9 tháng giải ngân trên 39 nghìn tỷ đồng

Tác giả: Hà Lê

saosaosaosaosao
Thị trường 21/10/2016 04:46

Đẩy mạnh công tác thanh, quyết toán các dự án BOT và đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho các dự án là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ GTVT.

Anh 1
Cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới sẽ hoàn thành trong năm 2016

Tại Hội nghị sơ kết 9 tháng năm 2016, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, đối với công tác đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT), Bộ GTVT đã kiện toàn Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT; điều chỉnh, bổ sung quy định về nâng cao trách nhiệm bảo hành đối với các dự án xây dựng công trình KCHTGT đường bộ; ban hành quy định tạm thời về việc sử dụng thông tin công bố hàng năm về kết quả thực hiện của các nhà thầu xây lắp và tổ chức tư vấn xây dựng...; đã tiến hành rà soát, tổ chức, đánh giá và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội về công tác đầu tư KCHTGT theo hình thức hợp đồng BOT và BT giai đoạn 2011 - 2015; phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức Hội nghị chuyên đề về huy động nguồn lực phát triển KCHTGT và hệ thống logistics vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020; tập trung nghiên cứu, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Chương trình đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020; khẩn trương hoàn thành các thủ tục để khởi công các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên... Đối với Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, phương án thi tuyển kiến trúc nhà ga đang được đánh giá xếp hạng và sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trong tháng 10/2016. Bộ cũng đã phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai và các bộ, ngành liên quan tập trung nghiên cứu và xây dựng cơ chế đặc thù về công tác giải phóng mặt bằng cho Dự án. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiến hành thẩm định.

Trong 9 tháng đã hoàn thành 44 công trình, dự án để đưa vào khai thác; hoàn tất công tác chuẩn bị để triển khai thi công 13 công trình, dự án. Kết quả thực hiện các dự án ước đạt trên 39 nghìn tỷ đồng, đạt 50,74%; giải ngân ước đạt gần 39.300 tỷ đồng, đạt 51,12% kế hoạch năm 2016. Các cơ quan, đơn vị đã lập, trình duyệt quyết toán 680 công trình, dự án hoàn thành, đạt 88% kế hoạch; hoàn thành thẩm tra, phê duyệt quyết toán 670 công trình, dự án, đạt 94% kế hoạch năm 2016. Trong đó, đã lập, trình duyệt quyết toán 29/53 dự án BOT, BT hoàn thành và đã hoàn thành thẩm tra, thỏa thuận, phê duyệt quyết toán 17 dự án.

Công tác quản lý KCHTGT tiếp tục được tăng cường, bảo đảm khai thác hiệu quả nhất hệ thống KCHTGT hiện có. Công tác bảo trì KCHTGT các lĩnh vực được triển khai bảo đảm kế hoạch đề ra. Tổng thu phí sử dụng đường bộ 9 tháng đầu năm 2016 ước đạt trên 4.300 tỷ đồng, đạt 70,4% kế hoạch năm 2016; đã giải ngân trên 4.300 tỷ đồng cho Tổng cục ĐBVN và gần 1.700 tỷ đồng cho các địa phương để thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường bộ năm 2016.

Bên cạnh đó, công tác sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động các doanh nghiệp nhà nước được triển khai mạnh mẽ. Bộ đã thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa, phê duyệt đơn vị tư vấn và thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa đối với 02 bệnh viện và 02 trường thuộc Bộ; đã hoàn thành quyết toán, bàn giao vốn nhà nước sang công ty cổ phần đối với 12 công ty cổ phần; đã phê duyệt nhà đầu tư chiến lược của Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam và cổ đông chiến lược của Tổng công ty Hàng không Việt Nam; tiếp tục thực hiện tái cơ cấu các Tổng công ty như Vinalines, VEC, Cửu Long theo đúng chỉ đạo của Chính phủ; đã hoàn thành thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Cienco 6, TEDI, Vận tải thủy, Vinamotor và thoái 23,18% vốn điều lệ tại Cienco 5 với tổng giá trị thu nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp tại SCIC trên 2.000 tỷ đồng, bằng 134% giá trị mệnh giá; đã hoàn thành việc chuyển giao quyền đại diện sở hữu nhà nước tại Tổng công ty Thăng Long sang SCIC và đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc chuyển giao đối với 3 Tổng công ty: Cienco 5, Cienco 8, Xây dựng đường thủy; Công ty Tracimexco và 8 công ty cổ phần quản lý bảo trì đường thủy nội địa.

