2019, năm 'ác mộng' của nhiều doanh nghiệp ô tô

Tác giả: zing

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 27/11/2019 10:26

Từ đầu năm 2019 đến nay, nhiều doanh nghiệp ngành ô tô có kết quả kinh doanh sụt giảm, giao dịch cổ phiếu ảm đạm.

photo-1-15746746252311031857007

Nhiều doanh nghiệp ngành ô tô gặp khó, cổ phiếu lao dốc. (Ảnh: Cafef).

    Có thể kể đến CTCP Ô tô TMT (mã: TMT) - doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe máy và ô tô tải có lịch sử hoạt động gần 10 năm. Trong 9 tháng qua, doanh thu thuần công ty chỉ đạt 995 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ, nhưng lỗ ròng gần 6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi gần 8 tỷ đồng.

    Kết quả kinh doanh yếu kém là một trong những nguyên nhân khiến cổ phiếu TMT sụt giảm. Cổ phiếu TMT đang có giá trị khá thấp với vùng giá hơn 5.000 đồng/cp, giảm 40% so với đầu năm, thanh khoản cổ phiếu cũng èo uột, trung bình chỉ khoảng 1.000 đơn vị mỗi phiên.

    Thực tế, đà giảm mạnh của cổ phiếu TMT đã kéo dài trong 3 năm qua. Cổ phiếu này từng ghi nhận mức giá trên 24.900 đồng/cp (ngày 26/9/2017), sau đó liên tục giảm sâu về dưới mệnh giá như hiện tại.

    Tương tự, CTCP Đầu tư tài chính Hoàng Huy (mã: HHS) cũng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận 9 tháng năm 2019 đều sụt giảm mạnh, lần lượt đạt 374,8 tỷ đồng và 109 tỷ đồng, tương đương giảm 89% và 33% so với cùng kỳ.

    Trong đó, doanh thu từ hoạt động kinh doanh ô tô tải và đầu kéo đạt 109,6 tỷ đồng, chiếm 29% trong tổng cơ cấu doanh thu – thấp nhất so với cùng kỳ vài năm qua. Hiện, cổ phiếu HHS đang giao dịch ở vùng giá 3.000 đồng/cp, giảm khoảng gần 29% so với hồi tháng 3/2019 (4.200 đồng/cp).

    Trong khi đó, cổ phiếu GGG của CTCP Ô tô Giải Phóng còn thê thảm hơn khi thị giá chỉ có 1.900 đồng/cp, thậm chí còn đang trong diện bị hạn chế giao dịch do tổ chức kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2016.

    Đáng chú ý, cổ phiếu GGG còn thường xuyên không có giao dịch, nếu có cũng chỉ đạt quanh ngưỡng 1.000 đơn vị mỗi phiên. Mức giá cao nhất mà cổ phiếu GGG từng đạt được trong 9 tháng qua là 2.200 đồng/cp.

    Về kết quả kinh doanh, Ô tô Giải Phóng liên tiếp ghi nhận lỗ trong năm 2017 và 2018 lần lượt là 7,2 tỷ đồng và 9,8 tỷ đồng.

    Trong một báo cáo phân tích cổ phiếu ngành ô tô, Chứng khoán BIDV (BSC) đánh giá nhóm cổ phiếu này ở mức trung lập trong quý IV/2019.

    Tuy nhiên, theo BSC, các doanh nghiệp phân phối xe nhập khẩu sẽ được hưởng lợi nhờ các hiệp định thương mại tự do thông qua giảm thuế nhập khẩu ô tô về Việt Nam xuống mức 0%, qua đó thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng ô tô, bên cạnh lượng cung xe nhập khẩu sẽ tăng mạnh sau khi sửa đổi Nghị định 116/2017 được thông qua.

    Số liệu từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy doanh số bán hàng của các doanh nghiệp thành viên trong 10 tháng năm 2019 đạt 259.282 xe các loại, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái.

    Nhiều chuyên gia cho rằng thị trường ô tô Việt Nam sẽ tăng tốc trong những tháng cuối năm, vì đây là mùa cao điểm mua sắm ô tô, đặc biệt là trong bối cảnh các hãng đang đua nhau giảm giá xe, nhất là các sản phẩm sản xuất lắp ráp trong nước khi hiện tượng tồn hàng đã và đang diễn ra.

    Đáng chú ý, đây cũng là thời điểm quyết định kết quả kinh doanh của cả năm với kỳ vọng tích cực để có thể hỗ trợ cổ phiếu bứt tốc.

    Mới đây, phát biểu tại buổi họp báo Triển lãm Ô tô Việt Nam 2019 (Vietnam Motor Show – VMS) tại TP.HCM, ông Toru Kinoshita, Chủ tịch VAMA, cho biết: “Năm 2019 là một năm đầy khó khăn, thách thức đối với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Trong tương lai, cùng với sự phát triển ổn định của nền kinh tế và gia tăng dân số tại Việt Nam, thị trường ô tô được dự đoán ngày càng phát triển và Việt Nam sẽ sớm bước vào thời kỳ xã hội hóa ô tô”.

    Ý kiến của bạn

    Bình luận