4,779 tỷ USD đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Thị trường 10/12/2019 13:04

Tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

 

BT tra loi chat van.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể báo cáo trước Quốc hội

Hoàn thiện các bước thủ tục triển khai dự án 

Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia với chủ đầu tư là Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV). Nguồn vốn đầu tư là vốn doanh nghiệp hàng không và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật; thời gian thực hiện từ năm 2020 - 2025 và tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi là liên danh Nhật - Pháp - Việt Nam.

Theo báo cáo nghiên cứu khả thi được lập trên cơ sở quy định của pháp luật và các nghị quyết của Quốc hội về đầu tư dự án quan trọng quốc gia, Hội đồng thẩm định Nhà nước đã triển khai công tác thẩm định và lựa chọn tư vấn quốc tế thẩm tra giúp cho công tác thẩm định của Hội đồng. Thời gian qua, Hội đồng thẩm định Nhà nước đã tập trung thẩm định trước các nội dung pháp lý, nội dung chính và nội dung điều chỉnh, bổ sung so với chủ trương đầu tư đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 94. Ngày 04/10/2019, Hội đồng thẩm định Nhà nước đã có Báo cáo kết quả thẩm định số 7257/BC-HĐTĐNN gửi Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, thực hiện quy định tại Khoản 6 Điều 2 Nghị quyết số 94 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua nội dung chính của Báo cáo nghiên cứu khả thi, trong đó làm rõ một số nội dung điều chỉnh, bổ sung so với chủ trương đầu tư đã được Quốc hội thông qua.

Cụ thể, để xác định hình thức đầu tư phù hợp cho mỗi loại công trình tại Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, theo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và thông lệ quốc tế, các công trình được phân thành 4 nhóm hạng mục chính và được đề xuất hình thức đầu tư, huy động vốn. Cụ thể, hạng mục 1 về các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước giao cho Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) trực tiếp đầu tư, sau đó cho các cơ quan quản lý nhà nước thuê lại. Hạng mục 2 về các công trình phục vụ quản lý bay giao cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp. Hạng mục 3 về các công trình thiết yếu của cảng hàng không giao cho ACV trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp. Hạng mục 4 về các công trình dịch vụ phụ trợ giao cho ACV hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư hoặc xã hội hóa đầu tư.

Tổng mức đầu tư dự kiến là 111.689 tỷ đồng, tương đương 4,779 tỷ USD. Tổng mức đầu tư Dự án này thấp hơn tổng mức đầu tư đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 94 là 4,782 tỷ USD (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng). Đây là dự án có tổng mức đầu tư lớn, quy mô phức tạp, do đó sau khi tư vấn thẩm tra có báo cáo kết quả thẩm tra cuối cùng, Hội đồng thẩm định Nhà nước sẽ xem xét, thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư Dự án.

Điều chỉnh diện tích sử dụng đất

chk_long_thanh
Phối cảnh Cảng Hàng không quốc tế Long Thành

Theo hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, diện tích đất để xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 dự kiến khoảng 1.165 ha. Trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi, để đáp ứng nhu cầu khai thác tối thiểu của giai đoạn 1, tư vấn đã kiến nghị mở rộng lên 1.810 ha để xây dựng các công trình như: kho giao nhận hàng hóa, nhà ga hàng hóa chuyển phát nhanh, hệ thống công trình dẫn đường hàng không, bố trí các hồ điều hòa đảm bảo thoát nước…

Đồng thời, tư vấn đề nghị bổ sung diện tích đất san lấp mặt bằng cho đường cất hạ cánh song song (theo cấu hình đóng) nhằm tạo thuận lợi cho quá trình xây dựng sau này. Việc đề xuất điều chỉnh nêu trên không làm thay đổi tổng diện tích đất 5.000 ha dùng cho Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành đã được Quốc hội thông qua.

Bổ sung hai tuyến đường bộ kết nối

Để giải quyết giao thông kết nối từ vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tới khu vực Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, ngoài đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đang được triển khai thi công, Chính phủ sẽ chỉ đạo đầu tư hệ thống giao thông đồng bộ với từng giai đoạn khai thác (25, 50, 100 triệu hành khách/năm) của Cảng Hàng không quốc tế Long Thành như: mở rộng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; xây dựng đường Vành đai 3 đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch; xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; xây dựng đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành và các công trình khác (cầu Cát Lái và đường tỉnh 25C)… Hiện nay, Chính phủ đang xây dựng kế hoạch huy động các nguồn lực để đầu tư hệ thống giao thông này.

Trước mắt, để đáp ứng nhu cầu khai thác giai đoạn 1, tư vấn đã đề xuất đầu tư 02 tuyến đường bộ kết nối. Cụ thể, tuyến số 1 (dài 3,8km) sẽ kết nối trục chính Cảng (đầu phía Tây) với QL51. Giai đoạn 1 đầu tư với quy mô 6 làn xe. Giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh, gồm 10 làn xe chạy chính và 6 làn đô thị song hành. Tuyến số 2 (dài 3,5km) kết nối tuyến số 1 với đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe, chạy theo hai nhánh song hành với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Do hai tuyến đường bộ này trực tiếp phục vụ khai thác Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, đồng thời tuyến số 1 sẽ là đường công vụ chính để thi công Dự án nên rất cần bố trí vốn kịp thời để triển khai thi công. Trường hợp sử dụng vốn đầu tư công để thực hiện thì sẽ chậm thêm 1,5 năm nữa. Do vậy, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, chấp thuận chủ trương bổ sung hai tuyến này vào Dự án và giao ACV trực tiếp đầu tư

Ý kiến của bạn

Bình luận