9 năm Thủ đô “còng lưng” xóa “điểm đen” ùn tắc giao thông

Tác giả: minh lê

saosaosaosaosao
31/01/2017 03:44

Sau 9 năm thực hiện Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP ngày 31/7/2008 của Chính phủ về từng bước khắc phục UTGT trên địa bàn các thành phố lớn, đến nay Hà Nội đã xóa được trên 70% số “điểm đen” UTGT.

 

2
Cầu vượt thép giúp giảm UTGT nội đô

Xóa trên 70% điểm ùn tắc

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết: “Sau 9 năm thực hiện, đến nay Hà Nội đã giảm được 70% số “điểm đen” UTGT. Nếu như năm 2010 Hà Nội có tới 124 “điểm đen” UTGT thì đến năm 2016, con số này chỉ còn 41 điểm. trong đó 20/44 “điểm đen” tồn đọng từ năm 2015 đã được giải quyết. Song song với đó, do một số công trình trọng điểm như: Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, Cát Linh - Hà Đông... đang thi công, cộng với sự gia tăng đột biến của phương tiện cá nhân nên phát sinh thêm 17 “điểm đen” mới.

Tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông tại Hà Nội năm 2008 chỉ đạt 7% nhưng đến hết 2016 đã đạt 8,9% diện tích đất xây dựng đô thị, trong đó diện tích đất dành cho giao thông tĩnh từ 3 - 4%, đạt yêu cầu kế hoạch đề ra.

Ông Hùng cho biết thêm: “Để đạt được thành quả đó, 9 năm qua Hà Nội đã không ngừng nỗ lực, tháo gỡ khó khăn trên tất cả các lĩnh vực: Xây dựng hạ tầng giao thông, mạng lưới vận tải hành khách công cộng (VTHKCC); quy hoạch, phát triển hệ thống GTVT cả đường bộ, hàng không và đường thủy”.

Theo thống kê, đến tháng 11/2016, mạng lưới xe buýt Thủ đô đã có 97 tuyến, trong đó có 73 tuyến trợ giá, 11 tuyến không trợ giá, 9 tuyến kế cận, 4 tuyến thí điểm với trên 1.500 phương tiện, tổng chiều dài toàn mạng lưới trên 1.700km. Năm 2008, xe buýt chỉ đạt tỷ lệ đảm nhiệm VTHKCC 7%, đến năm 2016 đã đạt tỷ lệ đảm nhiệm 20%. Bên cạnh xe buýt truyền thống, tuyến buýt nhanh BRT đầu tiên của Hà Nội và cũng là đầu tiên trên toàn quốc (mã số BRT 01 Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa) cũng đã hoàn thành, chính thức đưa vào vận hành từ ngày 01/01/2017.

Bên cạnh đó, các tuyến đường sắt đô thị: Nhổn - ga Hà Nội, Cát Linh - Hà Đông đang được gấp rút đẩy nhanh tiến độ, dự kiến đưa vào khai thác trước năm 2020, hình thành mạng lưới VTHKCC khối lượng lớn, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu đi lại cho nhân dân Thủ đô.

Về giao thông tĩnh, tổng số dự án xây dựng bến, bãi đỗ xe tĩnh đã được UBND Thành phố phê duyệt chủ trương trong giai đoạn 2011 - 2015 là 88 dự án, đến nay đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng 20 bến, bãi đỗ xe; đang tiếp tục triển khai 16 dự án khác; 52 dự án đã có chủ trương của Thành phố cho nghiên cứu hoặc nhà đầu tư đề xuất nhưng chưa triển khai thực hiện đầu tư. Hiện nay, tổng diện tích giao thông tĩnh trên địa bàn Thành phố là 91,16ha, chiếm 0,21% đất xây dựng đô thị, đáp ứng được 8 - 10% nhu cầu đỗ xe.

Về hạ tầng giai đoạn 2008 - 2016, trên cơ sở các quy hoạch được duyệt, TP. Hà Nội đã tập trung mọi nguồn lực để triển khai, hoàn thành và đưa vào sử dụng 10 cầu vượt kết cấu thép lắp ghép tại một số nút giao trọng yếu như: Ngã Tư Sở, Hoàng Minh Giám - Nguyễn Chánh, Lê Văn Lương - Láng… cùng hơn 80 công trình giao thông quan trọng, với tổng vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng.

1
Sau 9 năm, đến nay Hà Nội đã cải thiện được trên 70% "điểm đen" UTGT

Không được chủ quan, lơi là

Nhiều dự án giao thông quan trọng do Bộ GTVT đầu tư trên địa bàn Thành phố như: Cầu Nhật Tân; đường Nhật Tân - Nội Bài; vành đai III trên cao; Nhà ga hành khách T2 - Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài; các tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Nguyên, Nội Bài - Lào Cai... cũng đã được hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần quan trọng kết nối giao thương giữa Hà Nội với vùng trọng điểm Bắc bộ và cả nước.

Trước những bước đột phá trong công tác giảm thiểu UTGT trên địa bàn Thủ đô trong những năm qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương và ghi nhận những nỗ lực của Thành ủy, HĐND và UBND TP. Hà Nội trong việc thực hiện các giải pháp để khắc phục tình trạng UTGT theo chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên theo Phó Thủ tướng, công tác giảm UTGT và TNGT trên địa bàn Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số đô thị lớn còn diễn biến phức tạp. 

Chính phủ yêu cầu Hà Nội tập trung, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 16/NQ-CP; quan tâm quy hoạch hạ tầng đồng bộ, đẩy mạnh xã hội hóa, ứng dụng công nghệ thông tin vào điều hành giao thông, phát triển giao thông kết nối với các tỉnh, thành phố phía Bắc, tạo hành lang ATGT thông suốt theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đặc biệt, cần gắn trách nhiệm của chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành, địa phương, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác bảo đảm ATGT.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, những năm gầy đây Hà Nội phát triển kinh tế ở mức cao, cùng với đó việc phát triển đô thị, phương tiện giao thông lớn, ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị. Trong khi đó, hạ tầng giao thông hoàn thành nhưng chưa được khép kín, các nút giao thông lớn chưa hoàn thiện, phương tiện cá nhân tăng cao khi một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông ý thức còn thấp… Trong bối cảnh khó khăn ấy, Thành phố đã từng bước vượt qua khó khăn thách thức, bảo đảm TTATGT, số vụ ùn tắc giảm dần cả về số vụ và thời gian ùn tắc, TNGT luôn giảm cả 3 tiêu chí.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 16 của Chính phủ, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung yêu cầu các sở, ngành và UBND các quận, huyện thực hiện nghiêm các giải pháp trong Nghị quyết 16/NQ-CP đã nêu. Ngoài ra, Sở GTVT thực hiện phân luồng bến bãi xe khách liên tỉnh và phối hợp với Công an Thành phố theo dõi, đánh giá lại tình hình UTGT để tìm ra căn nguyên và có giải pháp hữu hiệu.

Ý kiến của bạn

Bình luận