74 năm Truyền thống ngành GTVT(28/8/1945-28/8/2019): “Tăng tốc“ chuẩn bị cho “nhiều việc lớn”

Tác giả: Việt Cường

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 02/09/2019 06:55

Trục kết nối cao tốc Bắc - Nam đang hình thành trên bản đồ giao thông quốc gia, như một mạch máu đỏ chạy dọc “cơ thể” đất nước Việt Nam. Một “đại công trường” đang được dựng lên với nhiều kỳ vọng. 74 năm Truyền thống cũng là 74 dấu mốc đánh dấu sự trưởng thành, lớn mạnh của ngành GTVT trên tất cả các lĩnh vực. Lá cờ truyền thống mãi là biểu tượng cao quý để những con người GTVT noi theo, phấn đấu và rèn luyện.

ah 74 nam

Đại công trường" đang dần hình thành khi tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam được triển khai xây dựng

Ngoảnh lại quá khứ thấy vẫn còn vẹn nguyên những cuộc trường chinh giữ nước. Bom rơi đạn nổ cày xới những con đường - mạch máu giao thông của đất nước. Là con Lạc cháu Hồng, “nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, lớp lớp thanh niên lên đường tòng quân đánh giặc, bao thế hệ thanh niên xung phong “vượt ngàn khó nguy” chở đầy những chuyến xe từ hậu phương gửi ra tiền tuyến. Những con đường, từng cây cầu trở nên gắn bó, tiếp thêm sức mạnh cho những đôi chân hành quân không mỏi. 

Lịch sử ngành GTVT còn ghi dấu bao chiến công hiển hách, ngoan cường. Mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn đều có những con đường, cây cầu làm nên lịch sử. Đó là đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, cầu Long Biên, cầu Hàm Rồng… Tất cả giờ đã trở thành những địa danh huyền thoại, được nhắc đến với lòng tự hào của nhân dân cả nước nói chung và những người làm GTVT nói riêng.

74 năm dựng xây và phát triển, các lĩnh vực của ngành GTVT đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, đóng góp vào sự nghiệp kiến thiết đất nước, từng bước hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. 

Phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020, với sự huy động sức mạnh tổng lực, năm 2019 được toàn ngành GTVT xác định là năm “tăng tốc”, chuẩn bị cho “nhiều việc lớn” đang ở phía trước.

Tại hai trung tâm kinh tế của đất nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, hệ thống đường sắt đô thị đang được đầu tư xây dựng, có những tuyến chuẩn bị đưa vào khai thác. Việc hình thành các tuyến đường sắt đô thị sẽ góp phần giải quyết bài toán UTGT bấy lâu nay, tạo không gian đô thị hiện đại, kết nối, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Đến nay, những khó khăn đang được Bộ GTVT xem xét tháo gỡ, sớm đưa dự án vào vận hành. 

Đối với các công trình trọng điểm như: Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, Dự án mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, các đơn vị, bộ phận đang tích cực, gấp rút chuẩn bị, hoàn thiện những điều kiện cả về chính sách và nguồn vốn. Đối với những dự án đã được phê duyệt sẽ phải bám sát tiến độ, kịp thời tháo gỡ khó khăn,  sớm triển khai thi công, xây dựng.

Đối với Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đến nay đã cơ bản bàn giao toàn bộ cọc giải phóng mặt bằng cho các địa phương để thực hiện kiểm đếm, đo đạc, lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng của 11 dự án thành phần; đang triển khai thiết kế kỹ thuật, dự toán đối với 11 dự án và phê duyệt dự toán được 25,14/98,3km (02/11 gói thầu); đã triển khai sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư đối với 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP. Do đây là dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa, vai trò đặc biệt nên Nhà nước sẽ bố trí vốn thực hiện toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng và bố trí vốn để hỗ trợ xây dựng công trình nhằm đảm bảo tính khả thi tài chính cho dự án. Đây là điểm mới, giải quyết mối quan ngại của các nhà đầu tư về việc giải phóng mặt bằng gây chậm tiến độ. Ngoài ra, khi tham gia vào dự án này, các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được hưởng các ưu đãi theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp, hàng hóa nhập khẩu. Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án còn được miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất đối với diện tích đất được Nhà nước giao hoặc miễn, giảm tiền thuê đất trong thời gian thực hiện dự án phù hợp với quy định pháp luật về đất đai, đồng thời được bảo đảm về quyền sở hữu tài sản trong thời gian dự án.

