Ai chống lưng cho "tập đoàn xe dù" Phúc Lộc Thọ lộng hành công khai?

Tác giả: Nhóm PV

saosaosaosaosao
Đường dây nóng 24/02/2017 14:14

Từ Nam Định đi Hà Nội có ít nhất 5 trạm CSGT và chốt chặn của TTGT. Như một phép màu, chiếc xe dù của Phúc Lộc Thọ không bị kiểm tra.


Từ lâu, Group Phúc Lộc Thọ (nhà xe – PV) có đoàn xe uy quyền như “xe vua”. Những chiếc xe diễu trước mặt cơ quan chức năng mà không bị xử lý, thậm chí lách thuế. Có người ví đây là “tập đoàn xe dù” có “số má” tuyến Nam Định – Hà Nội. 

unnamed (3)
Hành khách vạ vật chờ xe tại văn phòng Phúc Lộc Thọ Nam Định.

Đặt chỗ công khai, thu tiền như bán rau

Những chiếc xe Limousine hạng “Vip” loại 19 chỗ của nhà xe Phúc Lộc Thọ được Sở GTVT Hà Nội cấp phù hiệu Hợp đồng (HĐ) chuyên phục vụ khách đoàn đi tham quan, du lịch, đám cưới, đám ma..., nhưng hoạt động không khác gì xe khách với đủ “chiêu” lách luật. Việc đón trả khách trái phép diễn ra công khai ở một “bến xe ngầm” có khuôn viên rộng hàng nghìn mét tại lô 5, quốc lộ 10 (phường Lộc Vượng – TP.Nam Định). 

Nhập vai hành khách muốn đi Hà Nội, sáng ngày 22/2, chúng tôi gọi điện tới tổng đài tư vấn và đặt vé của nhà xe Phúc Lộc Thọ đặt chỗ từ Nam Định đi Hà Nội. Đầu kia, nữ nhân viên đon đả tư vấn: “xe Limousine VIP loại 19 chỗ có giá cước là 100 nghìn, có nhiều chuyến, anh đi chuyến nào?”. Chúng tôi đặt 2 vé đi Hà Nội vào lúc 10h30p và được nữ nhân viên căn dặn:” xe không vào bến xe Nam Định, các anh ra “bến xe” của nhà xe ở lô 5, quốc lộ 10 (đối diện sân vận động tỉnh Nam Định) để lên xe”.

unnamed
"Đại bản doanh" có công năng như một "bến xe" phục vụ hoạt động đón, trả khách của nhà xe Phúc Lộc Thọ nằm trên quốc lộ 10, TP Nam Định

Để quản lý các loại hình vận tải, cơ quan chức năng cấp phù hiệu “xe chạy tuyến cố định” (thường gọi tắt là xe khách) và “xe hợp đồng” với các nguyên tắc hoạt động khác nhau. Không khó nhận ra, trên kính của hầu hết các xe Phúc Lộc Thọ đều mang phù hiệu xe hợp đồng nhưng được vận hành như xe khách với những thủ thuật không khó phát hiện. Do xe hợp đồng không được bán vé nên nhà xe Phúc Lộc Thọ cấp cho khách “phiếu thu” để lách luật. 

Theo sự hướng dẫn của nhân viên xe Phúc Lộc Thọ, PV đã tìm đến địa chỉ trên để đặt chỗ và thanh toán số tiền là 200 nghìn đồng cho 2 tấm phiếu thu đối chuyến xe khởi hành đi Hà Nội lúc 10h30p cùng ngày.

Quan sát kỹ phiếu thu được nhà xe Phúc Lộc Thọ bán ra cho hành khách, PV không khỏi giật mình bởi trên tấm phiếu này có đầy đủ thông tin như: giá cước, lộ trình tuyến, mã số thuế, … phiếu thu này tương tự như một vé xe của xe khách chạy tuyến cố định.

unnamed (5)
Tấm phiếu thu thể hiện việc nhà xe Phúc Lộc Thọ chạy tuyến cố định Nam Định - Hà Nội.

 Theo Điều 45, Thông tư 63/2014/TT-BGTVT của Bộ GTVT quy định rõ: “Các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe chỉ được đón, trả khách tại các địa điểm đã ghi trong hợp đồng và thu cước vận tải theo giá trị hợp đồng đã ký kết; không được bán vé, thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức…” Như vậy, việc tổ chức đặt chỗ, thu tiền, phát hành phiếu thu của nhà xe Phúc Lộc Thọ đã “phớt lờ” các quy định của Nhà nước và sự chỉ đạo của Bộ GTVT.

Đặc biệt, đối với tấm phiếu thu này, nhà xe Phúc Lộc Thọ khẳng định rằng: “mức giá 100 nghìn đồng trên đã  bao gồm 10% VAT và có bảo hiểm hành khách”.

Lúc chúng tôi có mặt (9h30 phút), hàng chục người lỉnh kỉnh đồ đạc đang chờ xe tới đón. Sự nhộn nhịp, đông đúc của nơi này không thua kém bến xe nào.  

Theo quan sát của PV, “bến xe” độc quyền của Phúc Lộc Thọ rộng hàng nghìn m2, với đầy đủ điểm đón tiếp, đặt chỗ, nhà chờ, nơi xếp khách và tập kết hàng hóa…

unnamed (6)
Phụ xe thu tiền trực tiếp từ hành khách. Giá vé niêm yết cho tuyến Nam Định - Hà Nội là 100 nghìn đồng.