Về công tác khoa học và công nghệ (KH&CN): Bộ đã ban hành 01 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, 6 tiêu chuẩn cơ sở và phối hợp với Bộ KH&CN ban hành, công bố 16 tiêu chuẩn Việt Nam; hoàn thiện, ban hành một số chỉ dẫn, quy định kỹ thuật trong lĩnh vực xây dựng giao thông, nhất là đối với kết cấu mặt đường ô tô; triển khai công tác thử nghiệm một số công nghệ, vật liệu mới; triển khai ứng dụng các công nghệ hiện đại về kiểm soát giao thông, kiểm soát tải trọng, thu phí điện tử trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ; tổng kết hoạt động KHCN ngành GTVT giai đoạn 2011 - 2015, triển khai phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020.

Về công tác thanh tra, kiểm tra; phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Thanh tra Bộ đã chủ trì triển khai tổng số 41 cuộc thanh tra, kiểm tra, qua đó đã kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước với tổng số tiền trên 28 tỷ đồng, kiến nghị giảm trừ so với hợp đồng BOT trên 2.000 tỷ đồng, kiến nghị rà soát để quyết toán và xử lý kinh tế với tổng số tiền trên 1.000 tỷ đồng, kiến nghị xử lý trách nhiệm với nhiều tập thể, cá nhân có liên quan; đã kiến nghị xử lý các vi phạm trong các lĩnh vực chuyên ngành như kiểm soát tải trọng phương tiện, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, hoạt động kinh doanh vận tải, hoạt động nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTVT, công tác ATGT, an toàn lao động, vệ sinh môi trường một số công trình đang thi công. Thanh tra Tổng cục ĐBVN, các cục quản lý chuyên ngành và 63 sở GTVT trên toàn quốc đã thực hiện 72.698 cuộc thanh tra, kiểm tra; quyết định xử phạt 66.397 vụ vi phạm với số tiền trên 386 tỷ đồng, tạm giữ 358 ô tô, đình chỉ hoạt động 706 bến và 438 phương tiện thủy nội địa, giám sát 454 kỳ sát hạch lái xe ô tô, 580 kỳ sát hạch lái xe mô tô.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, như: Trong 9 tháng năm 2016 vẫn còn 01 dự thảo nghị định phải xin lùi thời gian trình do có nhiều nội dung mới cần thêm thời gian nghiên cứu. Do ảnh hưởng lớn từ sự cố sập cầu Ghềnh vào cuối tháng 3/2016 nên sản lượng vận tải đường sắt sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2015. Tình hình TNGT vẫn đang có diễn biễn phức tạp, số người chết vì TNGT vẫn ở mức cao. Công tác quyết toán còn chậm tại một số dự án, nhất là các dự án BOT.

Ông  Đỗ Văn Quốc - Vụ trưởng Vụ Tài chính cho biết, công tác lập và trình báo cáo quyết toán dự án hoàn thành sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Trong 9 tháng năm 2016, lập và trình được 680 dự án với giá trị là hơn 67.614 tỷ đồng, đạt 88% so với kế hoạch cả năm về số lượng dự án. Một số ban cần phải tập trung tăng tốc như Ban QLDA ATGT, Ban QLDA Thăng Long, Ban QLDA1, Ban QLDA8, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh; Ban QLDA đường sắt và các sở GTVT. Bên cạnh đó, công tác thẩm tra, phê duyệt được 670 dự án đã hoàn thành với giá trị phê duyệt là hơn 34 nghìn tỷ đồng, đạt 94% kế hoạch cả năm về số lượng dự án. Cũng trong 9 tháng, Cục QLXD&CLCT GTVT đã hoàn thành công tác thẩm tra, thẩm định dự toán đối với 18/32 dự án BOT, các ban QLDA lập và trình 13 dự án quyết toán của các đơn vị.

 

 

Ý kiến của bạn

Bình luận