dự án cầu đường, bất động sản ở Campuchia như cầu New Chroy Changvar, tòa nhà One Park, Thai Boon Roong (cao nhất Đông Nam Á), cao tốc Sihanoukville - Phnom Penh (1,9 tỉ USD)... Đặc biệt, Campuchia được xem là một phần tất yếu trong sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc, qua hợp tác thuê bờ biển, thuê cảng Sihanouk.

Với sự hiện diện sâu rộng của Trung Quốc, Campuchia đã duy trì tăng trưởng GDP ở mức 7% suốt 1 thập niên qua. Còn theo số liệu mới nhất của Bộ Nông nghiệp Campuchia, nửa đầu năm 2017, Campuchia đạt tăng trưởng xuất khẩu lúa gạo và cao su gấp đôi so với cùng kỳ.

Đối với khả năng sản xuất và năng lực cạnh tranh doanh nghiệp, theo WEF, Campuchia đã vượt trội hơn cả Việt Nam. Trong tương lai, như Douglas Clayton, CEO quỹ Leopard Capital, từng nhận xét, với đặc điểm của một thị trường tự do cởi mở, đối xử với người nước ngoài và người trong nước như nhau, dòng vốn ra vào Campuchia không bị kiểm soát, cùng cơ chế tỉ giá thả nổi có kiểm soát hay người nước ngoài sở hữu 100% căn hộ..., Campuchia sẽ còn hấp dẫn giới đầu tư. Campuchia đang được ví như viên ngọc thô, thêm bàn tay tinh tế của người thợ sẽ tỏa sáng.

Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý Campuchia về yếu tố Trung Quốc chi phối, nhất là khi “không có bữa tiệc nào là miễn phí”. Ngoài ra, ADB khuyến nghị Campuchia cần thay đổi chiến lược phát triển kinh tế vì có thể sẽ bị cạnh tranh bởi những nước như Myanmar.

Ý kiến của bạn

Bình luận