Được biết  “bến xe” tại lô 5, quốc lộ 10 đi vào hoạt động công khai từ đầu năm 2016 cho đến nay. Bên trong “bến xe” này là các dãy nhà “di động” kiên cố. Có hệ thống điện, nước, mạng Internet... đầy đủ.

Đúng 10h30p, xe Limousine BKS 29B-160.84 của Phúc Lộc Thọ “cập bến” đón khách, lần lượt hàng chục hành khách hành lý cồng kềnh, tay xách nách mang vội vã lên xe.

Khi xe lăn bánh, với vẻ mặt cau có, phụ xe Phúc Lộc Thọ cặm cụi xin họ và tên từng hành khách nhằm “thiết lập” nên một bản danh sách hợp đồng “ma”. Tiếp đến, nhân viên này gằn giọng, nói: “hành khách cho nhà xe thu tiền. 100 nghìn đồng/ người”. Sau đó, anh này đi thu tiền từng khách, không khác cách vận hành của các xe “dù”. 

unnamed (2) - Copy
 Nhà xe này sử dụng xe trung chuyển loại 16 chỗ "gom khách" từ  trung tâm TP.Nam Định ra "bến xe"  để xếp khách.

Lý giải về màn “ảo thuật” này, nhân viên này tiết lộ: “bây giờ có quy định mới, phải có danh sách hành khách đi xe để nhỡ Công an, Thanh tra giao thông có kiểm tra thì còn có cái mà xuất trình”. 

Theo đó, bản hợp đồng do nhà xe Phúc Lộc Thọ “thiết lập” đều thể hiện rõ số lượng hành khách, tên, địa chỉ, điểm đón, trả…

unnamed (13)
Văn phòng bán vé xe Phúc Lộc Thọ luôn có sự vận hành từ 5 - 7 nhân viên.

Đủ chiêu trò “lách luật”

Tuy nhiên, khi chiếu theo thông theo Nghị định 86/2014/NĐ-CP về Kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô đối với xe Hợp đồng thì rõ ràng “chiêu trò” qua mặt các cơ quan chức năng của nhà xe Phúc Lộc Thọ là chưa đủ thuyết phục.

Bởi, quy định nêu rõ: Đối với xe hợp đồng, trước khi thực hiện hợp đồng được ký kết, đơn vị kinh doanh vận tải phải thông báo với Sở GTVT nơi cấp Giấy phép kinh doanh vận tải các thông tin cơ bản của chuyến đi bao gồm: Hành trình, số lượng khách, các điểm đón, trả khách, thời gian thực hiện hợp đồng.

unnamed (8)

Hàng chục hành khách hành lý cồng kềnh, tay xách nách mang vội vã lên xe.

Phân tích về “chiêu trò” này, phóng viên hoài nghi về việc: bản danh sách hành khách “chống chế” được nhà xe Phúc Lộc Thọ lập ra trong quá trình xếp khách. Điều này đồng nghĩa với việc, nhà xe này rất có thể sẽ không có thông báo nào gửi về đầu Sở GTVT Hà Nội theo Nghị định 86/2014/NĐ-CP.

Quay trở lại hành trình của chiếc xe 28B-160.84 của nhà xe Phúc Lộc Thọ, sau khi “gom” đủ hành khách, chiếc xe này chạy theo lộ trình Bic C Nam Định – Quốc lộ 21 – cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ - đường Vành đai 3 – Khuất Duy Tiến – Bic C Thăng Long và có điểm cuối là số 44 Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội). 

Sau khoảng 130 phút bứt tốc, vượt qua hàng chục tổ công tác làm nhiệm vụ trên đường, chiếc xe này nhanh chóng cập “bến” tại cổng nhà văn hóa Quận Thanh Xuân trả khách. Khi chiếc xe này vào bến, cũng là lúc lực lượng xe ôm, taxi ùn ùn kéo đến quây kín hành khách, tất cả tạo nên một khung cảnh hỗn loạn, ùn ứ về giao thông.

unnamed (7)
Cổng nhà văn hóa quận Thanh Xuân trở thành "bến cóc" phục vụ hoạt động đón, trả khách của nhà xe Phúc Lộc Thọ.

Theo tài liệu ghi lại của PV, từ nhiều ngày nay, cổng nhà văn hóa quận Thanh Xuân  nghiễm nhiên là “bến cóc” thuộc sự “vận hành” độc quyền của nhà xe Phúc Lộc Thọ. Đây được mặc định là nơi đón, trả khách cố định tuyến Hà Nội – Nam Định và ngược lại. Đặc biệt, 2/3 lòng đường trước cổng nhà văn hóa Thanh Xuân bị nhà xe này biến thành điểm đón, trả khách tuyến Nam Định – Hà Nội, song không thấy bóng dáng của lực lượng Thanh tra giao thông quận Thanh Xuân, Đội CSGT số 7, Đội CSTT– CA quận Thanh Xuân xử lý.

Từ Nam Định đi Hà Nội có ít nhất 5 trạm CSGT và chốt chặn của TTGT. Như một phép màu, chiếc xe dù của Phúc Lộc Thọ không bị kiểm tra...

Vì xe “tập đoàn xe dù” Phúc Lộc Thọ nghiễm nhiên “đè” trên Luật để tồn tại? Phải chăng có yếu tố “bảo kê” từ các cơ quan chức năng TP. Hà Nội và tỉnh Nam Định?

Chúng tôi tiếp tục thông tin ở bài sau.

Ý kiến của bạn

Bình luận