5 điểm nhấn của ngành khoa học và công nghệ trong năm 2016

Ứng dụng 06/01/2017 05:03

5 nhà khoa học Việt lọt top 1% nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới, lần đầu trao giải thưởng Trần Đại Nghĩa ... đều là những sự kiện tiêu biểu và ghi lại dấu ấn đậm nét đối với ngành khoa học công nghệ trong năm 2016.

 

5 điểm nhấn của ngành khoa học và công nghệ trong
 PGS - TS Nguyễn Xuân Hùng (giữa)

5 người Việt top 1% nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới

Vào cuối tháng 11/2016, qua trang web hcr.stateofinnovation.thomsonreuters.com, Thomson Reuters đã công bố danh sách 3.266 nhà khoa học thuộc 21 chuyên ngành khoa học tự nhiên và khoa học xã hội có công bố có hệ số trích dẫn cao (Highly Cited Papers). Được biết, danh sách này được Thomson Reuters xác định dựa trên cơ sở các chỉ số khoa học cốt lõi của tổng số gần 130.000 bài báo có hệ số trích dẫn cao trong giai đoạn từ năm 2004 đến năm 2014.

Đáng chú ý, có 5 nhà khoa học người Việt đã được lọt vào danh sách trên: PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng (Đại học Công nghệ TP HCM), GS.TS Nguyễn Sơn Bình (Đại học Northwestern, Mỹ), GS.TS Nguyễn Thục Quyên (Đại học Univ Calif Santa Barbara, Mỹ), GS.TS Võ Văn Ánh (Đại học Công nghệ Queensland, Australia) và TS Trần Phan Lam Sơn (Viện nghiên cứu Riken, Nhật Bản).

Đặc biệt, đây là lần thứ ba liên tiếp, ông Nguyễn Xuân Hùng và Nguyễn Sơn Bình nằm trong danh sách. Còn bà Nguyễn Thục Quyên và ông Võ Văn Ánh đây là lần thứ hai liên tiếp được vào danh sách.

3.000 nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới do Thomson Reuters công bố ngày thuộc 21 lĩnh vực khoa học tự nhiên và xã hội. Trong đó, Mỹ đứng đầu với khoảng 1.500 nhà khoa học (chiếm 50%), Anh với khoảng 360 nhà khoa học (chiếm 12%), Trung Quốc khoảng 200 (chiếm 6%). Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore đứng đầu với 27, Malaysia 6 và Thái Lan 3 nhà khoa học.

Thomson Reuters là tổ chức hàng đầu thế giới chuyên theo dõi và công bố thông tin tri thức về chuyên gia nghề nghiệp toàn cầu. Danh sách này được truyền thông thế giới, các trung tâm nghiên cứu, trường đại học đánh giá là bản thành tích khoa học khách quan nhất.

Lần đầu trao giải thưởng Trần Đại Nghĩa

Vào tháng 9/2016 vừa qua, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã lần đầu tiên tổ chức Lễ trao Giải thưởng Trần Đại Nghĩa lần thứ nhất. Giải thưởng được tổ chức nhằm khuyến khích giới khoa học trong cả nước noi theo tấm gương của Viện sỹ Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa, nỗ lực nghiên cứu nhằm đạt được những kết quả khoa học xuất sắc và trực tiếp tổ chức triển khai ứng dụng các kết quả đó ở Việt Nam, góp phần đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh-quốc phòng của đất nước.

2 5 điểm nhấn của ngành khoa học và công nghệ tron

Trong 15 công trình khoa học tham gia xét chọn năm 2016, hội đồng đã đánh giá và lực chọn hai công trình tiêu biểu nhất, xứng đáng nhất để trao giải, đó là: công trình “Công nghệ sản xuất tinh quặng sắt, thép và vật liệu không nung từ bùn đỏ” của TS.Vũ Đức Lợi, Viện Hóa học, Viện Hàn lâm KHCNVN và TS.Nguyễn Văn Tuấn, Công ty Cổ phần thương mại Thái Hưng. Kết quả nghiên cứu của công trình đã cơ bản giải quyết vấn đề xử lý bùn đỏ, mở ra hướng đi mới trong việc sản xuất các vật liệu xây dựng không nung.