Với phương châm “Vì sự hài lòng hơn của người dân và doanh nghiệp”, các lĩnh vực của ngành GTVT đã có nhiều cải cách về thủ tục hành chính, quy trình phục vụ. Mới đây, Bộ GTVT đã đưa Bộ phận Một cửa tại Cơ quan Bộ vào hoạt động chính thức. Mô hình này có nhiều đổi mới so với cách thức giải quyết thủ tục hành chính hiện nay, trong đó người dân, doanh nghiệp là đối tượng phục vụ của cơ quan nhà nước, họ chỉ phải thực hiện nộp hồ sơ và nhận kết quả tại Bộ phận Một cửa. Việc giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo tính công khai, minh bạch…

Thực hiện mục tiêu nâng cấp hạ tầng giao thông phục vụ người dân, phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua với sự vận hành hiệu quả của Quỹ Bảo trì đường bộ, công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông trên tất cả các lĩnh vực được triển khai kịp thời, bảo đảm chất lượng, tiến độ đề ra. Quỹ Bảo trì đường bộ đã làm thay đổi cơ bản công tác bảo trì đường bộ, hạ tầng giao thông được đảm bảo an toàn, thông suốt. Nguồn vốn dành cho bảo trì đã được chủ động, góp phần nâng cao chất lượng công tác bảo trì trong nhiều năm qua. Việc sử dụng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương và các quỹ bảo trì đường bộ địa phương đã góp phần quan trọng trong việc bảo dưỡng kéo dài thời gian khai thác công trình đường bộ, sửa chữa kịp thời các hư hỏng trên hệ thống đường bộ, bảo đảm hệ thống đường bộ thông suốt, an toàn và phát huy hiệu quả, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước; bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh, phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội.

Ngoài đường bộ, các lĩnh vực xương sống khác như: Hàng hải, Hàng không, Đường sắt, Đường thủy nội địa, Đăng kiểm đã khắc phục khó khăn, không ngừng đổi mới, sáng tạo, tạo sự đột phá. Trong đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý điều hành cũng như vận hành hệ thống được lãnh đạo các đơn vị đặc biệt quan tâm, coi đó là yếu tố then chốt trong thời đại 4.0. Đặc biệt, nhiều giải pháp công nghệ đã được ứng dụng để đảm bảo TTATGT, giảm thiểu UTGT và TNGT trên địa bàn cả nước. Sắp tới, trên các tuyến đường bộ sẽ triển khai đồng bộ dịch vụ thu phí tự động không dừng, giúp tiết kiệm thời gian, tránh xảy ra ùn tắc cũng như minh bạch hóa hoạt động thu phí. Trong các đô thị lớn, hệ thống camera giám sát được ví như “cặp mắt thần” bao quát toàn bộ tình hình TTATGT, qua đó giúp lực lượng chức năng trong công tác tổ chức, điều tiết và xử lý vi phạm. Nhờ đó, tình hình TTATGT được cải thiện rõ rệt, kéo giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Đây là tín hiệu đáng mừng của Ngành song cũng đặt ra nhiều thách thức trước sự gia tăng nhanh của các phương tiện và áp lực về dân số, điều đó đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải luôn quyết liệt, cùng vào cuộc, có giải pháp căn cơ, bền vững.

Phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức song với tinh thần “dũng cảm, kiên cường”, “đi trước mở đường”, tin tưởng lớp lớp CB, CNVC, người lao động ngành GTVT sẽ phát huy truyền thống vẻ vang, thi đua lập thành tích, tạo dựng cho nước nhà những công trình giao thông hiện đại, bề thế, góp phần phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng

Ý kiến của bạn

Bình luận