Công trình thứ hai là “Ứng dụng công nghệ tiên tiến sản xuất vắc xin phòng bệnh cho người” của GS.TSKH.Hoàng Thủy Nguyên và Cố GS.TSKH.Đặng Đức Trạch, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế. Kết quả công trình đã được ứng dụng trong các sản phẩm vắc xin dùng trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Nhờ đó, hàng triệu trẻ em Việt Nam tránh được những di chứng, tật nguyền nặng nề và phòng được dịch bệnh nguy hiểm do virus gây nên.

Hàng năm, Giải thưởng Trần Đại Nghĩa sẽ được trao tặng không quá ba Giải thưởng cho tác giả các công trình khoa học thuộc các lĩnh vực Toán học, Khoa học Thông tin và Khoa học Máy tính, Cơ học, Vật lý, Hóa học, Các khoa học về sự sống, Các khoa học về Trái đất (bao gồm Hải dương học) và Môi trường. Mỗi Giải thưởng trao tặng không quá ba nhà khoa học.

Sản xuất thành công vắc xin sởi - rubella

Vào tháng 11 vừa qua, Bộ Y tế đã thông qua kết quả thử nghiệm lâm sàng vắc xin phối hợp sởi - rubella (MR) do Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vắc xin và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC) sản xuất. Theo các chuyên gia, Việt Nam là 1 trong 25 quốc gia sản xuất được vắc xin trên thế giới và là nước thứ 4 tại châu Á có thể sản xuất vắc xin phối hợp sởi - rubella sau Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc.

3 5 điểm nhấn của ngành khoa học và công nghệ tron

Đây là vắc xin MR đầu tiên được chuyển giao công nghệ sản xuất thành công tại Việt Nam, trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường Năng lực sản xuất vắc xin phối hợp sởi - rubella” do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ. Dự án đã được POLYVAC bắt đầu triển khai từ tháng 5/2013, với tổng ngân sách khoảng 700 triệu yên Nhật.

Tháng 3/2016, với sự hỗ trợ của các chuyên gia Nhật Bản, vắc xin này đã được thử nghiệm lâm sàng và đánh giá là an toàn, hiệu quả cho người sử dụng.

Trong thời gian tới, POLYVAC sẽ hoàn thành các thủ tục liên quan đến cấp phép lưu hành sản phẩm, để có thể cung cấp vắc xin MR cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng, phục vụ tiêm miễn phí cho trẻ em Việt Nam dự kiến từ năm 2017.

Diễn ra sự kiện khởi nghiệp lớn nhất năm TECHFEST Việt Nam 2016

Vào trung tuần tháng 11/2016, sự kiện thường niên lớn nhất trong năm dành cho cộng đồng khởi nghiệp TECHFEST 2016 đã được tổ chức rất thành công. Đây là sự kiện do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chủ trì, phối hợp tổ chức với các bộ, ngành, các tổ chức chính trị – xã hội hỗ trợ khởi nghiệp.

4 5 điểm nhấn của ngành khoa học và công nghệ tron
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cùng lãnh đạo các Bộ, ngành đi thăm các gian chưng bày sản phẩm tiêu biểu của các DN tham dự TECHFEST 2016

Với quy mô lớn nhất tại Việt Nam, TECHFEST được tổ chức trong một không gian mở rộng khoảng 2.500m2, với khoảng 100 startup và 100 nhà đầu tư. Bên cạnh việc có mặt khá đầy đủ đại diện của các quỹ đầu tư mạo hiểm và các nhà đầu tư thiên thần, các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp của tư nhân và nhà nước tại Việt Nam, đây cũng là sự kiện khởi nghiệp đầu tiên ở Việt Nam quy tụ các lãnh đạo bộ, ban ngành và các nhà hoạch định chính sách như Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ Trưởng KH&CN Chu Ngọc Anh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông ... cùng trò chuyện và trao đổi với giới startup trong các tọa đàm mở về việc xây dựng chính sách hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam.

Chỉ diễn ra trong hai ngày nhưng TECHFEST đã để lại những dấu ấn và gây được tiếng vang lớn trong cộng đồng khởi nghiệp với trên 3.000 lượt người đến tham dự sự kiện; hơn 180 doanh nghiệp khởi nghiệp đã tham gia vào các hoạt động như triển lãm sản phẩm, dịch vụ, kết nối đầu tư, kết nối nhân lực và tìm kiếm các cơ hội hợp tác, giao lưu; 120 nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong và ngoài nước đến dự sự kiện để tìm kiếm cơ hội đầu tư, kết nối và hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam.

Bên cạnh đó 80 diễn giả đã tham gia vào chuỗi tọa đàm, hội thảo và cho thấy cái nhìn toàn cảnh về thực trạng cũng như triển vọng của hệ sinh thái khởi nghiệp. Ngoài ra, các hoạt động kết nối đầu tư, một trong những hoạt động quan trọng đã diễn ra liên tục xuyên suốt sự kiện, thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp đã kết nối 250 lượt nhà đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp.

Gắn thiết bị theo dõi nguồn phóng xạ

Vào ngày 30/9 vừa qua, tại Bộ KH&CN đã diễn ra lễ bàn giao hệ thống quản lý và giám sát các nguồn phóng xạ di động BKRAD giữa Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và Cục An toàn Bức xạ hạt nhân (ATBXHN). Hệ thống quản lý giám sát nguồn phóng xạ được tích hợp nhiều công nghệ định vị, truyền thông và cảm biến tiên tiến cho phép giám sát liên tục các nguồn phóng xạ trong điều kiện môi trường khác nhau.

5 5 điểm nhấn của ngành khoa học và công nghệ tron
Hệ thống BKRAD

Được biết, trong những năm gần đây khi chưa triển khai việc quản lý giám sát nguồn phóng xạ, nhiều nơi đã xảy ra tình trạng mất nguồn phóng xạ. Điều này tiềm ẩn nguy cơ lớn ảnh hướng đến nhiều mặt của đời sống nên nhu cầu cần có một hệ thống để kiểm soát an ninh các nguồn phóng xạ đặc biệt là nguồn phóng xạ sử dụng di động ngoài hiện trường rất cần thiết.

Chính vì vậy, nhằm đảm bảo an toàn và an ninh nguồn phóng xạ, Cục ATBXHN đã đặt hàng và giao Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì thiết kế chế tạo hệ thống giám sát nguồn phóng xạ từ tháng 10/2014. Đây được xem như là một nhiệm vụ Nhà nước đặt hàng và giao cho trường ĐH Bách Khoa thực hiện, xây dựng hệ thống giám sát an ninh nguồn phóng xạ bao gồm cả phần cứng và phần mềm để giúp cho việc quản lý các nguồn phóng xạ đáp ứng nhu cầu thực tế và cần thiết.

Hệ thống BKRAD có tính năng giám sát liên tục vị trí, trạng thái nguồn phóng xạ, đo suất liều bề mặt projector và đưa ra các mức cảnh báo cần thiết. Ngoài ra, hệ thống này có kỹ thuật định vị và truyền thông tin cậy với các thiết bị vệ tinh, hạ tầng thông tin di dộng, bộ đàm, hệ thống wi-fi và RFID, internet. BKRAD tiêu thụ năng lượng thấp, sử dụng pin dung lượng cao, xả nạp nhiều lần. Kết cấu cơ khí có thể chống bụi, chống nước, chịu va đập, tháo lắp bằng dụng cụ chuyên dụng và không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của projector.

Ý kiến của bạn

Bình luận